PR phim bằng cảnh nóng: Kiếm tiền cũng cần phải có trách nhiệm với xã hội
(Dân trí) - “Ở Mỹ, khi người ta làm trailer có cảnh nóng, cảnh bạo lực họ “red ban” lên để cảnh báo khán giả bởi người ta còn biết nghĩ, ngoài chuyện kiếm tiến thì cũng cần phải có trách nhiệm với xã hội”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh bày tỏ về việc dùng ảnh khoả thân để PR cho phim ảnh.
Phẫn nộ khi dùng cảnh nóng/ảnh sex để PR cho phim
Sử dụng hết các “chiến thuật” để truyền thông cho một bộ phim “sắp ra lò” là điều mà không nhà sản xuất hoặc nhà phát hành nào bỏ qua. Tuy nhiên, dùng ảnh sex hoặc trailer chứa toàn cảnh nóng để PR cho một bộ phim lại là điều đáng phải lên án bởi nó sẽ khiến cho thẩm mỹ của người trẻ bị lệch chuẩn.
Đó không chỉ là nhận định của một người mà là nhận định của rất nhiều chuyên gia. Đặc biệt, những hình ảnh này được đăng tải một cách công khai trên các trang fanpage có không ít người theo dõi là trẻ em.
Mới đây, bộ phim “Mẹ chồng” của đạo diễn Lý Minh Thắng đã tung ra một đoạn trailer mới để quảng bá cho bộ phim. Đoạn trailer có mô tả cảnh ân ái đầy táo bạo của cặp đôi diễn viên Thanh Hằng - Song Luân trong phim. Trong những hình ảnh này, nam diễn viên để lộ nguyên vòng 3 và biểu hiện nhiều động tác khá nhạy cảm. Ngay sau đó, trên trang fanpage của CGV (nhà phát hành phim) cũng tung ra loạt hình được cắt từ đoạn clip, trong đó có cả những hình ảnh trần trụi để lộ toàn bộ vòng 3 của nam diễn viên.
Sự việc này đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Bản thân đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - đạo diễn phim “Em là bà nội của anh” cũng đã bày tỏ quan điểm phản đối cách thức PR của bộ phim này. Anh cho rằng, với lượng người theo dõi phần đông là trẻ em thì CGV không được đem hình ảnh như vậy ra để quảng bá phim.
“Fanpage của rạp thì đầy con nít nhưng vẫn đăng ảnh khỏa thân để lôi kéo khán giả, mình cảm thấy khinh ra mặt những bạn làm PR cho phim kiểu này vì các bạn không có tâm. Ở Mỹ, khi người ta làm trailer có cảnh nóng, cảnh bạo lực họ “red ban” lên để cảnh báo khán giả bởi người ta còn biết nghĩ, ngoài chuyện kiếm tiến thì cũng cần phải có trách nhiệm với xã hội.
Các bạn muốn PR, quảng bá sao cũng được nhưng các bạn nên xem kênh của mình có trẻ em hay không, đối tượng các bạn là ai. Còn nếu các bạn quảng bá trên một kênh dành cho mọi đối tượng thì các bạn nên cảnh báo nội dung cho người dùng vì không ai cũng muốn con cái mình xem mông của ai đó”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nói. Những chia sẻ đầy thẳng thắn này của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã được rất nhiều cư dân mạng ủng hộ và đồng tình.
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên một sự việc như thế này xảy ra. Trước đó, bộ phim “Lạc giới” ngay khi vừa tung teaser 90 giây có chứa cảnh yêu đương cuồng nhiệt giữa Mai Thu Huyền với Trung Dũng, cảnh nhân vật nữ từ từ cởi áo lót hay cảnh hai người nằm trên giường chỉ quấn hờ chiếc chăn mỏng cũng đã dấy lên không ít những lời bình luận trái chiều.
Phim “Hương Ga” trong trailer dài hơn 2 phút, chứa hàng loạt cảnh nóng cũng đã làm dậy sóng trên mạng xã hội. Đặc biệt là cảnh nhân vật của Trương Ngọc Ánh với Kim Lý ân ái với nhau trên giường.
Táo bạo hơn, phim “Mất xác” còn không ngần ngại tung lên fanpage những hình ảnh trần trụi như: nhân vật nữ khỏa thân 100%, nằm sõng soài bên bờ sông, một đôi nam nữ đang “mây mưa” hay ảnh nhân vật chính thả rông ngực chạy trên đường. Những hình ảnh này đã vấp phải làn sóng phản đối của đông đảo cư dân mạng vì cho đó là việc làm “bất chấp” để PR cho phim.
Phản cảm, phản thẩm mỹ, phản giáo dục...
PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, đây là hình thức PR “lợi bất cập hại”. Rõ ràng đây là hình thức dùng ảnh khỏa thân hoặc những cảnh nóng bỏng trên phim để câu khách, câu view… nhưng lại không văn minh. Những hình ảnh này khi đưa lên mạng xã hội sẽ khiến cho trẻ em có những cái nhìn sai lệch và thẩm mỹ lệch chuẩn.
“Trước đây, từng có bộ phim “Hễ chuông reo là bắn” tràn ngập hình ảnh khỏa thân và cảnh ân ái rất thô lỗ nên đã bị dân mạng đổi tên thành “Hễ chuông reo là cởi”. Tôi cho rằng, việc dùng cảnh nóng/ hình ảnh khỏa thân để quảng bá cho bộ phim kiểu như “Mẹ chồng” cùng một số phim khác từng làm là kiểu làm phản cảm, phản thẩm mỹ, phản giáo dục… Vì khi đưa những cảnh này hoặc hình ảnh này lên các trang fanpage thì mức độ tiếp cận của trẻ con sẽ rất lớn.
Và khi đó, con trẻ sẽ nảy sinh những cảm giác về tình dục mà chưa đến tuổi phải có cảm giác đó. Chúng ta từng chứng kiến những vụ án đau lòng gần đây liên quan đến câu chuyện của những người trẻ bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tình dục và bạo lực. Kết quả của những chuyện đó cũng chính là xuất phát từ những hình ảnh, những cảnh nóng, những trò chơi điện tử… lan truyền trên mạng xã hội như thế này. Đối với một xã hội đang phát triển như Việt Nam chúng ta thì rõ ràng đây là một bi kịch”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ.
Một đạo diễn xin giấu tên bày tỏ rằng, việc sử dụng các “chiêu trò” để quảng bá cho một bộ phim là cách mà nhiều nhà sản xuất, nhiều hãng phim và nhiều nhà phát hành trên thế giới đang làm. Đó được xem là xu hướng của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, truyền thông cỡ nào để mang lại hiệu ứng tích cực chứ không phải tạo nên những hiệu ứng ngược mới là điều cần phải nói.
“Việc dán nhãn 4 cấp độ cho phim chiếu rạp mới được ban hành gần đây là một cách để kiểm duyệt đối tượng khán giả, tránh những hệ lụy không đáng có. Vậy thì việc quảng cáo cũng nên có sự cân nhắc và tính toán bởi mạng xã hội như một thế giới thu nhỏ. Ở đó, trẻ em không ít mà người lớn rất nhiều.
Không thể vì chạy theo doanh thu mà bất chấp cả những chiêu thức PR phản cảm, phản thẩm mỹ, phản giáo dục… được. Suy cho cùng, truyền thông chỉ là công cụ hỗ trợ và nội dung phim mới là yếu tố quyết định sự thành bại của một tác phẩm điện ảnh khi ra rạp. Một bộ phim dở dù có gây sốc, có kích thích trí tò mò cỡ nào cũng không thể khiến khán giả khen hết lời được. Vì thế, quảng bá cũng phải có cái tâm của người làm điện ảnh và cái tâm của nhà kinh doanh”, đạo diễn này nói.
Mạnh Trường