Phạm Thu Hà: "Tôi đã vượt qua được khổ đau nhờ âm nhạc của Trịnh Công Sơn"
(Dân trí) - "Những dòng chảy yêu thương và chữa lành trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã giúp tôi thấy bao dung hơn với tất thảy, thấy lạc quan trong nỗi buồn vô định ngày ấy", ca sĩ Phạm Thu Hà chia sẻ.
Nhân kỷ niệm 22 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Phạm Thu Hà cho ra mắt 3 MV: Ru tình, Hoa vàng mấy độ, Tiến thoái lưỡng nan... Đây là những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ họ Trịnh mà Phạm Thu Hà rất yêu thích và nghe nhiều lần để chiêm nghiệm sâu sắc hơn về đời sống.
Cả 3 MV đều nằm trong dự án âm nhạc Live Studio Session mà "họa mi bán cổ điển" đã thực hiện vào cuối năm 2022. Live Studio Session là sản phẩm âm nhạc được thực hiện với công nghệ thu âm đĩa than và ghi hình trực tiếp tại Việt Nam.
Lý do nữ ca sĩ lựa 3 ca khúc lần này để thực hiện MV là bởi cả 3 đều phù hợp với giọng hát và dòng nhạc semi classic mà cô đang theo đuổi. Bên cạnh đó, mỗi ca khúc khi hát lên cô như được hoài niệm về những tháng ngày trong quá khứ có lúc "lui không được mà tiến cũng không đành" như lời bài hát Tiến thoái lưỡng nan.
"Tôi cũng muốn mượn 3 MV này để thay cho lời nguyện cầu tốt đẹp đến với những con người thiện lành tôi đã gặp, đã quen thân, cho bốn mùa hoa lá luôn tươi sắc, luôn vui vẻ và yêu đời.
Trên con đường trần, tôi và các bạn đi, đất trời đều phẳng lặng chẳng có lấy một cơn bão làm chùn bước chân, hoa vàng mấy độ sẽ nở rộ trên từng gót nhỏ, những cánh hoa vàng đọng lại từng đợt sương sớm lung linh, nhiều hào quang lấp lánh. Đó là những mong ước rất thiện lành và mục đích "em đến bên đời" này của tôi với con người và thế giới này", ca sĩ Phạm Thu Hà bộc bạch.
Phạm Thu Hà chia sẻ rằng, cô biết đến âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi trải qua những vấp váp đầu tiên của đời sống. Đó là khi những mong cầu, ước vọng trong tình cảm không thành hiện thực và luôn nhìn thấy những điều không thật trong cuộc sống.
"Âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với tôi ngày ấy là để gửi gắm những tâm sự, mỗi lần nghe và hát lại thấy được mình trong đó, cảm giác được an ủi, nương náu, như có một người bạn sẻ chia.
Những dòng chảy yêu thương và chữa lành trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã giúp tôi thấy bao dung hơn với tất thảy, thấy lạc quan trong nỗi buồn vô định ngày ấy. Chính nhạc Trịnh đã đưa tôi đến gần với Phật pháp, giúp tôi quay vào bên trong để tu dưỡng, rèn luyện thân tâm, sống tích cực hơn", Phạm Thu Hà trải lòng.
Giọng ca "họa mi bán cổ điển" kể, ngày cô học năm thứ 2 hệ trung cấp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), cô thường hát ca khúc Rừng xưa đã khép với lối hát bản năng, dung dị và được rất nhiều người yêu thích. Và chính nhờ những câu hát: "Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô, ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa".... đã nâng đỡ cô một thời gian dài khi chống chọi với bệnh phổi gần 2 năm mà không có gia đình bên cạnh.
"Phải nói, đó là những lời hát nhìn thấu tâm can của tôi. Tôi hình dung như lời bài hát là lời nhạc sĩ an ủi và nói hộ tôi những điều chỉ đêm về tôi mới cho phép mình khóc và mềm yếu", nữ ca sĩ gốc Hải Phòng tâm sự.
Theo Phạm Thu Hà, âm nhạc của Trịnh Công Sơn không mang tính học thuật hay cần kỹ thuật thanh nhạc mới hát được mà cái hay nhất trong giai điệu ấy là người càng không được học hành bài bản càng hát hay. Cô vẫn thường nói với bạn bè, với nhạc Trịnh, nếu không hiểu, không từng trải và không bị cuộc đời quăng quật sẽ không hát hay được. Bên cạnh đó, nếu tâm hồn không sáng trong cũng không hát hay được âm nhạc ấy.
"Tôi rất thích nghe các ca sĩ không chuyên, với lối hát "rất đời" thể hiện những ca khúc Trịnh hơn là các ca sĩ chuyên nghiệp, bởi họ hát dung dị, mộc mạc, nhiều cảm xúc, có chất riêng, đi vào tôi một cách rất tự nhiên mà không căng cứng. Các sáng tác của Trịnh Công Sơn có một đời sống riêng, phong cách riêng, một cõi riêng và nó sẽ là di sản âm nhạc trường tồn với thời gian và qua nhiều thế hệ, ủi an nhiều tầng lớp người có trái tim yêu thương nhau, yêu quê hương đất nước", Phạm Thu Hà nói thêm.
Có một kỷ niệm rất đáng nhớ của Phạm Thu Hà với nhạc Trịnh đó là thời cô thuê trọ sống một mình khi học hệ trung cấp năm thứ 3, gia đình cũng không ở Việt Nam, cô xin bảo lưu để dành hơn 1 năm để đi chữa bệnh phổi. Ngày ấy, album Như cánh vạc bay gồm các tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do ca sĩ Hồng Nhung thể hiện cô đều mở nghe mỗi đêm, mỗi sáng và mỗi chiều... Đó đúng nghĩa là album chữa lành cho cô, giúp cô vượt thoát ra khỏi những nỗi buồn, nỗi cô đơn, nỗi tủi hờn… Cô nhận ra, nỗi buồn của mình rất đẹp, buồn nhưng không bi lụy, buồn để sống nghị lực, mạnh mẽ và vượt lên chính mình nhiều hơn.
"Đó là một kỷ niệm và cũng là hoài niệm rất đẹp của tôi và cũng có lẽ vì thế căn bệnh phổi của tôi cũng được chữa lành và tôi lại líu lo hát cho đến ngày hôm nay. Tôi rất biết ơn âm nhạc Trịnh và album tuyệt vời ấy của chị Hồng Nhung", Phạm Thu Hà chia sẻ.
Nhiều năm qua, Phạm Thu Hà kiên định theo đuổi con đường cổ điển giao thoa (classic crossover), mang âm nhạc cổ điển hòa quyện với các thể loại khác nhau nhằm tới gần công chúng. Dự án Live Studio Session lần này một lần nữa khẳng định nỗ lực của giọng ca được mệnh danh "họa mi bán cổ điển", khi thể hiện rõ sự Pop hóa phong cách hát cổ điển, tạo nên cái chất rất riêng cho mỗi ca khúc, mà không khiến chúng trở nên khiên cưỡng, xa lạ.
Với Live Studio Session, Phạm Thu Hà cho thấy bản lĩnh của một nghệ sĩ khi thực hiện thu âm đĩa than và ghi hình trực tiếp với những công nghệ mới nhất. Ê-kíp sáng tạo bao gồm những cái tên quen thuộc, từng cộng tác với Phạm Thu Hà trong một số chương trình lớn: Đạo diễn âm nhạc Nguyễn Tuấn Nam, đạo diễn âm thanh Nguyễn Duy Nghĩa, đạo diễn hình ảnh Đỗ Hồng Sơn, dàn nhạc Namjazznight Chamber Orchestra.
Đảm nhận vai trò đạo diễn âm nhạc là Nguyễn Tuấn Nam, anh từng là sinh viên duy nhất của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam được đặc cách tuyển thẳng vào Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển), cũng là người đứng sau hàng loạt chương trình âm nhạc chất lượng.