Phát hiện mộ cổ và 5 sắc phong ở Ý Yên, Nam Định

(Dân trí) - Trên đường thiên lý Bắc Nam, qua Thanh Hóa, không ai không biết cầu Tào Xuyên. Rồi trên Quốc lộ 10, đoạn qua sông Sắt lại có cây cầu Tào, nơi giáp ranh giữa 2 xã Yên Ninh, Yên Lương huyện Ý Yên tỉnh Nam Định và xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản, Hà Nam.

Đó là những cây cầu được đặt tên theo tước phong của một công thần thời Hậu Lê: Tào Xuyên hầu Nguyễn Tất Khang(1674- 1754), người xã Yên Ninh, huyện Ý Yên.

Chúng tôi về thôn Ninh Xá, xã Yên Ninh, huyện Ý Yên tỉnh Nam Định gặp gỡ các vị cao niên của dòng họ Nguyễn Tất – những người được cho là con cháu nhiều đời của những anh linh nằm trong 42 ngôi mộ vừa được phát hiện trong quá trình san ủi mặt bằng cụm công nghiệp làng nghề La Xuyên.

Hiện 42 ngôi mộ đã được đưa về khu nghĩa địa để chôn tạm, chờ ngày xây dựng lại. Cụ Nguyễn Tất Kháng 74 tuổi, đại diện dòng họ cho biết: “Ông Tổ dòng họ Nguyễn Tất chúng tôi là Nguyễn Hải (còn có tên Nguyễn Kiên), thời nhà Ngô và Tiền Lê là Đô đốc thủy quân, có công đánh giặc Nam Hán và giặc Tống trên sông Bạch Đằng, góp phần gìn giữ non sông bờ cõi, được sắc phong: Lê triều Đô đốc Đồng Tri Quận công Nguyễn Tướng công, gia phong Linh Phù – Dực Bảo Trung Hưng, tự là Thủ Tín. Thời Hậu Lê có cụ Nguyễn Tất Khang(1674- 1754), được sắc phong Lê Triều Đặc Tiến Phụ quốc Đại tướng quân- Tào Xuyên Hầu Nguyễn Tướng công, gia phong Linh Phù – Dực Bảo Trung Hưng, gia tặng Quang Ý – Trung Đẳng Thần vì có công đánh giặc giúp nước.

Tượng thờ Tào Xuyên Hầu Nguyễn Tất Khang tại nhà thờ tộc.

Tượng thờ Tào Xuyên Hầu Nguyễn Tất Khang tại nhà thờ tộc.

Sau chiến tranh, Ngài lãnh đạo dân binh khai khẩn một dải đồng bằng ven biển từ Nam Định vào đến miền Trung, giúp dân khơi thông kênh mương, có ruộng cày cấy. Ngài con cho bắc nhiều cầu qua sông cho dân đi lại thông thương. Cây cầu Tào( trên QL 10 qua Ý Yên - Nam Định) và cầu Tào Xuyên(trên QL1 A qua Thanh Hóa) là cách đặt tên theo tước Tào Xuyên Hầu của ông để người đời sau ghi nhớ công trạng của vị quan yêu nước thương dân. 

Do có công với nước nên dòng họ Nguyễn Tất được Vua ban 3 sào đất bên sông Sắt làm nơi mai táng các vị dũng tướng, nơi ấy gọi là khu Mả Bến, gần cầu Tào hiện nay. Các cụ già trong làng vẫn còn nhớ lời dặn của đời trước về khu nghĩa địa: “ đông tây ba chục mét dài, Bắc- Nam hai tám tháp đài trung tâm. Là nơi cấm địa ngàn năm, Con con cháu cháu hãy tầm nhớ ghi”. Vì thế, ngoài khu trung tâm có xây tháp để cúng tế, tất cả đều bằng phẳng, vị trí các ngôi mộ không được xác định rõ ràng.

Như để chứng minh cho những điều mình vừa nói, cụ Kháng và các vị cao niên thắp hương trước ban thờ Tào Xuyên hầu, nghiêm cẩn khấn vái, rồi mang 2 chiếc hộp gỗ sơn son thiếp vàng, mở ra 5 bản sắc phong. Gồm 1 sắc phong năm Thành Thái thứ 3(1891), 1 sắc phong đời vua Duy Tân (1909) và 3 sắc phong thời vua Khải Định(1924). 

Dẫu thời gian đã lâu, nhưng nét chữ trên những bản sắc phong này vẫn tươi nguyên, rõ ràng, có ấn son của các vị Vua nhà Nguyễn, nội dung suy tôn công đức của các vị tướng dòng họ Nguyễn Tất, chuẩn cho dân chúng phụng thờ, cầu mong các vị trung thần tiếp tục hộ quốc an dân. Bà Ninh Thị Bích, một người dân ở thôn Ninh Xá cho biết: những năm chiến tranh, làng mạc bị tàn phá nhưng ngôi nhà ngói 3 gian thờ các vị tướng dòng họ Nguyễn Tất và 2 hộp sắc phong vẫn luôn được giữ gìn cẩn thận. Tri ân tổ tiên, cứ ngày 6 tháng 3 hằng năm dòng họ tổ chức tế lễ, dân trong xã tề tựu đông đúc, dâng hương hoa tỏ lòng tôn kính tiền nhân.

Tượng thờ Tào Xuyên Hầu Nguyễn Tất Khang tại nhà thờ tộc.

Sắc phong năm Thành Thái thứ 3 (1891) phong cho Tào Xuyên Hầu Nguyễn Tất Khang Linh Phù - Dực Bảo Trung Hưng.

Sắc phong năm Duy Tân thứ 3 (1909) đối với Tào Xuyên Hầu Nguyễn Tất Khang.

Sắc phong năm Duy Tân thứ 3 (1909) đối với Tào Xuyên Hầu Nguyễn Tất Khang.

Lại nói về chuyện 42 bộ hài cốt, trong quá trình san ủi mặt bằng khu vực đất ven sông Sắt( nơi mà họ Nguyễn Tất cho là nghĩa địa chìm của mình) tìm thấy( hiện đã được chôn cất tạm thời tại nghĩa trang thôn Ninh Xá). Chọn ngôi mộ lớn nhất trong 42 ngôi mộ vừa cải táng, chỉ cần chưa tới 10 phút dùng dao gạt lớp đất khoảng 40 cm, chúng tôi đã thấy lộ ra một tiểu sành loại lớn. 

Mở nắp tiểu sành, bên trong có một cái tiểu bằng đồng. Trải thời gian, tiểu đồng đã bị oxy hóa, ngả màu xanh hoen gỉ nhưng vẫn còn nguyên hình hài, bên trong có dung dịch nước màu xanh nhạt lẫn hài cốt. Các bậc cao niên đều khẳng định đây là mộ Tổ của dòng họ Nguyễn Tất. Bởi từ xưa đến nay, dòng họ luôn lưu truyền chuyện mộ Tổ được chôn chìm dưới lòng đất cấu tạo 2 lớp: bên ngoài là quách bằng đá để bảo vệ, bên trong là tiểu bằng đồng chứa xương cốt. Các công nhân san ủi mặt bằng khi phát hiện ngôi mộ đặc biệt này đã đánh dấu riêng và ghi bằng sơn trắng mấy chữ A42. Vì quách đá bị vỡ nên họ đã đưa tiểu đồng vào trong tiểu sành loại lớn rồi đưa về đây.

Ngôi mộ có tiểu đồng được cho là chôn hài cốt các vị tương họ Nguyễn Tất.

Ngôi mộ có tiểu đồng được cho là chôn hài cốt các vị tương họ Nguyễn Tất.

Một dòng họ có nhiều vị tướng tài có công lớn với dân với nước, được triều đình phong kiến nhiều lần sắc phong công trạng nhưng vì sao lâu nay chính quyền và ngành văn hóa Nam Định không hề hay biết? Nếu những lời kể của con cháu dòng họ Nguyễn Tất là thật thì liệu ngôi mộ cổ vừa phát hiện có phải là một trong những ngôi mộ cổ của các vị tướng dòng họ Nguyễn Tất! 

Việc xác định giá trị về văn hóa, lịch sử, khảo cổ liên quan đến các danh tướng này cần được sự vào cuộc một cách trách nhiệm và khoa học của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở trung ương và địa phương. Trong khi chờ kết quả cuối cùng, thiết nghĩ, chính quyền tỉnh Nam Định cần chỉ đạo ngành chức năng có biện pháp bảo vệ hiện trường, tránh xáo trộn không cần thiết để phục vụ cho công tác điều tra, nghiên cứu sau này, nhằm mục đích tôn vinh các bậc tiền nhân có công với đất nước.

Vân Anh