Quảng Trị: Tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo bài chòi
(Dân trí) - Bài chòi là trò chơi dân gian độc đáo, được chơi phổ biến vào những dịp đầu Xuân ở một số tỉnh miền Trung. Tại các làng quê Quảng Trị, trò chơi này vẫn được lưu giữ ở một số nơi như xã Vĩnh Giang, xã Vĩnh Hòa, xã Triệu Trung....
Nằm trong lộ trình nhận diện, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên quê hương Quảng Trị, Hội Di sản văn hóa tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Sở VH-TT&DL, Phân hội Văn nghệ dân gian huyện Triệu Phong đã tổ chức tái hiện không gian nghệ thuật bài chòi tại địa phương này.
Hội bài chòi được tổ chức tại làng Ngô Xá Tây (xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong) để mọi người cùng khám phá, thưởng thức những giá trị, tinh hoa di sản văn hóa dân gian, mà nhân dân làng Ngô Xá Tây đã dày công gìn giữ từ trước đến nay. Bên cạnh đó, việc tái hiện nghệ thuật bài chòi tại Quảng Trị nhằm phục vụ cho quá trình xây dựng hồ sơ Quốc gia đệ trình UNESCO phê duyệt là Di sản văn hóa phi vật thể.
Bài chòi là mô hình chơi bài, có chòi cho khách ngồi chơi. Loại hình này đã có từ rất lâu đời trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trước đây, bài chòi ở làng Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong dần bị mai một theo thời gian, nhưng xuất phát từ nhu cầu thực tế, hạn chế vấn đề cờ bạc lén lút, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và mong muốn giữ gìn những nét đẹp trong loại hình này nên làng Ngô Xá Tây đã phục dựng, bảo lưu và trao truyền những giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật này.
Ở làng Ngô Xá Tây, nghệ thuật bài chòi được chơi vào dịp Tết, bắt đầu từ mồng 1. Bài chòi đã được làng tổ chức liên tục trong 3 năm gần đây. Nghệ thuật bài chòi được tái hiện ở làng Ngô Xá Tây rất quy mô và đặc biệt là được nhân dân yêu mến.
Nét đặc trưng ở nghệ thuật bài chòi tại làng Ngô Xá Tây là có sự tích hợp của nghệ thuật dân gian như hò vè, hò dã gạo, hát ru…, từ đó đã tạo sự vui tươi, hấp dẫn trong loại hình nghệ thuật này.
Đăng Đức