Quỵt tiền thù lao nghệ sĩ quá dễ!: Giao dịch bằng niềm tin

Cho rằng ký hợp đồng gây phiền phức nên chỉ cần trao đổi qua điện thoại là giao kết, nghệ sĩ bị quỵt tiền do chính sự dễ dãi của mình.

Bầu sô cũng có năm bảy loại. Lâu nay, ai cũng có thể đứng ra làm bầu sô nên người tử tế thì ít, kẻ lưu manh thì nhiều. Thời buổi khó khăn, nghệ sĩ mong có được sô diễn nên hễ được mời đi sô là mừng.

Bầu sô, lắm kẻ lưu manh

Những năm gần đây, khi thị trường biểu diễn tại TPHCM ngày một thu hẹp và khó khăn, nghệ sĩ tìm kiếm thị trường biểu diễn tại các tỉnh, thành khác. Bầu sô các tỉnh có cơ hội phát triển nhờ thị phần biểu diễn trở nên sôi động này thông qua chương trình biểu diễn lễ hội, kỷ niệm, đại nhạc hội, hội chợ lô tô, hội nghị khách hàng... “Ai cũng có thể làm bầu. Điều này đã khiến cho môi trường văn nghệ bị xuống cấp. Cũng dễ hiểu khi tại TP HCM, tình hình tổ chức biểu diễn đóng băng, sân khấu ế ẩm đã dẫn đến việc nghệ sĩ kiếm đủ sô để trang trải cuộc sống. Không ít người bị bầu sô gạt. Trước hết, phải nói việc mua giấy phép biểu diễn ở các địa phương quá dễ, gần như không có sự kiểm duyệt nên ai cũng có thể làm bầu” - nghệ sĩ Thanh Kim Huệ nói.

Nghệ sĩ Mỹ Chi kể chị đã từng bị một bầu sô hăm dọa sẽ triệt đường sống nếu không tham gia hát sô theo giá cát-sê tự hắn đưa ra. Một số nghệ sĩ hài cũng bị ép giá như chị.


Những sô diễn kiểu này rất dễ bị quỵt thù lao. Trong ảnh: Nghệ sĩ Minh Béo trình diễn trong một sự kiện do bầu sô tổ chức

Những sô diễn kiểu này rất dễ bị quỵt thù lao. Trong ảnh: Nghệ sĩ Minh Béo trình diễn trong một sự kiện do bầu sô tổ chức

Bên giới nghệ sĩ hát bội, hát chầu cải lương tuồng cổ các mùa cúng đình Kỳ Yên hằng năm cũng bị giới bầu sô o ép, quỵt tiền, ăn chặn tiền cát-sê với nhiều chiêu trò khó tưởng tượng. Nghệ sĩ Bình Tinh cho biết: “Cách làm việc của nhiều bầu sô sặc mùi xã hội đen, đe dọa đến đình, chùa và tính mạng nghệ sĩ nếu không nghe theo họ”.

Trong nước gần đây nổi lên những bầu sô văn nghệ cho các hội nghị khách hàng. Đây là một dạng bầu mới nổi, nắm bắt thị phần này nhanh chóng, chuyên cung cấp nghệ sĩ - ca sĩ cho hội nghị khách hàng của các công ty từ TP HCM đến các tỉnh. Nghệ sĩ Mỹ Chi kể chị được bầu M. mời diễn hội nghị khách hàng của một công ty có vốn đầu tư của nước ngoài. Khi mời, M. bảo đó là chương trình công ty làm từ thiện, giá rất bèo. Khi đến nơi, thông qua người bạn của con gái, chị được biết doanh nghiệp đó đã thanh toán cho M. số tiền thù lao trả cho nghệ sĩ hàng trăm triệu đồng. Tất cả nghệ sĩ tham gia sô đó đều bị gạt.

Với bầu L., con gái của một danh ca quá cố, chuyên tổ chức sô diễn tại các tỉnh miền Tây, giá cát-sê của nghệ sĩ đều bị ăn chặn trắng trợn. Đến ngày đoàn diễn dời đi, hầu hết nghệ sĩ đều phải thanh toán tiền khách sạn, một số ca sĩ hát lót không có tiền bị khách sạn giữ lại chứng minh thư. “Bầu này còn tổ chức đánh bạc, rủ các nghệ sĩ tham gia, ai thiếu tiền chơi, bà cho mượn để giữ chân, buộc phải hát cho bà với giá rất bèo. Đó là một bà bầu độc ác nhất, đối xử với nghệ sĩ như những con nợ của xã hội đen” - một ca sĩ trẻ tố chuyện.

Do nghệ sĩ dễ dãi

Hiện trạng làm nghề dễ dãi của nghệ sĩ hiện nay đã tạo cơ hội cho giới bầu sô lợi dụng. Trên thực tế dù đã xảy ra nhiều trường hợp mất tiền, tổn hại danh dự nhưng nghệ sĩ vẫn cứ làm việc theo kiểu đơn giản, chỉ cần một cuộc điện thoại mời sô, thỏa thuận giá và báo điểm diễn, giờ diễn bằng miệng là xong. Nghệ sĩ, ca sĩ dựa vào chữ tín của bầu sô, không có cơ sở pháp lý để ràng buộc trách nhiệm, quyền lợi của đôi bên nên dẫn đến chuyện dễ bị lừa, dễ bị quỵt tiền. Khi xảy ra chuyện, nghệ sĩ muốn thưa kiện cũng không có bằng chứng.

Nghệ sĩ Vũ Luân chia sẻ kinh nghiệm rằng có lần anh yêu cầu ký hợp đồng, bầu sô đồng ý và soạn sẵn 4 bản để anh ký nhưng 2 bản ghi đúng giá tiền còn 2 bản ghi sai giá và sai cả suất diễn. Khi trả cát-sê, nhân viên của bầu sô trưng ra bản hợp đồng có chữ ký của anh, “nghĩa là họ đánh tráo khi tôi sơ hở để không thể thưa kiện gì được họ” - nghệ sĩ Vũ Luân nói.

Nghệ sĩ Hồng Nga chia sẻ rằng biết hợp đồng là cơ sở pháp lý nhưng thường bầu sô né tránh còn nghệ sĩ lại càng không muốn ký vào vì phải chịu thuế thu nhập. Khi xảy ra tranh chấp, nghệ sĩ không muốn ồn ào, thay vì mất thời gian tranh tụng, họ đi kiếm sô khác diễn kiếm tiền hay hơn. Đó là điểm yếu của nghệ sĩ khiến bầu sô có điều kiện lợi dụng, tự tung tự tác.

Theo nghệ sĩ hài Tấn Beo, nghệ sĩ rất ngại ký hợp đồng vì cứ nghĩ trong nghề nên tin nhau. Hợp đồng chính là cách “mích lòng trước, đặng lòng sau” nhưng không phải ai cũng hiểu được và làm đúng.

Ông Dzung Organ - nhà tổ chức nhiều năm uy tín trong giới - khuyên: “Nghệ sĩ ngại ký hợp đồng nên khi giao dịch cần ghi âm lại cuộc gọi để sau đó có cơ sở đối chất nếu hai bên quên giá cát-sê đã thỏa thuận”.

 

Nhiều cách lưu lại chứng cứ giao kết

Luật sư Ngô Đình Hoàng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: “Luật Dân sự thừa nhận những giao kết thông qua mail, điện thoại có ghi âm, ghi hình ảnh sẽ là nguồn chứng cứ xem như giao dịch hợp đồng để tòa án có thể phán xét khi đối chiếu vụ việc tranh chấp. Theo tôi, nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên nên tập thói quen làm việc với hợp đồng, dù đó là văn bản viết tay, có chữ ký và người làm chứng, để từ đó tránh bị lợi dụng, dẫn đến kiện tụng khi bị gạt cát-sê. Khi ký kết hợp đồng sẽ giúp cho môi trường biểu diễn và tổ chức biểu diễn không bị rơi vào thực trạng tiêu cực như hiện nay”.

 

Theo Thanh Hiệp

Người Lao Động