Rạp chiếu phim Nhà nước: Muốn “sống” được phải tự biết cứu mình
(Dân trí) - Trước thực trạng các Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh, thành phố… đang trong cơn “ngắc ngoải” vì quá nặng tự duy trông chờ vào Nhà nước, nhiều đơn vị và chuyên gia cho rằng phải thay đổi tư duy, chủ động kêu gọi các nhà đầu tư để thay đổi hoạt động kinh doanh mới mong “sống” được.
Tự cứu lấy mình, đừng trông chờ Nhà nước nữa!
Theo bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh thì chiến lược phát triển Điện ảnh Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ phim Việt Nam đạt ít nhất 35% số buổi chiếu phim; 30-35% phim truyện Việt Nam trên tổng số phim phát hành; số người xem phim đạt 95 triệu lượt người xem phim/năm; số phòng chiếu phim đạt 550 phòng chiếu.
Trong khi thực tế, hiện nay các doanh nghiệp tư nhân của Hàn Quốc đã chiếm tới 60% cụm rạp, 40% còn lại được chia đều cho BHD, Galaxy, Platinum và hệ thống rạp của nhà nước. Riêng hệ thống rạp chiếu phim Nhà nước hiện có 93 rạp, trong đó 58 rạp đang hoạt động, 25 rạp đã chuyển đổi mục đích sử dụng, 10 rạp đã ngừng hoạt động. Trong số 58 rạp nhà nước đang hoạt động, thực chất chỉ có Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đang hoạt động hiệu quả và có lãi, còn lại các rạp đang “sống” mà như đã “chết”.
28 tham luận của các Trung tâm Phát hành và Chiếu bóng các tỉnh/thành phố, khi chủ tọa yêu cầu nhấn mạnh đến các giải pháp để tháo gỡ tình trạng khó khăn thì đa phần các tỉnh đều nêu thực trạng khó khăn và mong muốn Nhà nước giúp đỡ. Bà Ngô Phương Lan đã buộc phải đặt câu hỏi ngược lại với địa phương: “Nếu nhà nước đầu tư, liệu các trung tâm có đảm bảo làm ăn kinh doanh có lãi hay không?”. Bà Phương cho rằng, bây giờ không nên trông chờ Nhà nước nữa, mỗi địa phương phải tự nâng cao tính chủ động.
Bà Nguyễn Bích Phượng, Phó Giám đốc Công ty BHD chia sẻ rằng, các địa phương hiện nay chưa thực sự chủ động. Làm điện ảnh phải đam mê, phải lao ra ngoài tìm hiểu xem khán giả của địa phương mình cần gì, chứ không thể đợi Nhà nước. Nếu phim nào mình cũng muốn có, nhưng rạp mình kém, nhân sự yếu, một số nơi nhân viên còn muốn về ngủ trưa thì không thể làm dịch vụ được.
“Bản thân BHD thấy nhu cầu khán giả Việt Nam thích phim Việt Nam, chúng tôi cũng đầu tư thêm các cụm rạp, môi trường tốt để biến khu chiếu phim, thành khu giao tiếp hoạt động cộng đồng, trao đổi văn hóa. Khó khăn là các rạp địa phương không có phim bom tấn chiếu, nếu có cơ hội BHD sẵn sàng chia sẻ với các tỉnh thành. Việc chia sẻ với các tỉnh thành đã được BHD thực hiện từ 10 năm nay, chưa kể công ty thường xuyên cung cấp cho các địa phương những bộ phim mà tiền vận chuyển có khi nhiều hơn tiền các Trung tâm Chiếu phim chuyển về lại”, bà Phượng nói.
Theo bà Phượng, kỹ thuật của các rạp nhà nước hiện nay không phù hợp, các phim giờ dùng hệ thống kỹ thuật số, phải dùng khóa mở để bảo vệ bản quyền. Sau đó, việc phát hành phim không đơn giản là chỉ phát hành ở rạp mà còn phát hành nhiều phạm vi bản quyền khác. Vì vậy khi ký kết với các đối tác khác có chuyện ràng buộc, nên khi chuyển sang các định dạng khác HD, video… thì phải rất lâu sau mới có phim…
Phải chủ động kêu gọi đầu tư mới có thể “sống”
Tại hội thảo sáng 31/5, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia được coi là một "điển hình tiên tiến”. Ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia chia sẻ rằng, khi ông về tiếp nhận vị trí quản lý Trung tâm Chiếu phim Quốc gia thì hệ thống rạp chiếu phim này xuống cấp rất khủng khiếp.
“Lúc đó, là một đơn vị sự nghiệp, chúng tôi đã bàn bạc trong Chi uỷ, dứt khoát phải đưa hoạt động dịch vụ vào cùng với hoạt động chiếu phim, coi đó là một yếu tố quan trọng. Lúc đó, chúng tôi có thể xin được vốn Nhà nước nhưng triển khai dự án phải mất 2 - 3 năm. Cuối cùng lựa chọn đưa đối tác bên ngoài vào hoạt động dịch vụ là giải pháp tối ưu”, ông Dương nói.
Ngay sau khi chọn lựa đối tác đầu tư 18 tỷ đồng với những yêu cầu khắt khe về trang trí và thiết kế bên ngoài, số lượng khán giả đến Trung tâm Chiếu phim Quốc gia tăng gấp đôi, trong khi thực tế phòng chiếu vẫn chưa sửa chữa, vẫn phòng, ghế, máy móc thiết bị cũ. Ông Nguyễn Danh Dương cũng nhận mạnh, việc ký kết này là hợp tác kinh doanh, chỉ ký có hiệu lực trong thời gian nhất định chứ không phải theo mô hình liên doanh liên kết. Nghĩa là sau mấy năm, nếu cảm thấy việc hợp tác không ổn thì đối tác có thể để lại những gì họ tạo dựng để ra đi.
“Thực hiện dự án xã hội hóa dưới hình thức hợp tác kinh doanh chúng tôi đã hoàn toàn thay đổi. Ngay như khu nhà này sang trọng bên cạnh Trung tâm Chiếu phim Quốc gia khi hợp tác đầu tư cũng chỉ ký với nhau có 6 năm, con số đấu thầu lúc đầu là 34 tỷ nhưng hiện nay số tiền đối tác đầu tư đã lên tới 80 tỷ. Bản thân Nhà nước không thể đầu tư với mức độ “khủng” như thế này được”, ông Dương nhấn mạnh.
Một trong những vấn đề mà Trung tâm Chiếu phim Quốc gia chú trọng nữa đó là tập trung cải tạo cảnh quan, môi trường, công nghệ… Trung tâm này đề ra chiến lược thực hiện trong 5 năm, mỗi năm làm một việc. 5 năm, Trung tâm đã cải tạo được 4 phòng chiếu cũ, mở rộng 5 phòng chiếu mới, nâng tổng phòng chiếu lên 9. Tổng mức đầu tư là 85 tỷ 714 triệu đồng, Nhà nước cấp 13 tỷ còn 72 tỷ là nguồn thu từ hoạt động chiếu phim. Đến nay, Trung tâm hạch toán như một doanh nghiệp với hơn 100 nhân viên lao động bán thời gian. Trong 10 năm qua, Trung tâm không có bất kỳ suất biên chế nào.
Ông Dương cũng cho rằng, với kiện sống còn khó khăn hiện nay thì việc nên thiết kế một giá vé hợp lý là yếu tố để thu hút mọi người đến rạp. Năm 2008, Trung tâm đón 500.000 lượt khách/năm với tổng mức thu cả năm chỉ đạt 17 tỷ đồng thì năm 2015 Trung tâm đón trên 2 triệu lượt khán giả với mức doanh thu trên 150 tỷ đồng, chiếm 7% khán giả thị phần cả nước.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng, cá nhân ông thấy hầu hết các Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng ở các tỉnh, thành phố hiện nay đều có một chung một đề xuất là xin xây rạp mới. Nhưng ông thắc mắc là xây rạp rồi thì nguồn phim ở đâu để chiếu?
“Cần hiểu cạnh tranh thị trường là bình đẳng giữa tư nhân và nhà nước. Việc đầu tư xây rạp cũng phải tính toán kỹ vì xây rạp rồi nguồn phim ở đâu, không lẽ nhà nước lại phải bỏ tiền mua tiếp phim? Có lẽ nên cải tạo các rạp cũ và kêu gọi tư nhân nâng cao vai trò đóng góp xã hội hơn nữa, ưu đãi về giá phim bán cho các trung tâm chiếu bóng địa phương. Theo tôi điều quan trọng hơn hiện nay là chúng ta phải tạo được cho công chúng văn hóa xem phim, thưởng thức phim”, đạo diễn phim “Ma làng” chia sẻ.
Từ những thực tế được nêu ra tại hội thảo, có thể nhìn thấy rõ việc ngồi đợi Nhà nước giải cứu mà không chủ động tìm cách cứu mình thì các Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng sẽ “chết” thật sự. Bằng chứng là mới đây thôi, rạp chiếu phim Dân Chủ và rạp 1/5 cũng đã buộc phải đóng cửa trong sự ngỡ ngàng của giới phát hành phim lẫn khán giả.
Hà Tùng Long