Phương Oanh áp lực khi trút bỏ hình ảnh “gái làng chơi” để vào vai cô giáo làng

(Dân trí) - Chiều qua (30/12) tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu bộ phim “Cô gái nhà người ta”. Đây là phim đánh dấu sự quay trở lại của Phương Oanh sau thành công rực rỡ ở “Quỳnh búp bê” 2 năm trước.

Phim xoay quanh đời sống của thế hệ thanh niên ở nông thôn, trong đó điển hình là 3 anh chàng: Khoa (Đình Tú), Cân (Việt Bắc) và Viễn (Quang Trọng). Cả 3 anh chàng “cao bồi thôn” này đều có đặc điểm chung là ít tiền, nhiều ảo tưởng, luôn mơ ước đến sự nghiệp lớn.

Phương Oanh áp lực khi trút bỏ hình ảnh “gái làng chơi” để vào vai cô giáo làng - 1

Các nghệ sĩ và diễn viên tham gia phim.

Trong hành trình trưởng thành, họ luôn gây ra nhiều rắc rối với làng xã, gia đình… Đặc biệt là với Uyên (Phương Oanh) - một cô giáo làng đầy lí lẽ và nguyên tắc. Bài học cuộc đời khiến họ trưởng thành, ý thức được giá trị của gia đình, tình thân, tình bạn và tình yêu.

NSƯT Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình nói rằng, sau nhiều phim về đề tài thành phố, chính luận nay khán giả xem phim về đề tài nông thôn nhưng có những đổi mới. Thanh niên ở nông thôn ngày nay va đập đưa ra quan điểm cuộc sống mới. “Hy vọng cách làm dí dỏm của Trịnh Lê Phong, thấm đẫm nhân văn như “Chiều ngang qua phố cũ” thu hút khán giả”, anh nói.

Chia sẻ với Dân trí về việc lựa chọn Phương Oanh vào vai cô giáo làng khi vai Quỳnh “búp bê” của cô trước đó vẫn chưa hề hết “hot”, đạo diễn Trịnh Lê Phong cho biết, anh mời Phương Oanh vào vai này vì biết cô có khả năng biến hoá vào nhiều dạng nhân vật, có ý thức tự làm mới mình.

Phương Oanh áp lực khi trút bỏ hình ảnh “gái làng chơi” để vào vai cô giáo làng - 2

Trong phim, Phương Oanh vào vai cô giáo làng lắm lí lẽ và nguyên tắc.

“Bộ phim cho thấy sự thay đổi của Phương Oanh, trăn trở làm khác các vai diễn trước, cô không ngại làm xấu mình đi. Vai Uyên của Phương Oanh là cô giáo làng nguyên tắc và bảo thủ, trong khi Khoa hàng xóm lại là anh chàng mồm mép tép nhảy. Cả hai tạo nên cặp đôi trái dấu khi cả hai người đều “ngứa mắt” khi nhìn người kia”, đạo diễn Trịnh Lê Phong nói.

Phương Oanh cũng tâm sự, vai Uyên trong phim này có tạo hình nhẹ nhàng nhất so với các vai trước kia cô từng đóng. Nhưng có áp lực khác đó là diễn làm sao để không bị nhạt.

“Mọi người đã quá quen với các vai gai góc rồi, làm sao để tạo được vai diễn ấn tượng, khán giả thấy thú vị… là một điều rất áp lực. Bởi lẽ đó mà tạo hình bên ngoài, từ tóc tai, trang phục, đi đứng… mọi thứ phải suy cẩn thận từng li từng tí một làm sao cho ra được một cô gái ở vùng quê giản dị, mộc mạc nhưng vẫn có chất riêng, sức hút riêng. Tuy đây không phải vai diễn nặng ký như các vai trước nhưng cũng là vai khó với tôi, không đơn giản diễn thế nào cũng được, nhẹ nhàng cũng xong”, Phương Oanh nói.

Phương Oanh áp lực khi trút bỏ hình ảnh “gái làng chơi” để vào vai cô giáo làng - 3

Đình Tú đóng con của nghệ sĩ Bùi Bài Bình.

Bản thân diễn viên Đình Tú lại cho biết, chưa bao giờ đóng bộ phim nào mà bị đánh nhiều đến thế. Mới mở đầu phim đã quay cảnh bị đánh. Cả làng quây đánh trong tiết trời lạnh, phải chui trong bao dứa. Về nhà nguyên bả vai bị dị ứng với bao dứa đỏ tấy lên. Rồi đánh nhau trên xe máy, bị ngã móc vào sắt, đánh ở đường tì vào viên sỏi chảy máu…

“Cảnh đáng nhớ nhất là cảnh hôn môi nhân vật do Phương Oanh đóng. Không hiểu sao Oanh toát hết cả mồ hôi, người cứ cứng đơ ra. Đạo diễn hỏi thì Oanh bảo: “Chưa đóng cảnh hôn ai bao giờ”. Cứ mỗi lần đạo diễn hô “cắt” là Oanh cứ thốt lên bảo “Chả hiểu sao đóng những cảnh này cứ toát mồ hôi hột”. Mỗi lần thấy bạn diễn như thế tôi cũng bối rối”, Đình Tú nói thêm.

Nói về vai diễn của mình, NSND Bùi Bài Bình cho hay, trước nay ông toàn đóng những vai hiền lành, cam chịu… Phim này, ông được vào vai rất gần gũi với mình ở ngoài đời.

Phương Oanh áp lực khi trút bỏ hình ảnh “gái làng chơi” để vào vai cô giáo làng - 4

Đây là phim đánh dấu sự trở lại của nhiều gương mặt nghệ sĩ quen thuộc sau nhiều năm không lên truyền hình.

“Mang tiếng người Hà Nội nhưng gốc gác là nông thôn cả. Vai có tuổi, sống an phận ngôi làng tương đối hẻo lánh, xa trung tâm thành phố. Trong phim có một câu tâm đắc của nhân vật tôi đóng: “Chỉ mong có một cuộc sống an phận, con cái có một cuộc sống yên ổn”. Nhưng ước mong nhỏ nhoi thế thôi cũng không được. Nhờ lớp trẻ, các con, các em đấu tranh thì cuối cùng những người như tôi mới mở mắt ra thấy một cuộc sống mới.

Đóng vai ông chủ trại gà không khó khăn lắm. Gà thì có sẵn rồi, có một số đoạn còn đi giao gà, chứ bảo tôi mổ gà thì tôi không dám mổ, ăn thì dám ăn”, nghệ sĩ Bùi Bài Bình hài hước.

Ngoài các diễn viên kể trên, phim còn có sự tham gia của NSND Tiến Đạt, NSƯT Tiến Quang, diễn viên Trọng Lân, Hương Giang…

 Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm