Phát hiện 383 hiện vật cổ tại phê tích Lai Nghi
(Dân trí) – Hơn 380 hiện vật gồm: phù điêu Voi, phù điêu hình quái vật Makala; phù điêu mặt Kala... rất độc đáo mà chưa có lần khai quật nào các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều như vậy tại các di tích Chăm trên đất Bình Định.
Chiều 10/10, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tổng hợp Bình Định đã công bố kết quả khai quật phế tích gò tháp Lai Nghi nằm trong khu đất của gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc (ở xóm Bắc, thôn 1, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, Bình Định).
Qua khảo sát, đoàn khai quật Bảo tàng Bình Định tiến hành khai quật ở 3 vị trí hố trong tổng diện tích trên 100 m2. Kết quả, đoàn đã thu được 619 hiện vật, trong đó có 383 hiện vật bằng gốm đất nung các loại rất độc đáo (niên đại vào khoảng TK XII – XIII). Trong đó, chiếm số lượng nhiều nhất là các phù điêu trang trí kiến trúc hình tai lửa, phù điêu Voi, phù điêu hình quái vật Makala, phù điêu mặt Kala, gốm men.
Theo đánh giá ban đầu, trong các hiện vật độc đáo được khai quật tìm thấy trên được chế tác hoàn toàn thủ công với những công cụ đơn giản, rồi được đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao.
Đặc biệt, lần đầu tiên tìm thấy một tượng tròn Voi bằng gốm sành nung già, con voi thể hiện đứng yên nhìn thẳng, vòi buông xuống. Có lẽ, là sảng phẩm của trung tâm sản xuất gốm cổ Chăm ở khu vực này.
Ngoài ra, trong giai đoạn khai quật, đoàn còn tìm thấy 2 mảnh tượng bò thần Nandin vật cưỡi của thần Siva, là những vật chủ yếu được thờ trong lòng tháp. Điều này có thể khẳng định thêm khu tháp chính thờ thần Siva, hai tháp kia thờ hai vị thần Braham và Visnu.
Theo TS. Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho biết, việc khai quật phế tích Lai Nghi nhằm cứu vãn di tích văn hóa còn sót lại tại di tích, qua đó để hiểu thêm về quy mô của khu kiến trúc, kỹ thuật xây dựng của tháp. Từ đó, so sánh với kỹ thuật xây dựng các tháp trong vùng. Đồng thời, còn bổ sung vào danh mục các di tích Chăm trên đất Bình Định còn lại cho đến ngày nay.
Ông Hòa cho biết, trong các cuộc khai quật trước đây chưa có lần nào thu được nhiều hiện vật phù điêu đất nung còn nguyên vẹn và đẹp như cuộc khai quật tại phế tích Lai Nghi lần này.
Một số hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Bình Định:
Doãn Công