Phận đời chìm nổi của danh ca hải ngoại Kim Anh
(Dân trí) - “Hôm nay, khi ngồi đây, trò chuyện với bạn về những nổi nênh của một phận đời, của một kiếp người thì những vết thương trong lòng tôi đã chai sạn. Nhờ đã chai sạn nên tôi không còn cảm thấy đớn đau hay rướm máu khi gợi nhắc về nó. Đó là lí do tôi chấp nhận kể cho mọi người nghe quá khứ của mình…”, ca sĩ Kim Anh chia sẻ lý do bà kể về mình.
“Tôi không giấu giếm quá khứ hay vũng lầy tôi đã sa…”
Tôi gặp ca sĩ Kim Anh khi bà được mời ra Hà Nội biểu diễn trong đêm nhạc “Cúi xuống thật gần” của danh ca Khánh Ly vào trung tuần tháng 1/2016. Bà với “nữ hoàng nhạc Trịnh” vốn dĩ là đôi bạn thân từ hơn 30 năm qua.
Và hơn thế, Kim Anh còn là một trong số các giọng ca hiếm hoi mà Khánh Ly “thần tượng”, nhất là các ca khúc Hai vì sao lạc, Lệ đá, Đường xưa lối cũ… do Kim Anh thể hiện. Riêng đối với giọng ca “Mùa thu lá bay” thì Khánh Ly không chỉ là bạn mà còn là ân nhân bởi nhờ có danh ca Evis Phương và Khánh Ly mà bà biết hát tiếng Việt và theo nghiệp cầm ca cho đến tận bây giờ.
Thực ra, khi đối diện với ca sĩ Kim Anh, tôi không nghĩ người đàn bà ngồi trước mặt tôi lại từng là một danh ca nổi tiếng của nhiều nước trong thập niên 80. Mái tóc ngắn, mỏng và lấm tấm sợi bạc. Giọng nói yếu ớt, không rõ chữ và phát âm rất nhanh. Dáng người mỏng mảnh tới mức tôi có cảm giác bà có thể bị nghiêng sang một bên khi có một làn gió mạnh thổi tới.
Chỉ có hai điều “ghi điểm” được đó chính là đôi mắt rất có hồn và nụ cười đôn hậu. Trong suốt buổi trò chuyện, ca sĩ Kim Anh cười rất nhiều nhưng cũng không ít lần giàn giụa trong nước mắt. Thật lạ là cứ mỗi lần bà cười, tôi lại cảm thấy mình như được lan tỏa sự ấm áp và lòng lạc quan. Mỗi lần kể đến chuyện buồn mắt bà lại tuôn trào nước mắt. Để giấu nỗi buồn bà thường nhìn ra những khoảng không vô định. Những lúc đó tôi không dám nhìn vào mắt bà vì tôi sợ…
Giọng ca “Mùa thu lá bay” mở đầu câu chuyện bằng lời trần tình đẫm nước mắt: “Hôm nay, khi ngồi đây, trò chuyện với bạn về những nổi nênh của một phận đời, của một kiếp người thì những vết thương trong lòng tôi đã chai sạn. Nhờ đã chai sạn nên tôi không còn cảm thấy đớn đau hay rướm máu khi gợi nhắc về nó. Đó là lí do tôi chấp nhận kể cho mọi người nghe quá khứ của mình.
Con người ta ai sinh ra cũng có một định mệnh. Định mệnh ấy “trói buộc” chúng ta với những điều mà ta không thể cưỡng lại nổi. Tôi đã từng bị cạn kiệt sức lực và chìm trong những cơn đau tinh thần khi tai họa liên tiếp giáng xuống đầu. Những lúc đó tôi đơn độc lắm. Tôi tự gặm nhấm nỗi đau thể xác và tinh thần một mình (ngẹn ngào). Nhiều đêm, tôi nhìn thấy bóng tôi trên tường mà không tin nổi đó là tôi. Tôi rã rời quá rồi. Và tôi nghĩ, cuộc đời đã không ưu ái mình thì mình sẽ ưu ái mình, đó là cách sống thanh thản nhất. Tôi không giấu giếm quá khứ hay những vũng lầy tôi đã sa…”.
Ca sĩ Kim Anh kể, tên đầy đủ của bà là Mạch Kim Anh, sinh ra tại Lai Vung, Sa Đéc (nay là Đồng Tháp). Bà cầm tinh tuổi Tỵ nhưng lại có chữ “Quý” ở đầu (tức sinh năm Quý Tỵ - 1953) nên ngay từ lúc sinh ra đã có người bảo đời bà rồi sẽ phiêu bạt giang hồ, sống kiếp tha phương, tình duyên muôn ngả… Năm 1969, khi bà mới 16 tuổi, lời tiên đoán này đã ứng nghiệm. Bà là một trong số ít học sinh của tỉnh Sa Đéc được bảo trợ sang Mỹ học Đại học. Những ngày mới đặt chân lên xứ người, mọi thứ đều xa lạ, bỡ ngỡ và mênh mông. Nhìn ra xung quanh chẳng có ai giống mình bởi họ đều giao tiếp với nhau bằng tiếng Mỹ còn bà chỉ biết nói tiếng Hoa. Mối dây liên hệ duy nhất của bà với xã hội lúc đó là người đàn ông Mỹ hơn bà chục tuổi mà bà gọi là "ông chú". Chính người đàn ông này đã bảo lãnh cho bà qua Mỹ và cũng là người bà phải sinh cho ông một đứa con mà không có tình yêu.
Sinh con không tình yêu để được ở lại Mỹ
Ca sĩ Kim Anh chia sẻ, theo luật của Mỹ thời bấy giờ, nếu muốn được tiếp nhận vào học đại học thì phải có bằng Tú tài (cấp 3) mà bà thì chưa tốt nghiệp Tú tài. Vì lẽ đó mà bà sẽ bị trục xuất về nước nếu không có người bảo lãnh. Bà đã rất lo sợ về điều này. Bà sợ, nếu trở lại quê nhà sẽ bị mọi người cười chê. Người đại tá Mỹ cưu mang bà lúc đó đã trấn an với bà rằng, ông đã hứa với ba bà trước khi mang bà qua nên ông sẽ tìm cách giữ bà ở lại.
Tuy nhiên, phải đợi bà đủ 18 tuổi, tuổi có thể kết hôn theo quy định của luật pháp Mỹ mới có thể làm hôn thú. Lúc nghe đến hai chữ “hôn thú”, Kim Anh cảm giác như chới với. Bà không nghĩ tuổi xuân của mình lại “chôn chặt” ở tuổi 18, cái tuổi mà bà chưa đủ khôn để ý thức được những điều xung quanh mình. Bà đã khóc rất nhiều khi nghe những gì “ông chú” của mình nói. Tuy nhiên, cuối cùng Kim Anh cũng đành phải chấp nhận sự thật nghiệt ngã là kết hôn với ông chú để hợp lý hóa thủ tục ở lại Mỹ.
“Ông ấy lúc đó là Đại tá trong ngành tình báo của quân đội. Ông ấy bảo: “Tao đã hứa với ba mày rồi nên tao sẽ tìm cách giữ mày ở lại. Tao sẽ đánh đổi bằng cách lấy mày để có giấy hôn thú mà giữ mày ở lại Mỹ hợp pháp”. Khi ông ấy lấy tôi, ông ấy bị kỷ luật, bị cắt hết mọi chế độ và bị bắt xuất ngũ vì luật quân đội Mỹ không cho phép quân tình báo lấy người ngoại quốc. Tôi thấy mình mắc nợ người đàn ông này nhiều quá…”, Kim Anh rơm rớm kể lại.
Cho đến bây giờ bà vẫn chưa hết cảm giác xẩu hổ mỗi khi nhớ lại những non nớt, thơ dại, hồn nhiên của mình ở thời điểm đó. Bà kể, bà mang thai ở tuổi 18 nhưng mãi vẫn không hiểu vì sao mình có thể mang thai và sẽ sinh em bé bằng cách nào. Cho đến khi lâm bồn, được “ông chú” dẫn vào bệnh viện bà vẫn chạy tung tăng như một đứa trẻ khắp bệnh viện.
Rồi bà gặp một người phụ nữ Việt Nam, bà đã ôm lấy người đàn bà này khóc vì nhớ quê và đòi “dời” chuyện đẻ sang hôm sau để được theo chân người phụ nữ này về nhà bà ta xin một bát cơm Việt Nam. Phải khi người này bảo với bà, nếu bà không vào phòng để sinh con thì có thể sẽ chết cả mẹ lẫn con, bà mới chịu vào phòng đẻ. Sinh con xong, “ông chú” thấy bà còn quá non trẻ nên đã nhận trách nhiệm chăm sóc con để bà được sống đúng với lứa tuổi của mình.
“Đẻ con xong ông ấy bảo: “Thôi, tao sẽ đưa con đi chỗ khác nuôi để mày được sống đúng với tuổi của mày, chứ mày chưa kịp lớn đã chín cháy như miếng thịt nướng ép rồi”, Kim Anh kể.
Sau này, có nhiều người hỏi bà về mối quan hệ của bà với người chồng đầu tiên, bà cũng không biết giải thích như thế nào để họ hiểu. Trong lòng bà lúc đó chỉ xem ông như một ân nhân và đứa con bà sinh cho ông cũng chỉ là một cách bà trả ơn ông. Bà chưa bao giờ có chút tình cảm yêu đương gì với người đàn ông này. Người đàn ông này sau đó cũng đã đi lấy vợ mới và đứa con trai vẫn ở với ông. Thỉnh thoảng, ông lại dẫn con đến để bà được gặp con. Bản thân bà sau đó cũng bắt đầu theo học một khóa học tiếng Việt và đi làm thêm tại một quán cà phê nhỏ.
(còn tiếp)
Hà Tùng Long