Quảng Trị: Hai cổ vật Chăm pa quý hiếm được công nhận là bảo vật Quốc gia

(Dân trí) - Hai cổ vật này được đánh giá là độc bản, quý hiếm đang được trưng bày tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Quảng Trị vừa được công nhận là bảo vật Quốc gia, cùng với 10 hiện vật, nhóm hiện vật khác trong nước.

Thông tin từ Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cho biết, hai bức phù điêu lá nhĩ Trà Liên I, Trà Liên II, có niên đại trên 1.000 năm tuổi, hiện đang trưng bày trong khuôn viên bảo tàng vừa nằm trong nhóm 12 hiện vật, nhóm hiện vật khác trong cả nước được công nhận là bảo vật Quốc gia đợt này.

Quảng Trị: Hai cổ vật Chăm pa quý hiếm được công nhận là bảo vật Quốc gia - 1

Hai bức phù điêu lá nhĩ được công nhận là bảo vật Quốc gia đợt này

Hai hiện vật trên được tìm thấy tại khu phế tích tháp Trà Liên ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đây là 2 hiện vật quý hiếm, độc bản, được trang trí theo kiểu kiến trúc đền tháp Chăm nửa cuối thế kỷ IX, mỗi bức phù điêu được chạm khắc rất tinh xảo trong mặt đá sa phiến, theo hình bán nguyệt.

Bức phù điêu lá nhĩ Trà Liên 1 mặt trước có chạm hình thần mặt trời Surya và hai trợ thủ. Bức phù điêu có bố cục hài hòa, kỹ thuật chạm khoét sâu vào thớt đá với trình độ cao. Còn bức phù điêu lá nhĩ Trà Liên 2 có chất liệu là đá sa thạch. Trên mặt phù điêu chạm nổi hai hình tượng của Siva và Uma ngồi trên bệ.

Quảng Trị: Hai cổ vật Chăm pa quý hiếm được công nhận là bảo vật Quốc gia - 2

Bảo vật có nét chạm tinh xảo

Quảng Trị: Hai cổ vật Chăm pa quý hiếm được công nhận là bảo vật Quốc gia - 3

Bảo vật được để ngoài trời nên đã phần nào làm giảm giá trị

Ông Lê Đình Hào, Giám đốc bảo tàng tỉnh Quảng Trị cho biết, đây là 2 trong số 10 di vật, hiện vật tại bảo tàng đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận là bảo vật Quốc gia. Hai bức phù điêu này đã được hội đồng đánh giá phù hợp với các tiêu chí và quy định để trở thành bảo vật của quốc gia. Bên cạnh đó, hai hiện vật cũng có giá trị lịch sử văn hóa - nghệ thuật Chămpa, được tạo ra cách đây trên 1.000 năm tuổi.

Hiện tại, hai bức phù điêu trên đang được trưng bày ngoài trời, sau khuôn viên Bảo tàng Quảng Trị, các họa tiết đang dần phai mờ dẫn đến nguy cơ làm mất giá trị của bảo vật nên cần được bảo tồn cẩn thận hơn. “Sắp tới bảo tàng sẽ trình lên cấp trên phương án bảo quản hai cổ vật trên, giảm thiểu tối đa hư hại, phong hóa”, ông Hào nói.

Đăng Đức