Quần jeans cũ được "lên đời" thành những chiếc túi xách vạn người mê
(Dân trí) - Những chiếc quần jeans đã cũ, bạc màu, ố vàng được Nguyễn Thị Hải Yến (Bắc Giang) thu gom để "hô biến" thành những chiếc túi xách, balo, khuyên tai gây ấn tượng.
Ngay từ khi còn là sinh viên chuyên ngành Công tác xã hội, Hải Yến (26 tuổi) đã nuôi ước mơ về một shop chuyên bán đồ handmade là những chiếc túi xách, balo ví vải. Vì thích sự độc đáo và khác biệt nên 9X trăn trở tìm con đường đi để là ra những sản phẩm cá tính, độc đáo nhưng phải mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Sau hơn 2 năm ra trường cũng là hơn 2 năm loay hoay, Yến đã tìm cho mình một con đường đi mới đó là biến rác thải thời trang, cụ thể là những món đồ jeans cũ thành những sản phẩm sáng tạo và hữu ích, góp phẩn bảo vệ môi trường, lan tỏa thông điệp sống xanh cho mọi người.
"Từ xưa đến nay jeans luôn là một chất liệu bền đẹp và cá tính, vì vậy dù đã qua sử dụng nhưng độ bền của jeans vẫn khá tốt so với các chất liệu vải khác và có thể sử dụng làm túi xách mà vẫn có được độ thẩm mỹ nhất định.
Hơn thế nữa chính những chi tiết quen thuộc và đặc trưng của quần jeans đã kích thích sự sáng tạo của mình trong mỗi sản phẩm, vì vậy mình đã quyết định dùng quần áo jeans cũ làm nguyên liệu để sản xuất túi xách", Hải Yến chia sẻ.
Không được học về may vá, nên Yến phải tự mày mò. Cô cho biết, bản thân đã mất khá nhiều thời gian và nước mắt để hiểu được máy may: "Có những lỗi cực kì cơ bản như sùi chỉ, gãy kim, ... cũng làm mình bật khóc vì bất lực, đó là chưa kể đến tập may túi thì việc tháo ra may lại mấy chục lần 1 chiếc túi là việc xảy ra cơm bữa".
Tuy nhiên, luôn xem những khó khăn là thử thách, Yến kiên trì tập luyện làm ra những sản phẩm được mọi người đón nhận.
Yến thu gom đồ jeans cũ từ cơ sở của shop tại Hà Nội hoặc gửi bưu điện về trực tiếp cơ sở chính ở Bắc Giang. Mọi người được quy đổi đồ jeans cũ thành điểm và điểm đó sẽ được tính thành tiền giảm giá trực tiếp vào các sản phẩm đã tái chế khi mua tại shop. Nguồn quần jeans cũ của shop cũng được các bạn yêu môi trường khắp nơi gửi về và thu gom lại quần áo hỏng của các shop hàng thùng để tái chế.
Sau khi thu gom quần cũ về, việc đầu tiên sẽ định hình ý tưởng cho từng chiếc quần. Với chất liệu này, dáng quần này sẽ hợp may mẫu túi nào. Sau đó sẽ cắt rời chi tiết quần ra, chọn lọc những phần vải còn tốt và sắp xếp lại theo ý tưởng ban đầu và may ghép chúng lại với nhau.
Chính những chi tiết đặc trưng của jeans như túi quần, đai quần, cạp quần hay mác sẽ được biến hóa thành điểm nhấn đặc biệt của túi xách.
"Vì là quần cũ nên nhiều chiếc sẽ có vết ố, phai, nhưng khi thiết kế lại may túi thì chính những chỗ loang ấy lại là điểm nhấn rất thời trang trên túi", Hải Yến cho biết thêm.
Khi nhìn vào sản phẩm mới hoàn thành bạn sẽ thấy thích thú vì vẫn là chiếc quần ấy, vẫn là chi tiết đặc trưng của jeans nhưng giờ đây chúng lại ở trong một hình dáng hoàn toàn mới, vừa lạ mắt lại vừa thấy quen quen. Đó cũng chính là điểm thu hút riêng của những món đồ jeans tái chế mà bất kì món đồ mới nào cũng không có được.
Sản phẩm túi jeans đầu tiên cô làm ra chính là một chiếc balo, phần ngăn phụ phía trước được giữ nguyên từ phần cổ áo khoác, rất cá tính và độc đáo. Khi hoàn thiện sản phẩm, cô cảm thấy rất thích thú và hào hứng muốn may thật nhiều chiếc túi, balo cá tính giống như vậy.
Không lựa chọn ở lại Thủ đô để phát triển sự nghiệp, Yến trở về quê (Bắc Giang) để nuôi dưỡng và phát triển công việc tái chế: "Mình thích sự rộng rãi thoải mái cũng như không khí trong lành ở quê. Không gian này rất thích hợp cho công việc sáng tạo.
Ở Hà Nội hay các thành phố lớn các hoạt động về handmade hay cộng đồng đã có rất nhiều, tuy nhiên ở quê việc đó vẫn còn rất lạ lẫm, mình muốn mang điều đó về quê để lan tỏa nhiều hơn tới mọi người".
Mỗi chiếc túi được ra đời ẩn chứa một câu chuyện của riêng, Yến chia sẻ về một kỷ niệm đáng nhớ từ một vị khách: "Thật không thể tin được chiếc quần cũ ấy lại có thể trở thành 1 chiếc túi xách xinh và thời trang như vậy, chị rất cảm ơn em vì điều đó, bởi vì bản thân chiếc quần ấy đã làm rất tốt sứ mệnh của mình rồi, bây giờ nó lại một lần nữa có ích thì thật là tuyệt vời".
Chính những câu chuyện của các vị khách, câu chuyện của những chiếc quần là cảm hứng dồi dào để cô gái trẻ này sáng tạo mỗi ngày. Giá sản phẩm sẽ dao động từ 100 - 800 ngàn đồng, tùy vào độ cầu kì phức tạp của sản phẩm.
Trong thời gian tới, Hải Yến mong muốn mở rộng thương hiệu túi tái chế của mình để nhiều người được biết đến và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.