Quảng Bình: Người Khùa cầu may mắn đầu năm với tục buộc chỉ cổ tay
(Dân trí) - Mỗi năm một lần, cứ vào những ngày đầu năm mới, các gia đình người Khùa tại xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) lại tổ chức nghi lễ “buộc chỉ cổ tay”. Người Khùa tâm niệm, sợi dây chỉ buộc vào cổ tay sẽ mang lại sức khỏe và may mắn cho họ.
Vào đầu năm mới, sau 3 ngày Tết nguyên đán, đồng bào dân tộc nơi biên giới xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa lại cử hành nghi thức buộc chỉ cổ tay cho các thành viên trong gia đình. Đó là lúc người Khùa cầu các vị thần mang bình yên đến với con người.
Đồng bào dân tộc nơi đây quan niệm, trong cuộc đời cần phải có một sợi dây tâm linh ràng buộc hồn vía và thể xác lại với nhau, tựa như chiếc “bùa hộ mệnh”, vừa bảo vệ vừa mang lại sức khỏe, may mắn.
Ông Hồ Thong, một cao niên tại bản Hà Vi cho biết, tập tục buộc chỉ cổ tay của người Khùa cũng như của một số tộc người nơi biên giới đã có từ hàng trăm năm nay.
Chỉ dùng để buộc vào cổ tay của người Khùa có hai màu trắng và đỏ. Chỉ màu trắng sẽ mang lại may mắn, sức khỏe, bình an, còn chỉ màu đỏ là dùng cho người ốm đau với mong muốn thoát khỏi bệnh tật.
Lễ buộc chỉ cổ tay sẽ được tổ chức tại các hộ gia đình. Thành phần buổi lễ có tộc trưởng (người cao tuổi, đứng đầu dòng họ), già làng, trưởng bản, bà con xóm giềng và các thành viên trong gia đình.
“Cứ đầu năm mới là nhà nào cũng tổ chức lễ buộc chỉ, chúng tôi chuẩn bị lễ vật để cúng ông bà, tổ tiên. Sau đó mới tiến hành lễ buộc chỉ tay cho gia đình. Buộc chỉ là để may mắn, có cái sức khỏe để làm nương, làm rẫy”, chị Hồ Ma cho hay.
Để tiến hành nghi lễ buộc chỉ cổ tay, người Khùa chuẩn bị chỉ, khăn hoặc váy (tất cả đều mới) và được đặt trên một chiếc mâm đan bằng mây tre để giữa sàn nhà gian giữa, nơi trịnh trọng nhất của ngôi nhà sàn.
Mọi người đến dự lễ quây quần thành vòng tròn bên mâm lễ vật, các thành viên trong gia đình đều phải lật ngửa tay phải ra chạm vào thành mâm. Sau đó, một cao niên bắt đầu đọc bài cúng. Sau mỗi câu khấn trầm bổng, cao niên đưa tay ra hiệu cho các thành viên trong gia đình nhấc mâm lễ vật lên rồi lại từ tốn hạ xuống, chiếc mâm cứ thế được nâng lên hạ xuống trên dưới mười lần trong suốt bài khấn.
Một cao niên người Khùa cũng cho biết, nội dung bài cúng được hiểu là lời cầu sức khỏe, cuộc sống luôn đầy đủ, tránh được tai ương. Sợi chỉ buộc vào cổ tay sẽ là khắc tinh của tà ma mang lại may mắn cho người buộc.
Sợi chỉ này sẽ được người Khùa đeo trên tay trong suốt năm đó và sẽ được thay sợi chỉ mới vào đầu năm sau. Sau phần nghi thức, phần hội thường được diễn ra bên ché rượu cần và cuộc vui sẽ còn được nối dài với những ngày xuân trên miền đất biên cương.
Tiến Thành