Nhiều rạp phim Nhà nước đã “chết” mà vẫn phải cố “sống”
(Dân trí) - Sự xuống cấp về trang thiết bị, sự thiếu thốn và lạc hậu về nguồn phim, sự cứng nhắc trong cơ chế quản lý… đã đẩy các Trung tâm (Công ty) Phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành phố đến tình trạng “chết mà vẫn phải sống” trong nhiều năm qua.
Bức tranh mang màu ảm đạm
Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp đẩy mạnh công tác phát hành - phổ biến phim tại rạp của Trung tâm (Công ty) Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc - phía Nam” diễn ra vào sáng 31/5, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ rằng, trong mấy năm qua, hoạt động phát hành, phổ biến phim có bước phát triển mạnh mẽ. Thị trường điện ảnh tăng nhanh và đều đặn. Doanh thu chiếu bóng hàng năm tăng khoảng 20- 30%. Doanh số chiếu bóng của nhiều phim tăng, danh sách các phim đạt doanh thu 60 tỉ, thậm chí trên dưới trăm tỉ đồng được nối dài và trong đó không ít phim Việt Nam.
Hệ thống rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn phát triển với tốc độ cao, đến cuối năm 2015, cả nước có 138 rạp với 510 phòng chiếu, trong đó 457 phòng chiếu phim được trang bị hệ thống máy chiếu kỹ thuật số (KTS) chuẩn 2K. Khán giả đến với điện ảnh ngày càng đông và nhiệt tình, không chỉ có “mùa phim Tết” như những năm trước. Tình trạng “cháy vẻ” dịp nghỉ lễ - tết diễn ra ngày một thường xuyên... Đặc biệt là việc thu hút được sự quan tâm của khán giả và giới truyền thông, tạo nên “cơn sốt” phim Việt trong đó có phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” do Nhà nước đặt hàng, tư nhân sản xuất. Theo thống kê, số lượt khán giả mua vé xem phim năm 2015 nhỉnh hơn 5% so với năm 2014.
“Đó là những tín hiệu đáng mừng nhưng rất tiếc chỉ mới là dấu hiệu khởi sắc của phát hành, phổ biến phim tại rạp ở các thành phố lớn. Còn với hoạt động phát hành, phổ biến phim tại rạp của Trung tâm (Công ty) Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì bức tranh lại mang một màu sắc ảm đạm”, bà Lan nhấn mạnh.
Cả nước hiện nay có 64 Trung tâm (Công ty) Phát hành phim và Chiếu bóng, trong đó 8849 Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, 4 công ty cổ phần hóa và 11 Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đã sáp nhập vào với Trung tâm Văn hoá. Về hệ thống rạp chiếu phim, trên cả nước, hiện tại có 3 hệ thống rạp chiếu phim đang hoạt động gồm: hệ thống rạp chiếu phim của các Trung tâm/công ty Phát hành phim và Chiếu bóng do Nhà nước quản lý (58 rạp đang hoạt động với 103 phòng chiếu, 10 rạp không hoạt động, 25 rạp đã chuyển đổi mục đích sử dụng, 18 Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng không có rạp chiếu phim), hệ thống rạp chiếu phim của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam (34 rạp đang hoạt động 138 phòng chiếu) và hệ thống rạp chiếu phim của các liên doanh với nước ngoài (46 rạp với 269 phòng chiếu).
Theo số liệu thống kê năm 2015 phim truyện Việt Nam sản xuất được 41 phim, phim truyện nước ngoài nhập khẩu là 199 (đều do các công ty tư nhân, cổ phần hoặc liên doanh nắm giữ và điều tiết hoạt động phát hành - phổ biến phim tại rạp). Tỷ lệ số phim Việt Nam so với phim nước ngoài là 20,06%. Hệ thống rạp do Nhà nước quản lý có buổi chiếu phim Việt Nam đạt 67,63%, người xem phim Việt Nam chiếm tỷ lệ 61,9%.
Hệ thống rạp của công ty nước ngoài, liên doanh vả tư nhân có buổi chiếu phim Việt Nam đạt 34,8%, người xem phim Việt Nam chiếm tỷ lệ 47,5%.
Mong muốn được giải cứu
Trong các bản tham luận, rất nhiều đại diện Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh như: Ninh Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Trị, Huế, Hà Tĩnh… đều nêu ra rất nhiều khó khăn mà các Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh phải đối mặt trong nhiều năm qua.
Ông Vũ Quang Huy - Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Ninh Bình chia sẻ: “Ninh Bình hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, chúng tôi mong muốn được giải cứu. Sự phát triển của các loại hình giải trí khiến cho khán giả thờ ơ với việc đến Trung tâm chiếu phim, trong khi trang thiết bị của rạp lại không đủ tiêu chuẩn để chiếu các phim “bom tấn”, chất lượng cao để hút khán giả đến xem. Các phim thuê của công ty điện ảnh Vinacinema thường chậm hơn so với ngày phát hành từ 1 - 2 tháng. Một rạp tư nhân có mấy chục tỷ để được đầu tư thì các rạp của Trung tâm lại chỉ có 300 - 400 triệu đầu tư. Chúng tôi mong được quan tâm và giải cứu”.
Ông Dương Văn Biên - Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lạng Sơn cũng “than thở” rằng Trung tâm của ông nhiều năm qua đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn.
“Rất nhiều lần phát biểu, rất nhiều lần kêu… nhưng chúng tôi chưa được đáp ứng. Từ 2012 cho tới nay, khán giả giảm, doanh thu giảm, chỉ được gần 200 triệu/năm. Chiếu phim chính trị Nhà nước đặt hàng một buổi được trả 3,645 triệu, một năm đặt chiếu 60 buổi nhưng phân ra cả chiếu bóng lưu động, cả chiếu tại rạp. Từ tháng 8/2013, rạp phải ngừng hoạt động máy chiếu phim nhựa do không có phim mới để chiếu. Cả năm 2015, lượng khán giả đến rạp chỉ đạt 5881 lượt, doanh thu 188 triệu đồng. Hiện tại doanh thu của rạp không đủ chi cho các buổi chiếu và nhân công lao động tại rạp. Nguyên nhân do trang máy móc thiết bị quá đỗi lạc hậu, nguồn phim quá nghèo nàn và cũ kỹ…”, ông Biên nói.
Đại diện tỉnh Sơn La còn cho biết, 20 năm qua tỉnh này không có rạp chiếu mà chỉ có 26 đội chiếu bóng phục vụ nhân dân ở vùng sâu vùng xa và một đội chiếu phim kiêm văn phòng. Số lượng người xem đông nhưng Nhà nước tài trợ 100% kinh phí nên không có nguồn thu. Sơn La cũng là điểm nóng về ma tuý và hoạt động điện ảnh có thể giúp đẩy lùi được ma tuý nhưng lại thiếu thốn về đủ thứ nên tình trạng nóng về ma tuý vẫn đang nhức nhối.
Tình trạng của Hà Tĩnh lại lắm phần bi đát hơn. Theo ông Nguyễn Trọng Chương - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh Hà Tĩnh thì năm 2012, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Hà Tĩnh sát nhập vào Trung tâm Văn hoá tỉnh với tên gọi “Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh”. Sau khi sát nhập, nguồn ngân sách hoạt động bị thu hẹp, năm 2016 chỉ được 80 triệu đồng. Vì nguồn ngân sách thu hẹp nên đội ngũ nhân lực cũng bị cắt giảm. Trong khi đó trang thiết bị lạc hậu, thiếu kinh phí thuê phim… và đã cố giảm giá vé nhưng lượng khách đến rạp vẫn như “chùa Bà Đanh”. Tổng doanh thu từ việc chiếu phim nhiều năm qua chỉ đạt 20 - 30 triệu đồng.
Bà Ngô Phương Lan cũng nhấn mạnh, dù Cục Điện ảnh đã rất nỗ lực để cung cấp các phim Việt Nam sản xuất, phim đặt hàng, phim phục vụ đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, hải đảo... cho các Trung tâm nhưng vẫn không đảm bảo được nguồn phim cho các Trung tâm. Bên cạnh đó, tình trạng báo động là rạp ở một số địa phương đã bị thu hồi hoặc có nguy cơ bị thu hồi để sử dụng vào mục đích khác.
“Chúng ta thấy rằng, tại hệ thống rạp của các Trung tâm (Công ty) Phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành phố hầu như chưa được trang bị hệ thông máy chiếu kỹ thuật số chuẩn 2K nên các bộ phim Việt Nam sản xuất và phim nước ngoài nhập khẩu theo công nghệ mới không tương thích nên không thể chiếu phim. Hiện nay, hệ thống rạp của các Trung tâm các tỉnh, thành phố chủ yếu là chiếu phim Việt Nam do nhà nước đặt hàng, tài trợ thông qua hệ thống máy chiếu HD và do đơn vị tự khai thác”, bà Lan nói.
Vì lẽ đó mà hội thảo được tổ chức để tìm ra các giải pháp phù hợp, đẩy mạnh công tác phát hành - phổ biến phim của các Trung tâm. Trong đó nhấn mạnh đến giải pháp về quản lý nhà nước; giải pháp về cơ chế chính sách; giải pháp về cơ sở vật chất, trang thiết bị chiếu phim; giải pháp về nguồn phim.
Bài 2: Lối thoát nào cho các rạp chiếu phim Nhà nước?
Hà Tùng Long