(Dân trí) - Sáng nay 27/6, tổng lãnh sự quán Pháp, ông Emmanuel Ly - Batallan đã thay mặt cho tổng lãnh sự Pháp tại Việt Nam và nước Pháp đến viếng, chia buồn cùng gia đình GS Trần Văn Khê.
Tổng lãnh sự quán Pháp, ông Emmanuel Ly - Batallan
Tại tư gia của GS Trần Văn Khê, đón tiếp ông tổng lãnh sự quán Pháp là GS Trần Quang Hải, con trai trưởng của GS Khê vừa từ Pháp trở về.
Ông Emmanuel Ly – Batallan đại diện cho tòa đại sứ Pháp, và nước Pháp đến viếng và ngỏ lời cảm ơn vì GS Khê cũng đã đóng góp rất nhiều cho nước Pháp. Ông cảm thấy rất quý mến GS Khê vì không chỉ ở Việt Nam mà còn một phần của nước Pháp. GS Khê từng làm Giáo sư tại trường Đại học lớn nhất tại Pháp và đóng góp rất nhiều để truyền bá cho nhạc Việt Nam và nhạc Á Châu. Được nước Pháp ban tặng huy chương cao quý. Sau mấy mươi năm đi dạy học, GS Khê đã tạo ra nhiều người nghiên cứu, nhà giáo để dạy về âm nhạc ở xứ Pháp.
Ông Emmanuel Ly - Batallan viết sổ tang
Ngoài ra, sáng nay còn có ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đại diện cho Đảng ủy, lãnh đạo văn phòng UBND thành phố đến viếng GS Trần Văn Khê.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó chánh văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh ghi sổ tang
NSƯT Thành Lộc bày tỏ sự ngưỡng mộ to lớn về tài năng, đức độ của GS Trần Văn Khê, theo anh "Việt Nam chưa có ai làm được như bác Khê"
Nhạc sĩ Đức Trí lặng lẽ đến viếng, anh không kềm được nước mắt xúc động vì sự ra đi của cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc.
NSND Út Bạch Lan, tuổi cao sức yếu, đi lại rất khó khăn nhưng bà vẫn đến viếng GS Khê cùng với NSND Ngọc Giàu.
Mẹ của ca sĩ Ngọc Sơn cũng đến viếng GS Trần Văn Khê
Ngoài bạn bè, người thân, nghệ sĩ, tang lễ GS Khê còn có rất nhiều giáo đoàn phật giáo trên cả nước đến viếng và chia buồn cùng gia đình.
Thầy Thích Phước Trí - Trụ trì chùa Vạn Phước và Pháp Văn cùng với các sư thầy đến viếng và còn tụng niệm nhạc dân tộc trước linh cửu của GS Khê để cảm ơn. Vì lúc sinh thời, GS Khê đã nhiều lần soạn những bài nhạc tụng niệm bằng nhạc cụ dân tộc mà theo thầy Thích Phước Trí khó ai có thể làm được.
Bức hình GS Khê được chùa thực hiện trang trọng.
Dòng họ nhà NSND Phùng Há đến viếng.
Trong tang lễ còn có những người bạn lâu năm của GS Khê, những người từng sống và làm việc cùng GS Khê tại Pháp, các cụ cũng đã lớn tuổi, đi lại khó khăn nhưng vẫn đến viếng người anh, người bạn trị kỷ.
Cụ bà năm nay đã 90 nhưng bà vẫn tự tay mình ghi sổ tang bằng bàn tay run run.
Đặc biệt có một cụ ông muốn đến viếng GS Khê, tuy đi lại rất khó khăn, bước chân run run xiêu vẹo nhưng ông vẫn lạy đủ bộ để tỏ lòng ngưỡng mộ dành cho GS Khê.
Với 2 ngày tang lễ diễn ra, những người đến viếng Giáo sư từ mọi tầng lớp, từ tri thức, chính trị, nghệ sĩ, các hội phật giáo cho đến những người dân... Mới thấy rằng, sự ra đi của GS Trần Văn Khê không chỉ là sự tiếc thương của những người thân, mà của rất nhiều người đã từng biết và ngưỡng mộ ông. GS Trần Văn Khê bằng tài đức của mình đã để lại một sự ảnh hưởng to lớn cho nhiều thế hệ. Sức ảnh hưởng của ông không chỉ trong nước mà còn mang tầm thế giới.
Hiện tại, con trai GS Trần Văn Khê, GS Trần Quang Hải đã trở về Việt Nam để tiến hành tang lễ như di nguyện của của GS Khê trước lúc lâm chung.