Phó Chủ tịch Bạc Liêu: Số hóa để đưa di sản, di tích gần hơn với công chúng

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Số hóa di sản văn hóa, di tích là xu hướng tất yếu của hiện nay. Việc này sẽ góp phần đưa các di sản văn hóa, di tích đến gần hơn với công chúng.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu vừa phối hợp với đơn vị tư vấn giới thiệu giải pháp số hóa di sản văn hóa, di tích trên địa bàn tỉnh.

Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, cho rằng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, số hóa di sản được coi là xu hướng tất yếu. Ðây cũng là giải pháp tối ưu hóa khả năng lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng bền vững.

Xem thử nghiệm số hóa 3D về di sản của Bạc Liêu (Video: Huỳnh Hải)

Bạc Liêu là một trong những tỉnh hội tụ nhiều di sản văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam bộ. Hiện nay, tỉnh có một di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, 13 di tích quốc gia, 41 di tích cấp tỉnh; có loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; có Nghề làm muối là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 4 bảo vật quốc gia.

Đại diện đơn vị tư vấn đã giới thiệu một số nội dung, kinh nghiệm triển khai số hóa di sản văn hóa tại nhiều địa phương; mô hình ứng dụng chuyển đổi số ngành văn hóa tại Việt Nam; thử nghiệm sản phẩm công nghệ số 3D về di sản văn hóa tỉnh Bạc Liêu như các hiện vật ở bảo tàng…

"Việc xây dựng, triển khai thực hiện số hóa di sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đạt hiệu quả trong thời gian tới là rất cần thiết", bà Lan Phương khẳng định.

Để thực hiện việc chuyển đổi số trong lĩnh vực số hóa di sản, ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng số hóa di sản cần được tiến hành trên cơ sở huy động, sự tham gia tích cực của người dân, các cấp, ngành, địa phương và đồng bộ với Trung ương.

Phó Chủ tịch Bạc Liêu: Số hóa để đưa di sản, di tích gần hơn với công chúng - 1

Ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: HH).

Do đó, ông Nguyện đề nghị đơn vị tư vấn có giải pháp công nghệ phục vụ số hóa di sản văn hóa phải rõ ràng, cụ thể, nêu lên được sự phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Bạc Liêu hiện nay.

"Giải pháp số hóa để đưa các di sản văn hóa, di tích đến gần hơn với công chúng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Đồng thời, đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương", Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu nêu tầm quan trọng của lĩnh vực này.