Vì sao sắc phong làng Việt được coi như báu vật, giá nào cũng không bán?

Phạm Hồng Hạnh Phương Bảo

(Dân trí) - Theo nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính, sắc phong là loại cổ vật, di sản vô giá của địa phương, dòng họ do tính độc bản, duy nhất (mỗi làng hay mỗi người được phong sắc chỉ được nhận một bản).

Sắc phong là cổ vật, di sản vô giá

Trao đổi với Dân trí, nhà nghiên cứu dân tộc học PGS. TS Bùi Xuân Đính cho biết, hiện tượng mất sắc phong trong các đình, đền, miếu đã diễn ra từ đầu thập niên 90, chứ không phải những năm gần đây mới xuất hiện. Việc mất sắc phong (cùng cổ vật) là sự mất mát lớn đối với văn hóa và di sản.

Những năm 90, khi đi đến các làng xã, ông từng nghe kể về những vụ mất hàng chục sắc phong quý giá chỉ trong một đêm.

Xót xa về thực trạng này, ông đã lên tiếng cảnh báo trên báo chí để các cơ quan ban ngành trong lĩnh vực văn hóa lưu tâm. Tuy nhiên, tình trạng mất trộm sắc phong vẫn diễn ra trầm trọng nhiều năm qua.

Bàn về ý nghĩa của các sắc phong, nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính cho biết, sắc phong là các văn bản viết trên giấy sắc, có ấn của vua, có nội dung công nhận việc thờ thần của một làng (sắc phong thần) hay phong chức tước cho một vị quan (sắc phong chức tước). Mỗi đơn vị sắc phong còn được gọi là Đạo sắc.

Vì sao sắc phong làng Việt được coi như báu vật, giá nào cũng không bán? - 1

Các sắc phong cổ được ban quản lý một ngôi đền ở Thanh Hóa lưu giữ cẩn thận (Ảnh: Hồng Anh).

Sắc phong thần mang nhiều giá trị quý báu, vì chứa đựng nhiều thông tin có giá trị về tín ngưỡng, lịch sử, mỹ thuật, văn bản học, thông tin về các loại ấn của các triều vua…

Trong lịch sử các vương triều của Nhà nước phong kiến Đại Việt - Việt Nam, thường khi vua lên ngôi, mừng sinh nhật 40, 50 tuổi của vua hoặc khi vua có những điều vui khác đều thực hiện phong sắc cho vị thần ở các làng quê.

Ban sắc là một chính sách, ân điển lớn của các vương triều; là một trong những biện pháp của Nhà nước phong kiến nhằm nắm làng xã về phương diện tâm linh, tinh thần. Sắc phong thần còn phản ánh quyền uy tối thượng của nhà vua.

Vì sao sắc phong làng Việt được coi như báu vật, giá nào cũng không bán? - 2

Cận cảnh một con dấu của vua đóng trên sắc phong (Ảnh: Hồng Anh).

Ngoài các giá trị thông tin về địa danh, đơn vị hành chính… sắc phong cho thần, sắc phong chức tước còn cho biết hành trạng, đóng góp của người được phong.

Nhiều người giữ những trọng trách trong bộ máy Nhà nước phong kiến các cấp và có vai trò, công trạng lớn ở những giai đoạn, thời điểm nhất định. Vậy nên, sắc phong là tư liệu quý cho việc nghiên cứu lịch sử địa phương, lịch sử đất nước, bổ sung nguồn tài liệu chính sử.

"Nhìn chung, sắc phong là tư liệu chữ viết quan trọng, tin cậy, cùng với hệ thống hoành phi, câu đối, gia phả, thần phả, truyền thuyết địa phương, là những tư liệu thiết yếu trong nghiên cứu lịch sử nói chung, lịch sử làng xã nói riêng", nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính nhấn mạnh.

Vì sao sắc phong làng Việt được coi như báu vật, giá nào cũng không bán? - 3

Nhiều sắc phong vẫn được cất trong hộp cổ, lưu giữ qua nhiều thế kỷ (Ảnh: H. A).

Cũng theo nhà nghiên cứu này, không chỉ có những giá trị quý báu về phương diện tư liệu, sắc phong là loại cổ vật, di sản vô giá của địa phương, dòng họ do tính độc bản, duy nhất (mỗi làng hay mỗi người được phong sắc chỉ được nhận một bản).

"Vì những lý do trên, sắc phong là niềm tự hào, mang tính thiêng liêng với mỗi làng và cá nhân người được phong sắc; được giữ gìn rất cẩn thận qua nhiều thế kỷ.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả những lúc nguy cấp (cháy đình, cháy nhà, nước lụt…), dân các làng cũng tìm mọi cách để bảo quản hoặc cứu giữ. Sắc phong chính vì thế là tài liệu tâm linh vô giá cần được quản lý, bảo vệ với chế độ nghiêm ngặt hơn, với sự vào cuộc của chính quyền, ngành văn hóa", vị chuyên gia này nêu quan điểm.

"Nước xa không cứu được lửa gần"

Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia nghiên cứu về sắc phong Doãn Minh, Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho hay, các di tích đều được quản lý theo Luật Di sản Văn hóa. Nhưng nhiều khi "nước xa không cứu được lửa gần".

Việc trông coi, quản lý ở nhiều di tích là do dân làng phụ trách với tinh thần tự nguyện nên đôi khi chưa chuyên nghiệp. Người trông coi đa phần lớn tuổi, trong khi đối tượng cố tình trộm cắp thường trẻ và manh động. Việc cổ vật, sắc phong bị đánh cắp vì thế càng khó tránh khỏi.

"Không riêng gì đền Quốc Tế ở xã Dị Nậu, Tam Nông, Phú Thọ bị mất sắc phong mà mới đây vụ "thất lạc" tài liệu quý tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng mang đến những lo ngại. 

Thực tế, có nhiều dân buôn bán, tiêu thụ đồ cổ chuộng các loại văn bản cổ, sẵn sàng mua giá rất cao. Kẻ trộm biết điều này nên đã đi ăn cắp bán lấy tiền. Tất cả sắc phong ở đền Quốc Tế đều ghi rõ thuộc đền, đình nào, xã nào, ở đâu nên ở Việt Nam, kẻ gian không thể tiêu thụ được. Họ đành "tuồn" ra nước ngoài để rao bán ở các sàn đấu giá", Tiến sĩ Doãn Minh cho hay.

Vì sao sắc phong làng Việt được coi như báu vật, giá nào cũng không bán? - 4

Vào tháng 5/2021, trộm đã phá két sắt lấy đi 39 sắc phong và nhiều sách cổ tại đền Quốc Tế (Ảnh: Tạ Đình Hạp).

Theo chuyên gia này, từ năm 2018, Luật Di sản văn hóa có những quy định về việc tiến hành đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc xin giấy phép mang di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài đối với những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc loại được phép mang ra nước ngoài.

Tuy nhiên, bằng cách nào đó, những sắc phong quý vẫn lọt qua khe hở, lưu lạc sang nước khác. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có sự quản lý chặt chẽ, sát sao hơn.

Về khả năng hồi hương sắc phong, tiến sĩ Doãn Minh cho hay: "Bảo vật bị mất đi thì phải chuộc lại. Có thể, về giá trị các sắc phong này không bằng ấn vàng nhưng về thủ tục phải đầy đủ các bước thì mới đưa về Việt Nam được".

Việc nhiều cổ vật bị mất gần đây là tiếng chuông cảnh báo cho những nhà quản lý văn hóa, cần có những chính sách cũng như những giải pháp kịp thời để có thể khắc phục và hạn chế tối đa nạn trộm cắp, chảy máu cổ vật.

Ngoài sắc phong, đền Quốc Tế còn bị mất nhiều sách cổ

Chia sẻ với Dân trí, ông Tạ Đình Hạp, Ban Quản lý di tích đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, Phú Thọ) cho biết, đền Quốc Tế có tổng cộng 40 sắc phong. Trong đó, 1 sắc phong đã bị thất lạc khá lâu trước đây; còn 39 sắc phong bị mất vào thời gian tháng 5/2021.

Ngoài các sắc phong, đền Quốc Tế còn bị mất nhiều sách cổ. Sách bị mất cũng rất quan trọng. Nội dung sách ghi lại thần tích, thần sắc, hương ước, địa bạ, những phong tục tập quán ngày xưa; sách cũng ghi lại tục săn beo, săn hổ; những bài lễ, bài cúng của tổ tiên…

Ông Hạp cho biết thêm, trước khi vụ trộm xảy ra khoảng 3 tháng, Cục Lưu trữ 1 (Bộ Nội vụ) đã về phục chế và dịch ra chữ quốc ngữ được 2 quyển sách Hán Nôm. Sau đó, tất cả sắc phong, sách quý được cho vào két sắt khóa lại cẩn thận nhưng kẻ trộm vẫn cả gan lấy đi.

"Chúng tôi mong rằng, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cùng nhân dân sẽ làm mọi cách để cổ vật được về đúng nơi, đúng quê hương", ông Hạp mong mỏi.