Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 3:
“Renoir”: Nàng thơ của cha, người vợ của con
(Dân trí) - Bộ phim đẹp như một tuyệt tác của Renoir, với nhiều cảnh khỏa thân khiến người xem nghẹt thở. Người phụ nữ xuất hiện rạng ngời và đẹp như một nữ thần, đó chính là nàng thơ của “Renoir cha” và là vợ của “Renoir con”.
Tạo hình nhân vật họa sĩ Pierre-Auguste Renoir
“Renoir” - bộ phim Pháp mang tới tham dự Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần này - từng tham gia tranh giải tại Liên hoan phim Cannes, từng được Pháp gửi đi dự tranh giải Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, từng được giới phê bình điện ảnh của Pháp và quốc tế đánh giá cao.
Đạo diễn Gilles Bourdos đã thực hiện một bộ phim tiểu sử đầy tính thẩm mỹ, về những năm tháng cuối đời của một vị danh họa - niềm tự hào của mỹ thuật Pháp.
Là họa sĩ tài danh của trường phái Ấn tượng, Renoir cả cuộc đời say mê sáng tạo, ngay cả đến khi bị bệnh khớp hành hạ tới mức gần như liệt, ông vẫn cố gắng sử dụng những ngón tay đã tê cứng và đau buốt để tiếp tục sáng tạo. Đối với ông, “tất cả nỗi đau rồi sẽ qua đi, chỉ có cái đẹp còn ở lại”.
Nàng thơ Andree Heuschling (Nữ diễn viên Christa Theret)
“Một bức tranh nên khắc họa thứ gì đó dễ chịu và vui tươi. Đã có đủ chuyện bất bình trong cuộc đời. Ta không cần phải vẽ thêm về chúng nữa”, đó là lý do tại sao Renoir đam mê vẽ phụ nữ khỏa thân. Đối với ông, trong thế gian này, chẳng có gì đẹp hơn, “dễ chịu và vui tươi” hơn vẻ đẹp của một thiếu nữ khỏa thân.
Phim lấy bối cảnh mùa hè năm 1915, Renoir (Michel Bouquet) lúc này 74 tuổi, vừa mới mất đi người vợ mà ông yêu quý. Bốn năm sau biến cố này, ông cũng sẽ ra đi. Bộ phim xoay quanh giai đoạn cuối trong cuộc đời vị họa sĩ tài danh. Lúc này, Renoir đã giàu có và nổi tiếng. Trong thế giới nhỏ của mình, Renoir là một ông hoàng.
Lúc này, Thế chiến I đang gieo rắc những cơn thịnh nộ xuống miền bắc nước Pháp, trong khi đó, ở trang trại xinh đẹp thuộc miền đông nam, Renoir vẫn sống như thể chiến tranh không hề tồn tại. Điều duy nhất ông quan tâm là vẽ tranh - vẽ thiếu nữ khỏa thân.
Renoir có hai người con trai lớn - Piere và Jean - đều phải nhập ngũ, cả hai đều bị những thương tích ngoài mặt trận. Jean (Vincent Rottiers) - cậu con trai thứ hai - đã suýt mất một chân, anh được cho phép trở về nhà dưỡng thương trước khi tái nhập ngũ.
Nàng thơ cuối cùng trong những năm tháng sáng tạo nghệ thuật của ông là cô gái 15 tuổi Andree Heuschling - một thiếu nữ gợi cảm. “Quá sớm, quá muộn”, đó là những gì Renoir nói về Andree, ẩn ý về sự khác biệt tuổi tác quá lớn giữa hai người - một sự thật chua chát đối với vị họa sĩ vốn thường xuyên qua lại với người mẫu của mình.
Đối với Renoir, Andree xuất hiện như một tia sáng rực rỡ cuối cùng, bất ngờ rọi sáng những năm tháng ảm đảm sau rốt của ông, khiến ông có những cảm nhận tươi mới về cuộc đời và mỹ thuật. Đối với Renoir, Andree là một người mẫu tuyệt nhất mà ông từng biết, một nhan sắc mà theo ông, “ngay cả danh họa Titian cũng phải tôn thờ”.
Bộ phim được đánh giá cao về mặt hình ảnh, cảnh quay đẹp như những bức họa, từ cảnh vật cho tới nhân vật. Những cảnh khỏa thân của người mẫu, những rặng cây, thảm cỏ, sông núi, ánh sáng mặt trời… Tất cả tạo nên những thước phim đầy thẩm mỹ.
Người con trai thứ Jean Renoir
“Renoir” - bộ phim dán nhãn “R” - yêu cầu trẻ em dưới 17 tuổi phải có cha mẹ hoặc người lớn đi kèm vì trong phim có khá nhiều cảnh khỏa thân phục vụ cho mục đích nghệ thuật.
Bích Ngọc
Theo New York Times