Phim có thoại "đẹp như Ngọc Trinh" phải… xin phép
(Dân trí) - Giới làm phim thẳng thắn "mổ xẻ" vấn đề nhức nhối đó là quy chuẩn và sự minh bạch trong vấn đề kiểm duyệt tác phẩm điện ảnh. Theo họ, nhiều tác phẩm bị "quy tội", bị cấm và ép sửa oan uổng.
Nhiều đạo diễn, nhà sản xuất, phát hành phim Việt đã hội tụ tại buổi tọa đàm trực tuyến "Ai góp ý giơ tay lên!" và chia sẻ thẳng thắn quan điểm, đề xuất xung quanh Dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận những ngày qua.
Chủ đề nhức nhối được mang ra mổ xẻ tại sự kiện là quy chuẩn và sự minh bạch trong vấn đề kiểm duyệt tác phẩm điện ảnh. Theo các đạo diễn tham gia, việc kiểm duyệt phim cần dựa trên nguyên tắc cơ bản: điện ảnh là hư cấu. Tuy vậy, nhiều tác phẩm vẫn bị "quy tội" và ép sửa oan uổng.
Giới làm phim hoang mang về "vùng cấm"
Ngồi ghế Hội đồng duyệt phim quốc gia từ tháng 4, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng khâu kiểm duyệt phim còn bất cập, tiêu chí chưa rõ ràng, khiến một số tác phẩm rơi vào cảnh cấm chiếu hoặc phải cắt gọt khi bị đánh giá "có vấn đề".
Nữ đạo diễn bày tỏ, chị không thể lý giải được vì sao hai bộ phim quý giá của điện ảnh Việt Nam đương đại: Miền ký ức (đạo diễn Bùi Kim Quy) và Vị (đạo diễn Lê Bảo) lại có số phận hoàn toàn trái ngược.
Miền ký ức được cấp phép để tranh giải tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Busan (Hàn Quốc), còn Vị không còn cơ hội trình chiếu tại LHP này bởi lệnh cấm phổ biến với lý do "có cảnh khỏa thân kéo dài".
Đạo diễn Charlie Nguyễn- người từng trải nghiệm việc nhận án cấm phát hành phim Bụi đời Chợ Lớn bày tỏ: "Nhiều khi tôi hoang mang về tính hợp lí khi mà kiểm duyệt, mình không biết nó hợp lí chỗ nào? Chúng tôi không hề nhận một văn bản cụ thể về việc sẽ sửa gì, chúng tôi sai gì, ở đâu để chúng tôi có thể chỉnh sửa bộ phim. Chúng tôi không hề biết phải sửa gì để cho nó đúng. Đến giờ này, tôi vẫn không biết cảnh nào trong Bụi đời Chợ Lớn bị cho cổ súy bạo lực khi đây là một phim thuộc thể loại hành động võ thuật".
Phim Ròm may mắn hơn Bụi đời Chợ Lớn, được ra rạp cuối năm ngoái sau khi bị phạt 40 triệu đồng vì tham dự LHP Busan mà không có giấy phép. Tuy nhiên, đạo diễn Trần Thanh Huy cho biết phim bị cắt, sửa nhiều, ảnh hưởng đến nội dung và dụng ý nghệ thuật. "Có thể cho tôi biết chi tiết trong luật là tôi được làm và không được làm cái gì không? Làm sao có một bộ tiêu chí về xuyên tạc, để bảo vệ sáng tạo nhưng không bỏ lọt qua dụng ý xấu ảnh hưởng đất nước?", đạo diễn trẻ bức xúc.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thì lại băn khoăn về điều cấm phim không được trái với tự nhiên và không tiết lộ đời tư cá nhân. Anh cũng chưa rõ, dòng phim kỳ ảo, siêu anh hùng có bị loại bỏ, hay với phim tiểu sử mà mình đang thực hiện thì các nhân vật trong phim có phải xin phép?
Là nhà sản xuất của bộ phim Tiệc trăng máu, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng gặp tình huống dở khóc dở cười về vấn đề xin phép. "Trong phim có câu thoại, chỉ là một câu đùa: "Ủa, Ngô Thanh Vân nhắn tin cho anh hả?" hay "Đẹp như Ngọc Trinh!", hội đồng duyệt phim cũng yêu cầu chúng tôi phải xin phép diễn viên Ngô Thanh Vân và… xin chữ ký đồng ý của Ngọc Trinh", nam đạo diễn nói.
Đề xuất "nới lỏng" luật Điện ảnh, trao quyền cho khán giả
Giới làm phim cho rằng chính những giới hạn của Luật điện ảnh và quá trình kiểm duyệt phim mù mờ, thiếu căn cứ khiến điện ảnh Việt chậm hội nhập với quốc tế, khó nắm bắt các cơ hội phát triển và vươn tầm. Nhiều tác phẩm Việt được sản xuất trong tình trạng nơm nớp bị kiểm duyệt và không được phát hành.
Chia sẻ về chủ đề này, nhà sản xuất phim Vợ ba, Người bất tử - Trần Thị Bích Ngọc cho biết, những năm gần đây, có hiện tượng phim Kong: Skull Island tìm đến quay ở Việt Nam, TV series hợp tác HBO, nhưng từ đó đến nay gần như chưa có thêm một dự án nào đủ lớn nữa. Theo chị, một trong những rào cản ngăn các dự án phim quốc tế đến Việt Nam là hoạt động kiểm định kịch bản.
Đồng quan điểm, đạo diễn Trần Anh Hùng tham dự từ nước Pháp cho biết, năm 1999 anh trở về Việt Nam thực hiện Mùa hè chiều thẳng đứng và phải mất 8 tháng duyệt kịch bản.
"Khi trở về Việt Nam làm phim Mùa hè chiều thẳng đứng, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tôi luôn phải tự hỏi cái này có làm được không, cái kia phù hợp hay chưa. Khi làm phim ở Pháp, tôi thấy thoải mái, tự do, năng lượng sáng tạo dồi dào hơn. Tôi cũng không thể nào thuyết phục một nhà sản xuất Pháp tới Việt Nam để làm phim về Việt Nam được", anh nói.
Để nền điện ảnh Việt phát triển và chủ động hơn trong việc hội nhập với quốc tế, các nhà làm phim đề xuất "nới lỏng" luật Điện ảnh, đơn giản hóa thủ tục cấp phép, cân nhắc loại bỏ việc thẩm định kịch bản…
Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thì nên bỏ tiền kiểm - tức là việc kiểm duyệt cho phim chưa có kế hoạch phát hành ở Việt Nam, đợi khi tham gia liên hoan phim quốc tế xong mang về chiếu thì chịu sự kiểm duyệt sau.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đề xuất việc cần có thêm mức phân loại độ tuổi, cụ thể là tạo thêm một hoặc vài phân loại độ tuổi cao hơn trần T18 hiện có trong dự thảo. Theo anh, phân loại độ tuổi là một công cụ văn minh và đã được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới, Việt Nam nên vận dụng nó sao cho hiệu quả cao nhất.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nêu ví dụ, ở Mỹ, MPAA (Hiệp hội Điện ảnh Mỹ mà thực tế là công ty tư nhân liên kết với những nghiệp đoàn điện ảnh) đưa ra hệ thống dán nhãn dành cho các bộ phim, bên cạnh đó đưa ra cảnh báo cho khán giả. "Khán giả được quyền quyết định tiếp cận với bộ phim hay không. Việc trao quyền cho khán giả không chỉ là sự tôn trọng mà đó còn là quyền công dân", anh nói.
Sau buổi tọa đàm, các nhà làm phim cùng ký vào bản kiến nghị gửi tới Quốc hội xoay quanh những vấn đề cần sửa đổi với luật Điện ảnh.