Phó Đức Phương nói về “cái giá phải trả” khi ngồi ghế giám đốc VCPMC

(Dân trí) - Nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ, sau khi ông rời vị trí giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thì người thân, bạn bè đều…mừng. “Người thân, bạn bè đều bảo tôi, thế thì tốt quá!”, tác giả “Trên đỉnh Phù Vân” trải lòng.

Tại buổi Hội thảo chuyên đề Cấp phép quyền biểu diễn cho các tổ chức quản lí tập thể quyền tác giả khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của Liên minh quốc tế các tổ chức của những nhà soạn nhạc và lời (CISAC) diễn ra sáng ngày 1/3 ở Hà Nội, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí sau khi thôi chức giám đốc VCPMC.

Cảm giác của ông ra sao khi rời vị trí giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nơi mà theo ông chia sẻ là đổ nhiều công sức, tâm huyết và sự nhọc nhằn trong 18 năm trời?

Với sự cầu toàn của mình, khi chuyển giao trách nhiệm cho người bạn - đồng nghiệp của mình Đinh Trung Cẩn, tôi vẫn rất lo lắng. Bởi vì, VCPMC trải dài từ Nam ra Bắc vẫn có nhiều vấn đề chúng tôi còn phải cố gắng rất nhiều.

Trong quãng thời gian đảm nhận trọng trách giám đốc VCPMC, gần 20 năm qua tôi đã dành toàn bộ tâm sức cho sự nghiệp này. Mặc dù đích còn xa, nhưng đã đạt được những kết quả bước đầu. Nhưng nếu còn những băn khoăn, lo lắng thì chẳng bao giờ tôi rút được khỏi công việc này để trở về với việc sáng tác. Nói chung tâm trạng của tôi đan xen nhiều thứ.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Có thể nói, quãng thời gian 16 năm gắn bó công việc tại VCPMC, không dành được thời gian sáng tác là cái giá phải trả của bản thân tôi.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: "Có thể nói, quãng thời gian 16 năm gắn bó công việc tại VCPMC, không dành được thời gian sáng tác là cái giá phải trả của bản thân tôi."

Vậy từ khi có ý định thôi chức giám đốc VCPMC cho đến thời điểm hiện tại, nhạc sĩ đã sáng tác được ca khúc nào chưa?

Ngay tháng vừa rồi, khi tôi chuẩn bị ráo riết để bàn giao công việc cho các cán bộ trẻ thì đồng thời tôi nhận hợp đồng từ Ủy ban Nhân dân và Sở Văn hóa Ninh Bình để viết một tác phẩm nhân ngày 1050 năm Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng Đế, thống nhất giang sơn, tái lập chủ quyền Việt Nam sau hơn 1000 năm Bắc thuộc. Tôi cũng dồn vào đây nhiều tâm huyết lắm. Tên ca khúc có thể là “Cờ lau tụ nghĩa”.

Ngoài ca khúc “Cờ lau tụ nghĩa” khẳng định chủ quyền Việt Nam, tôi cũng gửi gắm vào đây cảm xúc của công dân Việt Nam trong tình huống đất nước hiện nay. Ca khúc hiện nay viết gần xong, nhưng hai ca khúc phụ đã xong đó là hai bài đồng dao “Nu na nu nống” và “Chi chi chành chành”.

Tâm trạng của tôi đầy hào hứng trong việc tái xuất trong lĩnh vực sáng tác.

Với tâm trạng tái xuất hào hứng như vậy, ông có dự định thực hiện album hay đêm nhạc nào không?

Tôi chưa dám nói vì làm đêm nhạc rất là mệt. Năm ngoái thực hiện liveshow, may là tôi thể lực tốt chứ nếu yếu thì… không trụ nổi. Vô cùng mệt mỏi!

Cũng xin hỏi là, trước đây khi ông còn đảm nhận vị trí giám đốc VCPMC, có ý kiến cho rằng kể từ ngày nhạc sĩ Phó Đức Phương gắn bó với công việc này thì không sáng tác ca khúc hay như trước kia. Ông nghĩ sao?

Đúng. Đó là sự hi sinh hoặc cái giá phải trả khi chọn lựa công việc. Trong vòng 16 năm vừa rồi, về cơ bản là tôi xin lỗi và từ chối các lời mời về sáng tác. Bởi tôi không thể làm hai việc cùng một lúc.

Tuy nhiên, tôi cũng có một vài tác phẩm nho nhỏ tự viết như “Tụ ca”, “Còn lại tiếng người hót đắng cay”…

Có thể nói, quãng thời gian 16 năm gắn bó công việc tại VCPMC, không dành được thời gian sáng tác là cái giá phải trả của bản thân tôi. Tôi không viết được là thất thiệt cho tôi, cũng là thất thiệt cho xã hội, cho công chúng.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương đọc huyết thư tại buổi tổng kết năm của VCPMC.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương đọc "huyết thư" tại buổi tổng kết năm của VCPMC.

Ông có tiếc vì điều đó?

Cái gì đã qua thì không nên tiếc. Tôi tình nguyện làm công việc tại VCPMC. Khi tôi làm công việc bảo vệ quyền tác giả, rất nhiều bạn thân, người thân đều không đồng ý nhưng tôi đã tranh luận gay gắt, bảo vệ đến cùng.

Như ông nói, “cái giá phải trả” khi chọn lựa công việc bảo vệ tác quyền là hi sinh công việc sáng tác. Ngoài ra “cái giá phải trả” còn những gì nữa, ông có thể chia sẻ?

Không chỉ hi sinh thời gian sáng tác, tạo ra những tác phẩm tốt cho công chúng; mà tôi và bạn thân, người nhà còn có những cuộc tranh luận nảy lửa.

Khi ông rời vị trí giám đốc VCPMC, gia đình ông phản ứng ra sao?

Ai cũng mừng. Người thân, bạn bè đều bảo: “thế thì tốt quá!”

Nguyễn Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm