Phim Việt với Oscar: Điểm danh cho vui!

Cuối cùng thì top 5 đề cử cho tượng vàng Oscar vừa được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ công bố không có tên phim Việt Nam. “My home” của đạo diễn Nguyễn Phương Mai (người Pháp gốc Việt) chỉ dừng lại ở top 10 tranh giải phim hoạt hình ngắn Oscar 2016. Lịch sử trước đây cũng chỉ ghi tên 3 nghệ sĩ Việt kiều đã chạm một tay vào tượng vàng Oscar.


“Mùi đu đủ xanh” của Trần Anh Hùng vào top 5 Oscar 1994

“Mùi đu đủ xanh” của Trần Anh Hùng vào top 5 Oscar 1994

Gọi tên 3 người

Thường thì các giải danh giá nhất của Oscar nằm ở phim, rồi giải cá nhân đạo diễn, diễn viên, biên kịch, quay phim… Vì thế, hai cái tên đạo diễn Việt kiều trong top 5 đề cử nhận giải Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất được nhắc đến nhiều là Trần Anh Hùng với “Mùi đu đủ xanh” - Oscar 1994 và Kim Nguyễn với “Phù thủy chiến tranh” (War Witch) - Oscar 2013.

Trần Anh Hùng là một cái tên đặc biệt vì sức ảnh hưởng mạnh mẽ của ông đến các đạo diễn Việt Nam. Hai cái tên nổi bật nhất gặt hái thành công tại nhiều LHP quốc tế trong giới điện ảnh Việt hiện nay là Phan Đăng Di và Nguyễn Hoàng Điệp đều gắn bó với ông. Phim của hai đạo diễn tương đối trẻ này đều có ít nhiều bóng dáng của Trần Anh Hùng như một người thầy mang ý nghĩa tinh thần. Chưa kể một lớp trẻ làm phim cũng học ở Trần Anh Hùng trong chương trình “Gặp gỡ mùa thu” hằng năm. Sự cảm thụ tinh tế về điện ảnh, cách làm kết hợp suy nghĩ tâm hồn Việt và công nghệ phương Tây là cách thức hiệu quả đi đến thành công.

Tuy nhiên, Trần Anh Hùng cũng chỉ một lần chạm tay rất gần vào tượng vàng Oscar, còn sau đó thì mất hút. Nhưng chỉ một lần đó thôi và sau này là Giải thưởng Lớn - Sư tử vàng tại Venice (Italia) đã đặt Trần Anh Hùng lên chiếu trên, đi chấm nhiều LHP quốc tế khác.

“Mùi đu đủ xanh” hồi đó thắng vì sự độc đáo, mới mẻ trong cách nhìn cuộc sống, đi ngược lại trào lưu sống gấp, tận hưởng của xã hội phương Tây. Một câu chuyện nhân văn, với ứng xử giữa con người với con người đẹp như mơ ngay cả trong quan hệ chủ và giúp việc. Từ thái độ quan sát cuộc sống một cách chậm rãi, nhẩn nha để phát hiện vẻ đẹp, sự đáng yêu trong những sự vật, hiện tượng nhỏ nhất như khi cậu bé ngắm những con kiến, hay hạt của quả đu đủ…

Còn đạo diễn Kim Nguyễn (Canada gốc Việt) với “Phù thủy chiến tranh” lại khai thác đề tài lính trẻ em ở Congo - một đề tài nóng trong bối cảnh thế giới đầy biến loạn, khi những đứa trẻ ít học, mồ côi, nghèo khổ bị người lớn nhồi sọ và nhét vào tay chúng những khẩu súng, để biến chúng trở thành cỗ máy giết người vô cảm. Câu chuyện xảy ra ở một nước Châu Phi, nhân vật chính là cô gái Komona 12 tuổi bị ép phải giết chính cha mẹ cô, và sau trở thành một kẻ giết người khiếp đảm với biệt danh “Phù thủy chiến tranh” (War Witch). Chiến tranh, sự tàn ác, tình yêu của Komona với cậu bé bạch tạng biệt danh Magician (Ảo thuật gia) và hành trình trở về cái thiện…, tất cả tạo nên một bộ phim đặc sắc - kết quả 10 năm viết kịch bản và tìm nhà sản xuất của Kim Nguyễn…

Còn một cái tên nữa lại đã từng đoạt giải Oscar ở một mảng khá quan trọng, mà dân trong nghề đều biết, nhưng khán giả thì ít khi để ý: Tom Cross - Minh Tâm (người Mỹ gốc Việt) đầu tiên đoạt giải Oscar 2015 cho hạng mục “Dựng phim xuất sắc” với bộ phim “Whiplash” (tạm dịch: Khát vọng nhịp điệu) của đạo diễn Damien Chazelle. Tom Cross từng học ngành điện ảnh tại Đại học Purchase College (New York, Mỹ) và tham gia khoảng 40 phim trong gần 20 năm theo nghề, và với “Whiplash” anh còn đoạt giải “Biên tập phim xuất sắc nhất” tại lễ trao giải BAFTA (Anh)…

Khi nào hết “thấy người sang…”

Thật ra thì việc tự hào với người Việt dù mang quốc tịch nào mà đoạt giải hay chạm vào tượng vàng Oscar cũng là bình thường. Nhưng dù sao, ba cái tên Việt kể trên đều học và thành danh trong môi trường điện ảnh nước ngoài, vì thế nhiều ý kiến cho rằng “thấy người sang bắt quàng làm họ” không phải không có lý.

Rõ ràng nền điện ảnh Việt Nam với các đạo diễn trong nước “còn khuya” mới được tượng vàng Oscar. Lý do thì nhiều, tài năng thiếu - nghệ sĩ chưa đủ tầm - đương nhiên, và môi trường đào tạo, làm nghề cho đến cơ chế bồi dưỡng, phát huy tối đa tài năng, dù là tiềm ẩn hay đã phát lộ, của ta còn chưa “đến nơi đến chốn”.

Đó là chưa kể, nếu nhìn vào 6 phim điện ảnh Việt Nam từng được Nhà nước (Cục Điện ảnh) gửi đi tranh giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất là “Chuyện của Pao” (2007), “Áo lụa Hà Đông” (2008), “Đừng đốt” (2010), “Khát vọng Thăng Long” (2012), “Mùi cỏ cháy” (2013) và “Trúng số”(2015), so với các phim lọt vào đề cử Oscar những lần đó thì thấy ta bị loại ở “vòng gửi xe” là đương nhiên.

Có những phim mà giới phê bình trong nước còn chê bai về nhiều khía cạnh, còn chưa được khán giả trong nước khen thì làm sao có cơ may lọt vào mắt xanh của các thành viên Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ.

Cũng có năm thì Việt Nam không gửi phim dự Oscar vì lý do không công bố, có năm thì phim khác được dân nghề chú ý hơn, đánh giá cao hơn về sáng tạo lại không được chọn.

Năm nay “Trúng số” chỉ dừng ở dạng phim cao hơn “người tốt việc tốt”, dễ xem, nhẹ nhàng, nhưng khó nói là phim hay. Đi tìm sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh trong phim khác gì mò kim trong bể!

Chưa kể công tác quảng bá, vận động cho phim thì chẳng thấy đâu, phim cũng không gây được chú ý với các bài điểm phim trên các tờ báo có uy tín trên thế giới như Variety, The Hollywood Reporter…

Và như thế, sự thất bại đã được báo trước từ khi đăng ký gửi phim đi.

Thực sự thị trường điện ảnh Việt Nam đang khởi sắc với nhiều phim cháy vé, phong trào nhiều bạn trẻ làm phim đang lên, và cùng với các nhà làm phim độc lập thành danh như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, họ đang góp phần tạo nên tiếng nói Việt Nam tại nhiều LHP quốc tế uy tín. Tuy nhiên, đó chỉ là những nỗ lực cá nhân đơn lẻ, nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước, từ nhiều nguồn lực xã hội khác thì “đừng có mơ” chạm vào tượng vàng Oscar.

Theo Việt Văn
Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm