Quỹ nghệ thuật lao đao vì suy thoái kinh tế

(Dân trí) - Suy thoái kinh tế kéo theo việc nhiều quỹ nghệ thuật đã buộc phải ngừng hoạt động.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy ngân quỹ dành cho nghệ thuật vẫn đang rất ảm đạm sau cơn bão suy thoái kinh tế. Vốn dĩ các quỹ nghệ thuật được duy trì bằng nguồn thu từ các nhà đầu tư để mua các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên theo ông Enrique Liberman, chủ tịch Hiệp hội Quỹ nghệ thuật ở New York số lượng các quỹ này "rất khó để đánh giá, chúng là các phương tiện đầu tư một cách bí mật, điều này làm người ngoài rất khó để có thể biết về chúng".

Ông Enrique Liberman (áo vest trắng), chủ tịch hiệp hội Quỹ NT ở New York.

Ông Enrique Liberman (áo vest trắng), chủ tịch hiệp hội Quỹ NT ở New York.

Trong tổng số 36 quỹ được liệt kê bởi Noah Horowitz, giám đốc triển lãm nghệ thuật Armory Show, có 10 quỹ đã bị bỏ rơi khi danh sách này được công bố, cùng với đó là thêm 7 quỹ nữa sau khi danh sách này ra mắt. Người ta ước tính rằng hiện nay chỉ có tối đa 20 quỹ đang hoạt động trên khắp thế giới.
 
Philip Hoffman, người điều hành Fine Art Fund Group, cho biết là ông đã phải tính toán và xem xét một cách chi tiết về các khoản lãi của quỹ đầu tư của mình và chỉ mong đợi đạt được ở mức khoảng 6% dù lãi ban đầu đạt mức gần 19%. Hoffman cho rằng chi phí quản lý và biến động tiền tệ có nhiều ảnh hưởng hơn dự đoán. Ông cho biết là hiện nhóm của mình đang gây quỹ với mức tiền khoảng 100 triệu USD.

Ông Philip Hoffman, người điều hành Fine Art Fund Group ở London.

Ông Philip Hoffman, người điều hành Fine Art Fund Group ở London.

Những người khác thì hạ thấp mong đợi của mình. "Chúng tôi vẫn đang tồn tại và hoạt động", Massimiliano Subba, người điều hành quỹ đầu tư Anthea Contemporary Art tại Thụy Sĩ cho biết. Ông chịu trách nhiệm cho khoản tiền đầu tư 30 triệu Euro: Bao gồm các tác phẩm của John Stezaker, Mario Merz và Elly Strik. Friedrich Kiradi, người quản lý quỹ Art Photography Fund nói rằng việc gây quỹ đã bị đình trệ khi nhóm này thay đổi địa điểm từ quẩn đảo Cayman sang Luxembourg. Quỹ này ra mắt vào năm 2008 với mục tiêu thu hút khoảng 70 triệu Euro, nhưng hiện tại chỉ nắm giữ chưa tới 10 triệu Euro.

Có một sự thay đổi lớn trong hành vi của các nhà đầu tư khắp nơi là họ bắt đầu chuyển dần sang đầu tư trực tiếp. Theo ông Randall Willette, người thành lập công ty tư vấn Fine Art Wealth Management điều này sẽ giúp mọi chuyện được minh bạch hơn và tăng cường được khả năng quản lý các khoản đầu tư. Bằng cách loại bỏ bên thứ ba, các nhà đầu tư có thể chủ động quyết định việc khi nào một tác phẩm được rao bán.

Ông Philip Hoffman, người điều hành Fine Art Fund Group ở London.


Quỹ Fine Art Fund Group đã phát triển bộ phận "tài khoản quản lý riêng" trong hơn 18 tháng qua, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông. Bằng việc hoạt động như một nhà tư vấn nghệ thuật, họ có thể tiết kiệm được chi phí quản lý tài chính. Dù vẫn có nhiều thử thách nhưng người coi nghệ thuật là một sự đầu tư vẫn đang dũng cảm chiến đấu. Liberman cho biết: "Các bài học đã được nắm rõ từ sau sự sụp đổ của thị trường (2008-2009), như việc nên đầu tư bao nhiêu vào một họa sĩ hay nên đưa vốn vào thị trường nhanh tới mức nào. Nhưng vẫn có rất nhiều thứ phức tạp trong chiến lược đầu tư để nghệ thuật có thể phát triển và đây sẽ là một thời điểm rất thú vị".

 
Phan Hạnh
Theo The Art Newspapers