Phát hiện dấu tích "vườn thượng uyển" vùi sâu dưới Hoàng thành Thăng Long

(Dân trí) - Kết quả khai quật khảo cổ tại khu vực phía Đông Bắc nền điện Kính Thiên năm 2019 đã hé lộ về quy mô của cung điện và dấu tích vườn thượng uyển bị vùi sâu dưới Hoàng thành Thăng Long.

Hé lộ quy mô thành Đại La và thành Thăng Long

Ngày 7/4, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã có báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực chính điện Kính Thiên năm 2019.

Theo đó, sau 1 năm tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Đông Bắc nền điện Kính Thiên với tổng diện tích gần 990m2 đã phát hiện ra nhiều kết quả mới, góp phần minh chứng toàn diện hơn về các di tích của thời Lê (Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng), có thêm tư liệu để khẳng định, khu vực chính tâm của Hoàng thành Thăng Long (HTTL) có lịch sử tồn tại liên tục, lâu dài hơn 1.300 năm không hề đứt đoạn, từ thời Đại La, Đinh - Tiền Lê đến thời Lý, Trần, Lê.

Phát hiện dấu tích vườn thượng uyển vùi sâu dưới Hoàng thành Thăng Long - 1

Việc phát hiện cống nước gạch kiên cố thời Đại La đã chứng minh cho giả thiết khu vực trung tâm của thành Đại La vẫn là ở khu vực Trung tâm HTTL. Nhận định này sẽ giúp tìm hiểu quy mô thành Đại La. Hiểu quy mô thành Đại La sẽ giúp ta tìm hiểu quy mô thành Thăng Long thời Lý.

Các kiến trúc thời Đinh - Tiền Lê, thời Lý, thời Trần tiếp tục phân bố ở khu vực sau nền điện Kính Thiên, chứng tỏ tính chất trung tâm khá đồng đều trên toàn bộ các vị trí đã khai quật tại khu vực Trung tâm và cũng là tương đồng với toàn bộ khu vực 18 Hoàng Diệu và Vườn Hồng.

Thời Lý phát hiện di vật tượng rồng đất nung kích thước rất lớn (có phần lớn hơn tượng rồng ở khu 18 Hoàng Diệu) cho thấy có thể có kiến trúc có quy mô lớn, quan trọng thời Lý ở đây.

Phát hiện dấu tích vườn thượng uyển vùi sâu dưới Hoàng thành Thăng Long - 2

Di tích cống nước thời Đại La (hố thám sát TS01).

Thời Lê Sơ có 2 dấu tích bó nền, 1 dấu tích kiến trúc có móng cột. Các dấu tích này phản ánh thời Lê Sơ xây dựng ở đây nhiều công trình quan trọng (dấu tích đất nền màu gạch đỏ và dấu tích dải nền trang trí hoa chanh được gia cố rất cẩn thận).

Kiến trúc có móng cột chạy theo hướng Bắc Nam có thể là kiến trúc kiểu hành lang tương tự dấu tích của kiến trúc hành lang ở phía Tây Đoan Môn đã phát hiện năm 2013-2014. Điều này gợi ý về không gian kiến trúc chính điện Kính Thiên thời Lê Sơ ở phía sau nền điện Kính Thiên có phần thu hẹp lại hơn so với phần phía trước.

Các nhà khoa học nhận định, có khả năng đây là kiến trúc “cổng” của một khu cung điện khác trong khu vực Trung tâm. Theo thư tịch cổ và bản đồ cổ thì sau khu chính điện Kính Thiên là khu điện Cần Chánh. Nếu đây đúng là kiến trúc cổng thì di tích đánh dấu sự bắt đầu của khu vực kiến trúc quan trọng thứ hai trên trục Trung tâm. Đó là khu vực điện Cần Chánh, nơi làm việc của Hoàng đế và triều đình Lê Trung Hưng.

Phát hiện dấu tích vườn thượng uyển vùi sâu dưới Hoàng thành Thăng Long - 3

Mặt bằng kiến trúc sân vườn thời Lê Trung Hưng.

Phát hiện dấu tích "vườn thượng uyển"

PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành nhận định, tuy diện tích khai quật lần này chỉ 990m2 nhưng đã phát hiện được nhiều loại hình di tích và di vật rất đặc sắc của HTTL trong bề dày lịch sử 1300 năm. 

Phát hiện mới về dấu tích kiến trúc sân vườn thời Lê Trung hưng gồm đường đi và hệ thống bồn hoa nằm dọc hai bên đường là phát hiện quan trọng, minh chứng rõ hơn về trình độ quy hoạch không gian và cảnh quan sân vườn của các công trình kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long đương thời.

Phát hiện dấu tích vườn thượng uyển vùi sâu dưới Hoàng thành Thăng Long - 4

Một phần mào của tượng rồng đất nung lớn thời Lý, thế kỷ 11-13.

Theo sử cũ trong Hoàng cung Thăng Long có các Vườn Ngự (hay Ngự viên), dành cho nhà vua và hoàng gia dạo chơi nhưng không có những mô tả cụ thể. Theo đó, phát hiện này gợi cho chúng ta nhiều điều thú vị khi nhận diện và luận bàn về kiến trúc cảnh quan trong chốn Hoàng cung Thăng Long xưa.

"Phát hiện cống nước lớn thời Đại La nằm sâu dưới lòng đất (hơn 5m) cùng các loại di vật (ngói) thời Đinh – Tiền Lê ở hố khai quật đã góp phần khẳng định và làm rõ hơn về ghi chép trong “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn, củng cố nhận định khoa học của chúng tôi hơn 10 năm về trước về việc vua Lý Công Uẩn đã lựa chọn xây dựng Kinh đô Thăng Long ở đúng vị trí thành Đại La cũ thời Cao Biền và Kinh sư thời Đinh – Tiền Lê.

Cuộc khai quật lần này đã phát hiện nhiều di tích mới gợi những nhận thức mới góp phần thúc đẩy thêm một bước quan trọng trong việc tìm hiểu diện mạo khu Chính điện – Điện Kính Thiên, qua đó tiếp tục làm tăng thêm giá trị của Di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long”, PGS.TS Bùi Minh Trí phát biểu.

Phát hiện dấu tích vườn thượng uyển vùi sâu dưới Hoàng thành Thăng Long - 5

Dấu tích hồ ao thời Lê Trung Hưng tại hố khai quật năm 2018.

Phát hiện dấu tích vườn thượng uyển vùi sâu dưới Hoàng thành Thăng Long - 6

Dấu tích hồ/ao thời Lê Trung Hưng nhìn từ phía Bắc.

GS. TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia đề nghị, tiếp tục tập trung khai quật trục trung tâm Đoan Môn - Kính Thiên - Hậu Lâu - Bắc Môn để có thêm tư liệu phục hồi không gian điện Kính Thiên.

“Điện Kính Thiên là nơi thiết triều, nơi tiếp các sứ thần, không phải là nơi làm việc của Vua. Nghiên cứu các công trình cung điện ở cố đô Huế cho thấy trên đường thần đạo có nhiều công trình, trong đó phía sau điện Thái Hòa có điện Cần Chánh, nơi làm việc của các vua triều Nguyễn. Bởi vậy có thể mở rộng các hố khai quật về phía Tây Nam của hố khai quật năm 2019 để xem có nền móng công trình dạng Cần Chánh.

Phát hiện dấu tích vườn thượng uyển vùi sâu dưới Hoàng thành Thăng Long - 7

Một số hiện vật tiêu biểu tìm thấy trong các hố khai quật.

Đường nước lớn là một một phát hiện quan trọng và nổi bật nhất của khảo cổ học trong không gian điện Kính Thiên, đề nghị mở rộng toàn bộ các hố khai quật khảo cổ học để làm rõ được toàn bộ quy mô của công trình này (nhất là tìm ra được các góc của đường nước). Đây là công trình sẽ thu hút khách tham quan. Đề nghị nghiên cứu, khai quật làm rõ hơn hệ thống “trường lang” trong không gian điện Kính Thiên”, GS. Lưu Trần Tiêu bày tỏ.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm