“Phù thủy” James Wan: “Người đàn ông Châu Á” thách thức thời vận

(Dân trí) - “Mọi việc bắt đầu từ chỗ bạn hãy dám tìm tới những người có thể trao cho mình cơ hội, và sau đó, hãy dám nhận lãnh cơ hội”, James Wan - “phù thủy” của dòng phim kinh dị, người đàn ông gốc Á 41 tuổi, đang đứng trước những thách thức và thời vận của đời mình.

"Phù thủy" James Wan: "Người đàn ông Châu Á" thách thức thời vận


"Mọi việc bắt đầu từ chỗ bạn hãy dám tìm tới những người có thể trao cho mình cơ hội, và sau đó, hãy dám nhận lãnh cơ hội", James Wan - "phù thủy" của dòng phim kinh dị, người đàn ông gốc Á 41 tuổi, đang đứng trước những thách thức và thời vận của đời mình.

"Aquaman" là một dự án điện ảnh siêu anh hùng với đầy rẫy thách thức và vô số mông lung, điều đó khiến một "đạo diễn phù thủy" trong lĩnh vực điện ảnh như James Wan trở thành một lựa chọn phù hợp để "đứng mũi chịu sào".

Bộ phim chuyển thể dựa trên nhân vật siêu anh hùng của DC - "Aquaman" - đưa lại một câu chuyện nguyên bản, lần đầu xuất hiện trên màn ảnh rộng, về một siêu anh hùng chốn "thủy cung".

Chuyện phim kể về Aquaman - một anh hùng siêu phàm trong thế giới đại dương (vai diễn do Jason Momoa đảm nhiệm). Aquaman cùng hợp lực với công chúa Mera (Amber Heard) chống lại người anh em cùng mẹ khác cha có những tham vọng bạo chúa - Orm (Patrick Wilson). Tất cả diễn ra nơi vương quốc giả tưởng nằm dưới đáy sâu đại dương - Atlantis.

Hiện tại, phim đã được công chiếu tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng phải tới 21/12 tới đây, phim mới bắt đầu chiếu tại các rạp Bắc Mỹ, lúc ấy, bộ phim mang đầy màu sắc rực rỡ như một ống kính vạn hoa - "Aquaman" - sẽ gánh vác sức nặng "ngàn cân" về tham vọng không nguôi của DC.

Từ lâu, DC đã mong muốn tạo nên một vũ trụ siêu anh hùng có tầm vóc thao túng trong nền công nghiệp điện ảnh. Mặc dù tham vọng lớn, nhưng dòng phim siêu anh hùng của DC vẫn bị xem là "chiếu dưới", theo sau Marvel.

Ngoại trừ "Wonder Woman" (Nữ thần chiến binh - 2017) đạt thành công lớn, còn lại, đa phần phim siêu anh hùng của DC đều gặp khó khăn trong việc gây hứng thú cho cả khán giả và giới phê bình, dù doanh thu phim siêu anh hùng DC không hề "lẹt đẹt".

“Phù thủy” James Wan: “Người đàn ông Châu Á” thách thức thời vận - Ảnh 1.

Đạo diễn James Wan

James Wan, đạo diễn 41 tuổi gốc Malaysia, một nhà làm phim đầy năng lượng nhiệt thành, có thói quen "nói nhanh như máy", thích để những lọn tóc "high-light" "quậy quậy" trên mái đầu, anh vốn đã quen với việc bị xem là đạo diễn "đàn em" trong số những đạo diễn "máu mặt" hiện nay ở Hollwood.

Sinh ra ở Malaysia, lớn lên ở Úc, James Wan tìm được thành công đầu trong sự nghiệp với bộ phim kinh dị "Saw" (Lưỡi cưa - 2004) - một bộ phim có vai trò chấn hưng dòng phim kinh dị và định nghĩa lại về dòng phim này trong dòng chảy điện ảnh đương đại.

Nhưng sau đó, là nhiều năm James Wan chật vật để tìm được một dự án điện ảnh xứng đáng dấn thân thực hiện. Sau này, James Wan khiến mọi người phải tiếp tục nói về anh với những phim tâm lý giật gân siêu nhiên thần bí như "Insidious" (Quỷ quyệt - 2010) hay "The Conjuring" (Ám ảnh kinh hoàng - 2013).

Những bộ phim kinh dị thành công lớn đã đưa "phù thủy" James Wan nhập cuộc vào dòng chảy điện ảnh Hollywood, dẫn anh tới với siêu phẩm bom tấn tiếp theo - "Furious 7" (Quá nhanh, Quá nguy hiểm - Phần 7 - 2015), và gần đây nhất chính là "Aquaman" (Aquaman: Đế vương Atlantis - 2018).

AQUAMAN: ĐẾ VƯƠNG ATLANTIS - Trailer

Người tự mình mở lời tìm cơ hội


“Phù thủy” James Wan: “Người đàn ông Châu Á” thách thức thời vận - Ảnh 3.

Nam diễn viên Patrick Wilson trong “The Conjuring”. Chính từ bộ phim này, James Wan đã có cơ hội tiếp cận với “Aquaman”.

Từ khi thực hiện "The Conjuring" (Ám ảnh kinh hoàng - 2013), James Wan đã bắt đầu có những mối quan hệ đầu tiên với hãng phim Warner Bros, anh được biết rằng hãng có tham gia thực hiện phim siêu anh hùng DC.

Trong một buổi công chiếu phim có sự xuất hiện của chủ tịch của hãng Warner Bros, James Wan đã tranh thủ mở lời: "Tôi rất hứng thú với những dự án mà phía ông đang tiến hành với DC". Vài tháng sau lần mở lời đó, James Wan được mời tới tham dự một cuộc họp để bàn về những kế hoạch điện ảnh hợp tác giữa Warner Bros và DC.

Có hai dự án phim được lên kế hoạch thực hiện, về người hùng Tia Chớp và Aquaman, cả hai phim đều chưa có đạo diễn. Lúc này, James Wan được quyền lựa chọn một trong hai: "Tôi thấy rằng người hùng Tia Chớp đã được xuất hiện trên truyền hình và điện ảnh nhiều lần trước đây. Nhưng Aquaman thì chưa.

"Người anh hùng này vẫn ẩn mình trong thế giới điện ảnh kỳ vĩ và chắc tôi có thể làm được điều gì đó hay ho với anh ta. Tôi nhìn lên những tượng đài như Spielberg, Cameron, Lucas... Tôi khao khát tạo nên lối đi của riêng mình và tôi có thể biến "Aquaman" trở thành một lối đi riêng.

"Tôi ý thức rất rõ về vị thế của các siêu anh hùng DC trên thị trường điện ảnh hiện nay. Đó là lý do tôi chọn làm ‘Aquaman’ bởi đây là một siêu anh hùng chưa được khai thác. Người ta sẽ dành ít sự quan tâm cho bộ phim này và vì thế, tôi có thể tự do làm nhiều điều mình muốn. Làm phim sẽ dễ dàng hơn khi không chịu áp lực quá lớn.

"Thời gian trôi nhanh và 3 năm trôi qua, giờ đây, phim đang nhận được sự quan tâm. Đương nhiên, tôi có áp lực khi nghĩ về thành bại, nhưng tôi cố gắng không để áp lực làm mờ nhòe tầm nhìn của mình. Tôi chỉ tiến bước và tiếp tục làm bộ phim mình mong muốn".


"Furious 7" là chướng ngại lớn nhất sự nghiệp


Sau thành công của hàng loạt phim kinh dị làm nên tên tuổi, James Wan cần phải thoát ra khỏi cái bóng của chính mình, đó chính là khi James Wan được trao vào tay cơ hội đạo diễn "Furious 7": "Furious 7 là bộ phim khó nhất trong sự nghiệp của tôi, nó là một bước chuyển mình sống còn. Nếu thành công, mọi người sẽ nhìn tôi với tư cách một nhà làm phim thực thụ".

Khi Wan được trao cơ hội làm "Furious 7" (2015) thì "The Conjuring" (2013) còn chưa ra rạp, chưa biết thành bại ra sao, vị thế của James Wan trong dự án điện ảnh còn chưa lớn như bây giờ. Anh đã phải vận dụng mọi kỹ năng để thuyết phục nhà sản xuất và các cộng sự, hãy cùng mình thực hiện một bộ phim siêu xe - tốc độ khiến người xem "đông máu, căng mạch".

Và anh đã thành công. Cho tới giờ, "Furious 7" là đỉnh cao chói lọi về mặt doanh thu trong cả sê-ri, thu về hơn 1,5 tỷ USD từ mức đầu tư 190 triệu USD.

FAST AND FURIOUS 7 - Trailer

Vật vã đi ra khỏi cái bóng của chính mình


“Phù thủy” James Wan: “Người đàn ông Châu Á” thách thức thời vận - Ảnh 5.

Cảnh trong “Saw”. James Wan không muốn mình bị định vị là đạo diễn của dòng phim kinh dị, chỉ chuyên làm phim kinh dị.

Bộ phim kinh dị khiến thế giới phải nhắc đến James Wan - Saw (Lưỡi cưa - 2004) - là một phim kinh dị "hạng xoàng", ra rạp "không kèn, không trống". Phim kinh phí thấp chỉ 1,2 triệu USD nhưng thu về gần 104 triệu USD, "Saw" bất ngờ trở thành cú hích lớn trong bước khởi đầu sự nghiệp của James Wan.

Nhưng đồng thời, "Saw" cũng khiến anh vật vã tìm cách thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của sê-ri này: "Tôi chỉ đạo diễn tập phim ‘Saw" đầu tiên, nhưng tên tôi đã gắn liền với sê-ri phim kinh dị này, tôi bỗng trở thành cha đẻ của những phim kinh dị rùng rợn.

"Tôi quyết vượt thoát chính mình và bắt tay vào làm ‘Dead Silence’, ‘Death Sentence’ (hai phim kinh phí vừa, cùng ra mắt năm 2007, với mức đầu tư 20 triệu USD/phim) nhưng… bất thành".

Cả hai phim đều thất bại về doanh thu, cũng không khiến giới phê bình ngó ngàng nhận xét nhiều, rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng. Đó là "hai cú giáng mạnh" liên tiếp trong một năm đối với James Wan, khiến anh tự hỏi liệu có phải mình đã chịu "án chung thân trong điện ảnh":

"Tất cả những dự án điện ảnh tôi từng làm trước đó đều chỉ là những dự án cóp nhặt chẳng để lại dấu ấn đặc biệt nào cho riêng cá nhân tôi. Nhưng tôi không cho phép mình được bỏ cuộc... Tôi quyết định quay trở về địa hạt phim kinh phí thấp - khởi nguồn sự nghiệp của mình, đó chính là khi tôi lại bắt tay vào làm Insidious".

Saw (2004) - Trailer

Bài học từ thất bại


Sau thất bại "sấp mặt" với "Dead Silence" và "Death Sentence" hồi năm 2007, điều mà James Wan đúc rút ra, đó là phải làm thế nào để cân bằng được giữa nghệ thuật và thương mại trong một dự án điện ảnh: "Sau năm 2007, tôi bắt đầu rất cẩn trọng về những dự án tiếp theo mà mình thực hiện.

"Đó phải là những dự án đủ chất về nghệ thuật, nhưng cần phải có khả năng thương mại khi ra rạp. Và tôi buộc mình phải luôn bước đi thăng bằng trên sợi dây mảnh đầy thách thức: Tôi muốn làm phim hay nhưng phải thành công ngoài rạp. Bởi ở Hollywood, đó là cách duy nhất để bạn có dự án điện ảnh tiếp theo đầy hứa hẹn".


"Nếu ‘Aquaman’ thất bại, đó là lỗi của riêng tôi"


“Phù thủy” James Wan: “Người đàn ông Châu Á” thách thức thời vận - Ảnh 7.

James Wan trên phim trường "Aquaman".

Khán giả xem "Aquaman" sẽ hiểu rằng tham vọng của nhà sản xuất là biến nhân vật này trở thành "quân át" cho một sê-ri phim dài kỳ, nhưng tất cả còn phải nhìn vào thành tích ngoài rạp của phần phim đầu tiên này.

Đứng trước "Aquaman", James Wan nhận về mình tất cả trách nhiệm: "Đối với những dạng phim kinh phí lớn như ‘Aquaman’, tôi có mọi sự tự do cần thiết để làm phim. Tôi có những điều kiện kỹ thuật hiện đại nhất, kinh phí lớn nhất để vẽ nên một bức tranh điện ảnh kỳ vĩ.

"Tôi cũng đã có những sự tự do lớn nhất khi làm phim kinh phí thấp như "Saw" hay "Insidious", và tôi đã từng thành công. Vì vậy, lần này, nếu phim thành công hay thất bại, tôi cũng chẳng có ai khác để cùng chia trách nhiệm, là tự mình thôi".


Từ giã màu trầm, tìm màu tươi mới


“Phù thủy” James Wan: “Người đàn ông Châu Á” thách thức thời vận - Ảnh 8.

Cảnh trong “Furious 7” - một bộ phim chứng kiến James Wan bắt đầu tìm tới những gam màu tươi mới trong điện ảnh.

Khi xem "Aquaman", rất nhiều người sẽ cảm thấy bộ phim như một ống kính vạn hoa, đủ màu sắc rực rỡ, đúng kiểu "thủy cung" huyền thoại pha chất khoa học viễn tưởng, khác hẳn tông màu trầm của các phim siêu anh hùng DC trước đây.

James Wan khẳng định đó chính là ý đồ của anh: "Nếu mọi người quay trở lại với ‘Furious 7’ sẽ thấy đó là một bộ phim rực rỡ và tươi sáng với bầu trời trong xanh, bãi biển rực nắng... Mọi người luôn gắn tôi với phim kinh dị và họ chờ đợi một diện mạo trầm mặc bí ẩn trong ‘Aquaman", người ta cũng chờ đợi một chuyện phim tương tự như vậy.

"Nhưng nguồn cảm hứng cho tôi lại đến từ loạt truyện tranh nguyên gốc. Trong đó, có những sinh vật biển huyền thoại, cùng một thế giới dưới nước phi thường tuyệt diệu. Cách duy nhất để làm ‘Aquaman’ là nghiền ngẫm lại những cuốn truyện tranh đã ra mắt trong 70 năm qua".

Nhìn chung, "Aquaman" là một bộ phim mạnh về kỹ xảo hình ảnh. Với bối cảnh dưới lòng đại dương, từng chuyển động của nhân vật, từ sự uốn lượn của mái tóc, cho tới những nếp gợn của phục trang, đều sẽ phải khớp nhịp uyển chuyển.

Đó là một thách thức lớn với cả ê-kíp bởi trước đây, chỉ có ít phim điện ảnh lấy bối cảnh dưới nước như "Aquaman", James Wan buộc phải tự mình sáng tạo ra một thế giới "thủy cung" mới. Về mặt tư duy kỹ xảo, đó là cơn đau đầu "nặng nề" đối với anh khi thực hiện bộ phim này.

Với từng cảnh quay, ê-kíp kỹ thuật phải xử lý hình ảnh để tóc nhân vật lượn sóng trong nước, trang phục cũng phải có những chuyển động nhịp nhàng... Vì vậy, chỉ một cảnh phim dưới nước cũng có thể mất tới vài ngày thực hiện.

"Aquaman" là một phim siêu anh hùng không cùng tông với những phim khác của DC, phim rực rỡ và đầy yếu tố giả tưởng phi thường: "Cũng hay khi mỗi phim có chất riêng, đừng bắt mọi phim anh hùng DC phải tạo nên một cảm nhận chung thống nhất", James Wan lý giải.

Với đoạn phim hậu truyện gài cắm về phần tiếp theo của "Aquaman", James Wan được kỳ vọng sẽ tiếp tục đồng hành cùng người hùng đại dương, nhưng anh chỉ có thể hài hước tiết lộ rằng: "Tôi đã mất rất nhiều thời gian mới làm xong bộ phim này. Tôi không muốn nghĩ về một bộ phim nào khác vào lúc này. Tôi chỉ muốn sống sót vượt qua bộ phim này trước đã".


"Người đàn ông gốc Á" dám thách thức vận hội


“Phù thủy” James Wan: “Người đàn ông Châu Á” thách thức thời vận - Ảnh 9.

Đạo diễn James Wan

James Wan là một trong rất ít những đạo diễn gốc Á được trao cơ hội để làm những bộ phim kinh phí lớn ở Hollywood: "Furious 7" (2015) do anh đạo diễn có kinh phí 190 triệu USD, "Aquaman" được đầu tư 160 triệu USD. Bí mật để James Wan - người đàn ông gốc Á - đạt được thành công này chính là "sẵn sàng nhận lấy cơ hội":

"Tôi không bao giờ nghĩ rằng trong cuộc đời mình, lại có lúc được thấy một bộ phim Hollywood với toàn diễn viên gốc Á như "Crazy Rich Asians" (Con nhà siêu giàu Châu Á - 2018). Bộ phim đó còn được khen ngợi và "ăn nên làm ra"... Mọi việc luôn bắt đầu từ chỗ bạn dám tìm tới những người có thể trao cho mình cơ hội, và sau đó, hãy dám nhận lãnh cơ hội".


Thực hiện:
Bích Ngọc
Tham khảo:
New York Times/The Independent