Phút giây nghẹn ngào bên linh cữu Giáo sư Trần Văn Khê
(Dân trí) - Sáng nay 26/6, lễ nhập liệm GS Trần Văn Khê đã được diễn ra. Nhiều bạn bè, học trò, đồng nghiệp... của ông đã tới tới sớm cùng chia sẻ nỗi mất mát với gia đình GS trong niềm tiếc thương vô hạn...
Sau hơn một tháng nhập viện, Giáo sư Trần Văn Khê đã qua đời vào 2h55 phút ngày 24/6 tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định.
Rất nhiều cơ quan, đoàn thể trong cả nước, từ Bắc, Trung Nam cho đến nước ngoài đã đăng ký với Ban Tang lễ từ 10 ngày trước để có thể đến viếng giáo sư. Lễ viếng được diễn ra theo đúng như những gì mà giáo sư mong muốn.
Nhà soạn nhạc dân tộc Nguyễn Vĩnh Bảo tuổi cao, sức yếu, đi phải có người thân dìu đi nhưng cũng đã đến viếng giáo sư đầu tiên. Đôi tay ông run run chạm vào quan tài Giáo sư Trần Văn Khê lần cuối để tiễn biệt người anh, người bạn tri kỷ của mình.
Ca sĩ Ngọc Ánh cũng có mặt để viếng giáo sư, sau khi thắp hương, chị lặng lẽ ra góc phòng nhìn vào di ảnh giáo sư. Không nén được xúc động về sự mất mát này, chị đã bật khóc nức nở.
Trong tang lễ, Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương, người đã gắn bó rất nhiều với Giáo sư Khê, bà cũng là người đứng ra cùng gia đình tổ chức tang lễ cho giáo sư thật chu đáo. Bà chia sẻ: “Đối với tôi, anh Khê là một vì sao sáng trong nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Về cá nhân, anh Khê là người thầy, người thân và cũng là chỗ dựa tinh thần cho tôi. Từ lúc má tôi mất thì những gì cần tâm sự tôi đều qua tìm anh Khê”.
“Điều làm tôi xúc động nhất là trong những ngày chuẩn bị tang lễ cho anh Khê tôi mới biết rằng anh Khê không có quốc tịch Pháp. Suốt cuộc đời anh Khê vẫn là người Việt Nam chân chính. Mặc dù anh Khê mấy chục năm ở bên Pháp, học bên Pháp, làm việc bên Pháp, thậm chí chị cũng ở bên Pháp nhưng anh Trần Văn Khê chưa bao giờ là người Pháp. Cuối đời anh vẫn là ngôi sao sáng của âm nhạc Việt Nam”, bà chia sẻ thêm những thông tin đầy xúc động về giáo sư.
Như di nguyện của Giáo sư trước khi mất, ngôi nhà ông ở sẽ trở thành nhà tưởng niệm Trần Văn Khê. Tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân Hải Phượng chia sẻ việc thực hiện theo di nguyện của giáo sư: “Hiện tại vì đám tang nên những vật dụng đã được cất đi, nhưng trước khi cất tất cả đều được chụp hình lại rất kỹ vị trí, sau khi đám tang của thầy xong mọi vật dụng sẽ được trả lại vị trí ban đầu”. “Tuy tất cả các hiện vật vẫn còn nguyên chỗ cũ, nhưng linh hồn của ngôi nhà là thầy thì… đã mãi mãi rời xa. Chỉ mong rằng tất cả bạn bè, học trò của thầy sẽ góp sức để ngôi nhà sẽ vang lên tiếng đàn, ca, vang lên chương trình văn hóa Nam Bộ mà thầy mong muốn”, nghệ sĩ Hải Phương nghẹn ngào nói.
Bài: Băng Châu
Video, Ảnh: Phạm Nguyễn