Quán cà phê chỉ có 8 chỗ ngồi, để khách tự trả tiền theo cảm xúc
(Dân trí) - Quán cà phê trên phố Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội) của Tú chỉ phục vụ tối đa 8 khách một lúc, menu chỉ có 5 món, đặc biệt anh để khách hàng tự trả tiền tùy vào tâm trạng.
Vũ Đình Tú (30 tuổi), từng làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tú là người yêu thích cà phê, đây là thức uống không thể thiếu trong ngày của anh.
Đầu năm 2020, khi Covid-19 ập đến, không được ra ngoài uống cà phê thường xuyên nên Tú phải tự pha ở nhà, tuy nhiên anh không pha được đúng khẩu vị như mình mong muốn. Chàng trai 9X quyết định tìm hiểu và nhận thấy, để có ly cà phê ngon thì chất lượng hạt cà phê đóng vai trò rất quan trọng, Tú quyết định mua cà phê thô về tự rang và đi học rang cà phê.
Trong căn phòng ngủ của mình, Tú đặt chiếc máy rang được người bạn cho mượn và tập rang cà phê. Sau mỗi mẻ rang, anh gửi cho người thân, bạn bè uống thử và căn chỉnh cho phù hợp. Sau khi rang khoảng 4 mẻ, gửi cho gần 400 người thử, Tú mới tìm được đúng vị cà phê mà anh mong muốn.
Chàng trai Hà Nội đăng ký tham gia các lớp học về cà phê bài bản, anh đến tận vùng trồng ở Lâm Đồng để trải nghiệm, tự tay thu hái những quả cà phê chín đỏ, sau đó cùng người dân sơ chế và rang, pha cà phê. Sau chuyến trải nghiệm tất cả công đoạn để làm nên một hạt cà phê, Tú càng yêu hơn thức uống màu đen có vị đắng này.
Nhờ tình yêu với hạt cà phê, Tú đạt giải Ba trong cuộc thi rang cà phê "VietNam Open Roastmasters Championship" tổ chức tháng 3/2021.
Tháng 4/2021, Tú quyết định thuê mặt bằng mở quán cà trên phố Văn Miếu. Quán chỉ có 8 chiếc ghế đặt xung quanh quầy pha chế và không có menu đồ uống.
"Những ngày đầu mở quán, mình tự làm hết các công việc, từ giới thiệu cho mọi người về hạt cà phê, cách pha chế. Quán chỉ có cà phê đen và nâu nên mình không làm menu", Tú cho biết.
Bất kể khách hàng nào đến quán cũng được trải nghiệm cách pha một ly cà phê, Tú còn giới thiệu cho mọi người về lịch sử hạt cà phê, quy trình làm nên hạt cà phê, cách phân biệt cà phê Arabica và Robusta. Đặc biệt, Tú để mọi người tự trả tiền tùy tâm trạng, trải nghiệm của mình.
Quán cà phê của Tú phục vụ những người thích hương vị cà phê mộc hơn là chọn quán cà phê để hàn huyên hay tâm sự. Có nhiều người vào quán và thấy chỉ có ghế ngồi xung quanh quầy bar liền đi ra.
Bạn trẻ Đoàn Hương Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) tỏ ra thích thú khi được trải nghiệm cách phục vụ cà phê của quán: "Mình rất thích cà phê ở đây, nó thiên về cà phê mộc, các bạn ấy còn giới thiệu về văn hóa, lịch sử hạt cà phê và giúp mình phân biệt được cà phê Arabica và Robusta".
Kể từ khi dừng công việc văn phòng và chuyển sang bán cà phê, Tú phải hy sinh sở thích cá nhân, bình thường anh rất thích chơi thể thao nhưng 8 tháng nay ngày nào Tú cũng ở quán cà phê từ sáng đến tốt mịt. Ngoài ra, anh phải uống rất nhiều cà phê trong một ngày, có thể lên tới 10-15 cốc nên cũng ảnh hưởng ít nhiều tới sức khỏe, giấc ngủ chập chờn.
Đổi lại, chàng trai Hà Nội cũng "được" rất nhiều, có thêm nhiều người bạn, có những bạn trẻ ít hơn Tú cả chục tuổi và cả những bác 80 tuổi đến và thích cà phê của Tú. Những vị khách còn góp phần làm menu quán cà phê phong phú hơn.
"Có bạn mang sữa tươi đến, mình pha cùng cà phê và thế là được món thứ ba, đặt tên là "Tuesday". Một thời gian sau có bạn mang đến kem tươi (Whipping cream), tạo nên món thứ 4 có tên "Văn Miếu". Bốn món này đều được pha từ cà phê Robusta của Gia Lai", Tú chia sẻ.
Mở quán cà phê, Tú chưa đặt nặng lợi nhuận, tại thời điểm này chàng trai trẻ muốn ưu tiên chất lượng. Anh muốn làm ra một cốc cà phê ngon nhất để mọi người thưởng thức nên đặt hết tâm huyết vào từng cốc cà phê, đó cũng là lý do Tú luôn ở quán từ sáng sớm đến tối muộn, dù đã có thêm 2 nhân viên phục vụ.