Quảng Bình: Ngư dân làng biển và tục xin lửa đêm giao thừa

(Dân trí) - Cứ vào đêm giao thừa, người dân Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) lại đốt một đống ở đình làng để mọi người trong làng đến cung kính lấy về. Người Cảnh Dương quan niệm, ngọn lửa mang ý nghĩa tượng trưng cho ánh sáng, cho sự may mắn và no ấm.

Tục lấy lửa từ đình làng về thắp hương, nấu bánh, nấu nước trong đêm giao thừa, cầu cho một năm mới ấm áp, nhiều may mắn của người dân làng biển Cảnh Dương được các thế hệ duy trì hàng trăm năm nay.

Người dân làng biển này cũng không nhớ tục rước lửa đêm giao thừa có từ bao giờ, chỉ biết từ thuở khai canh, ông cha họ đã đốt một đống lửa giữa làng để mọi người đến cung kính lấy về.

Ông Nguyễn Văn Biểu, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Cảnh Dương cho biết, tục lấy lửa đêm cuối năm tại địa phương này bắt nguồn từ những ngày lênh đênh đánh bắt trên biển. Giữa khơi xa các ngư dân rất khó giữ ngọn lửa, vì thế các họ thường xuyên gọi bạn thuyền giữa sóng to, gió lớn để xin lửa.

“Người Cảnh Dương quan niệm, ngọn lửa đem lại may lành, no ấm. Tục lấy lửa chính là một tín ngưỡng tốt đẹp của bà con làng chài để kính nhớ tổ tiên, mang ánh sáng của những người đã khuất về độ trì cho con cháu trong năm mới”, ông Biểu cho biết

Ngọn lửa thiêng được thắp sáng tại sân đình
Ngọn lửa thiêng được thắp sáng tại sân đình

Cứ vào khoảng 20h đêm cuối năm, người dân làng biển Cảnh Dương lại tập trung đông đủ tại sân đình. Đúng 22h, những người già trong làng sẽ làm lễ cúng thần linh, cầu may mắn, cầu cho những chuyến đi biển của người dân trong năm mới thuận lợi và xin được rước ngọn lửa từ đình tổ ra thắp ở sân đình.

Đến 23h, một bô lão được lựa chọn trước đó có đầy đủ các yếu tố như “kinh tế lưỡng vượng, phu thê thông toàn, con cái đủ cả trai cả gái” sẽ thắp lửa và rước ra trước sân đình nơi có đống củi xếp sẵn.

Vật dụng dùng để rước lửa đều được các gia đình trong làng chuẩn bị từ trước. Vật dụng này có thể là một cây đuốc, bùi nhùi, hoặc một chiếc hộp bên trong có để cuộn vải tẩm dầu hỏa rồi nối vào một cành cây.

Đúng vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người dân dùng dụng lấy lửa của mình đến bên đống lửa giữa sân đình để châm lửa rồi rước ngọn lửa thiêng đó về nhà mình.

Người dân xin lửa từ đình làng rồi rước về nhà mình
Người dân xin lửa từ đình làng rồi rước về nhà mình

Khi rước lửa về nhà, người dân Cảnh Dương dùng ngọn lửa này để thắp những nén hương đầu tiên trong năm mới cho ông bà, tổ tiên. Người làng cũng dùng ngọn đó để nấu bánh, nấu nước cho ba ngày Tết để cầu may mắn, ấm no.

“Với những ngư dân làng biển chúng tôi, ngọn lửa luôn mang đến may mắn, sự ấm no, thuận lợi trong những chuyến biển. Đây cũng là phong tục đẹp, hướng về nguồn cội, nâng cao tinh thần đoàn kết mà người người dân làng biển chúng tôi luôn duy trì”, ông Đồng Thanh Thuyết chia sẻ.

Rước lửa thiêng từ đình làng về nhà đã trở thành tài sản tâm linh hết sức quý báu của người dân làng biển Cảnh Dương. Ngọn lửa này được gìn giữ suốt 3 ngày Tết. Đây cũng là nét văn hóa độc đáo của người dân Cảnh Dương, ngôi làng biển có lịch sử hình thành gần 400 năm và là một trong bát danh hương của tỉnh Quảng Bình.

Tiến Thành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm