Phim Việt thua lỗ hàng chục tỷ đồng đầu năm 2021 là do đâu?
(Dân trí) - Ngay những ngày đầu năm 2021, nhiều phim Việt đã vấp phải những cú "ngã ngựa" đau điếng khi thua lỗ hàng chục tỷ đồng. Tại đâu ra cớ sự này?
Những cú "ngã ngựa" đau điếng
Theo số liệu thống kê, chỉ trong 2 tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, điện ảnh Việt Nam đã có hơn 10 bộ phim ra rạp. Đây có lẽ là con số kỷ lục của điện ảnh Việt Nam khi trước đó trung bình mỗi năm chỉ có gần 40 phim ra rạp. "Cú hích" này có được ngoài việc các nhà sản xuất "chịu chi" cho các sản phẩm điện ảnh, còn bởi không phải cạnh tranh với các "bom tấn" của nước ngoài do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Những tưởng "cú hích" này sẽ tạo ra những đột phá mới, đưa phim Việt trở lại thế "thượng phong" trên rạp chiếu. Tuy nhiên, niềm vui chưa kịp lóe lên thì nhiều đoàn làm phim đã thông báo lỗ nặng… thậm chí phải rút phim khỏi rạp.
Ngay những ngày cuối cùng của năm 2020, bộ phim "Người cần quên phải nhớ" - bộ phim được đánh giá có diện mạo mới lạ khi không triển khai kịch bản dựa trên một thể loại cố định nào ra rạp mang theo nhiều kỳ vọng. Nhưng cú "xuất quân" đã không thắng lợi vang lừng mà ngã một cú đau khi doanh thu chỉ đạt 1,9 tỷ đồng, một con số quá nhỏ bé so với 25 tỷ tiền đầu tư sản xuất.
Tương tự, "Võ sinh đại chiến" - bộ phim nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn lẫn khán giả đã phải rút khỏi hệ thống rạp chiếu khi mới phát hành chưa lâu do bị bố trí suất chiếu bất hợp lý. Và trong 6 ngày ra rạp, bộ phim được đầu tư 25 tỷ này cũng chỉ mới thu về được có 1,4 tỷ đồng.
Nhiều bộ phim cũng rơi vào tình trạng "thu không bù nổi chi" như "Cậu Vàng" của đạo diễn Trần Vũ Thủy chỉ đoạt 2,6 tỷ đồng sau 5 ngày ra rạp, trong khi vốn thực hiện khoảng 1 triệu USD; "Em là của em" của đạo diễn Lê Thiện Viễn vốn xấp xỉ 17 tỷ đồng nhưng doanh thu mới hơn 7 tỷ đồng. Bộ phim "Sám hối" vừa ra rạp mới đây cũng đang được dự đoán sẽ có doanh thu lẹt đẹt.
Cớ sự do đâu?
Đạo diễn "Võ sinh đại chiến" Bá Cường chia sẻ, anh bị sang chấn tâm lý khi phim của mình đầu tư mạnh tay, tốn tới 5 năm đeo đuổi nhưng kết quả lại lỗ nặng. Trong khi đó, đạo diễn Charlie Nguyễn - nhà sản xuất của "Người cần quên phải nhớ" thẳng thắn thừa nhận chuyện phim chưa đủ để lôi cuốn khán giả, cảm xúc bị lửng lơ, chưa đẩy lên đến cao trào… Thực tế mỗi nhà sản xuất đều có những lý do riêng để lý giải cho sự thất bại của "đứa con tinh thần" do mình đẻ ra.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, việc thất thu của một số bộ phim dường như đã nằm trong dự báo. Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, trước đây, khán giả có thể chọn xem phim này trước, phim kia sau nhưng bây giờ họ sẽ chọn một phim mà họ nghĩ mình nên xem. Kiểu ngẫu nhiên đi qua rạp thấy có phim thì xem đã không còn tồn tại từ lâu.
Ngoài ra, tỉ lệ khán giả đến rạp xem phim vì hiệu ứng truyền thông hoặc truyền miệng cũng đang hiếm dần. Vì thế, một bộ phim muốn hút được khán giả trước hết phải nằm ở chất lượng của phim. Phim không hay thì sẽ không có khán giả.
"Tôi nghĩ rằng với thất bại, mỗi cá nhân nên đối diện một cách chân thành, không né tránh nhưng cũng không tiêu cực, trù dập bản thân. Có phim mình thích, khán giả chưa chắc đã đồng cảm được. Mỗi tác phẩm là một trải nghiệm trong cuộc đời làm phim. Trong sự nghiệp, hiếm ai không bao giờ gặp thất bại", đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cũng bày tỏ: "Muốn thành công ở phòng vé, chúng ta phải làm ra một bộ phim mà khán giả muốn xem. Phim nào tốt, được khán giả đón nhận sẽ giúp kích cầu cho thị trường điện ảnh. Còn với bộ phim không thành công, cứ cố gắng kêu gọi khán giả đến ủng hộ sẽ mang lại cảm xúc tiêu cực. Đây là cuộc chơi, mình đã vào cuộc chơi thì phải gánh chịu tất cả. Đã làm phim, nhà sản xuất phải chuẩn bị tâm lý, tinh thần thép".
Bà Võ Thị Thùy Trang - Đại diện đơn vị phát hành Galaxy cho rằng, các rạp chiếu luôn đứng trên tinh thần ủng hộ phim Việt. Nhưng họ cũng sẽ sắp xếp suất chiếu theo thị hiếu và lựa chọn của khán giả. Những phim không có doanh thu buộc phải nhường chỗ cho các tác phẩm được nhiều khán giả lựa chọn hơn. Vì thế, việc quy kết trách nhiệm cho nhà phát hành khi phim không đạt doanh thu như mong muốn là không công bằng.
Bên cạnh đó, theo nhiều nhà chuyên môn, sự "đổ bộ" ồ ạt của phim Việt trong thời gian qua cũng không phải là một sự tính toán khôn ngoan. Vì thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 đang khiến cho lượng khán giả đến rạp ít hơn nhiều so với trước đây. Nếu cứ đua nhau ra rạp theo tâm lý tranh giành thị phần mà không biết cân nhắc để "các bên cùng có lợi" sẽ dẫn đến việc "ai cũng trắng tay".