Sắc phong bị rao bán ở Trung Quốc: Cả làng "mất ăn mất ngủ" vì vụ trộm

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Theo ông Lương, sắc phong được dân làng coi như báu vật, giữ gìn qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, năm 2021, kẻ gian không hiểu vì sao nắm được thông tin đã dùng xà beng đột nhập vào đền lấy trộm hết.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hán Bình Lương, ủy viên Ban quản lý di tích đền Quốc Tế, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ cho biết, khi hay tin sắc phong của đền Quốc Tế được rao bán ở Trung Quốc, các bậc cao niên trong làng rất sốt ruột và lo lắng.

Ban quản lý di tích cùng các bậc cao niên đã lập tức họp bàn với UBND xã để xã có văn bản trình các cơ quan cấp trên trợ giúp tìm phương án đưa sắc phong trở về.

"Chúng tôi rất buồn khi sắc phong của quê hương bị mất trộm rồi lưu lạc ra nước ngoài. Các sắc phong bị mất được coi như báu vật của làng, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống văn hóa tinh thần, được trân trọng, gìn giữ qua nhiều đời", ông Lương chia sẻ.

Thông tin thêm về các di sản bị mất, ông Lương cho biết, đền Quốc Tế (xã Dị Nậu) thờ Cao Sơn Đại Vương và điện Nam thờ Quí Minh Đại Vương.

Thánh Cao Sơn là người đã có công phò Vua, giúp nước đánh tan quân Thục năm 258 trước Công nguyên. Cao Sơn được Vua Hùng thứ 18 (Hùng Duệ Vương) phong chức Chỉ huy sứ Tả tướng quân. Ngoài ra, bốn ngôi đền ở bốn phía Đông - Tây - Nam - Bắc còn thờ các vị tướng tài thời Hùng Vương.

Sắc phong bị rao bán ở Trung Quốc: Cả làng mất ăn mất ngủ vì vụ trộm - 1

Đền Quốc Tế, nơi bị mất 40 sắc phong năm 2021 (Ảnh: H. B. L).

Đền Quốc Tế vì vậy có lịch sử lâu đời, được nhận 40 sắc phong và nhiều mỹ tự của nhà vua các triều đại, trải dài theo dòng lịch sử từ triều Lê đến triều Nguyễn.

Sắc phong cổ nhất được nhà vua niên hiệu Phúc Thái, niên đại Lê Chân Tông ban cho Thánh Cao Sơn vào năm 1645. Ngôi đền được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1992.

"Hiểu được ý nghĩa và giá trị vô giá của sắc phong, nhân dân làng Dị Nậu bao đời nay đã gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chỉ tiếc rằng, tháng 5/2021, kẻ gian đã lợi dụng thời điểm các lực lượng tập trung cho một sự kiện quan trọng của địa phương, đã dùng xà beng phá khóa và phá két sắt lấy đi 40 sắc phong.

Ban quản lý và đặc biệt là các bậc cao niên trong làng nhiều đêm mất ngủ, trăn trở và suy nghĩ rất nhiều vì báu vật được các thế hệ trước gìn giữ cẩn thận nay đến thế hệ mình lại bị mất trộm. Chúng tôi cứ nghĩ cái két rất chắc chắn rồi nhưng không ngờ lại bị kẻ xấu nắm được thông tin lấy đi báu vật của làng", ông Lương nói.

Cũng theo ông Lương, đại diện các ban ngành của xã cùng người dân thời gian qua luôn tìm kiếm thông tin về vụ trộm. Nhiều người thậm chí sẵn sàng đóng góp tinh thần, vật chất để đưa sắc phong trở về.

Trưởng ban quản lý di tích cùng các ủy viên còn chia sẻ thông tin lên mạng xã hội, nhờ cộng đồng những người yêu văn hóa, Hán ngữ tra cứu, tìm hiểu. 

Ông Trần Ngọc Đông - thành viên nhóm Làng Việt xưa và nay cho biết, sau vụ mất 40 đạo sắc phong ở đền Quốc Tế, ông luôn kết nối với ban quản lý di tích ngôi đền này và tìm kiếm tung tích hiện vật. Khi biết thông tin về việc đấu giá ở Trung Quốc, ông Ngọc Đông đã lập tức báo tin cho các bậc cao niên tại làng Dị Nậu.

Sắc phong bị rao bán ở Trung Quốc: Cả làng mất ăn mất ngủ vì vụ trộm - 2

Đền Quốc Tế là ngôi đền cổ, được công nhận Di tích cấp quốc gia năm 1992.

Trước đó, chia sẻ với Dân trí, ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cho hay, Bộ đã nắm được thông tin các sắc phong được rao bán ở Trung Quốc và đang xác minh thêm từ các địa phương.

"Bộ VH,TT&DL đang xác minh xem sắc phong được bán với số lượng bao nhiêu. Bộ cũng chỉ đạo Cục Di sản Văn hóa gửi công văn cho 8 địa phương xem cụ thể thế nào, tính xác thực ra sao. Cái chúng ta thấy mới đang qua ảnh. Ngoài ra cũng cần tìm hiểu xem nguồn gốc sắc phong bị mất hay chỉ là thất lạc?", ông Cương cho hay.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết thêm, có những sự việc rất rõ như sắc phong đền Quốc Tế tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) là bị mất năm 2021, có biên bản ghi nhận. Những địa phương khác cũng cần có những báo cáo tổng thể để Bộ xem xét.

Ông Cương cho hay, Bộ VH,TT&DL sẽ có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị Lãnh sự của mình ở Thượng Hải (Trung Quốc) xác minh thêm thông tin, sau đó mới có các giải pháp tiếp theo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm