Nguyễn Thụy Kha:

“Phạm Duy là nhạc sĩ sống chết với âm nhạc”

(Dân trí) - “Tác phẩm Phạm Duy chan chứa tâm hồn Việt, sống cùng dân Việt. Thật tự hào khi hát lên câu mở đầu bài Tình ca: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời …”. Một sự tôn vinh tuyệt vời sức bất tử của tiếng Việt”, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ.

Là người có nhiều bài viết sâu sắc về nhạc sĩ Phạm Duy, gần đây nhất, ngày 18/12 vừa rồi nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cũng dẫn chương trình đêm nhạc Tùng Dương tại Huế, mà hầu hết là những ca khúc về nhạc sĩ Phạm Duy, vậy anh có thể chia sẻ tâm trạng của mình khi đón nhận tin dữ về vị nhạc sĩ tài hoa này?

Khi nhận được tin nhạc sĩ Phạm Duy tạ thế vào hồi 14 giờ ngày 27/1/2013, lòng tôi vẫn chợt nhói buốt, mặc dù biết ông đã bệnh mấy tháng nay, mặc dù so với nhiều bậc cao niên làng nhạc, Phạm Duy ra đi ở tuổi 93 (ông sinh năm 1921) là đã rất thọ, đã đủ cả “Phúc - Lộc - Thọ - Khang - Ninh” như ông bà thân sinh tôi mà ông đã từng gặp tại Hải Phòng hồi đầu thế kỷ mới. Tuy vậy, vẫn thấy buồn, thoáng trống trải, thoáng bâng khuâng về một bậc tài danh mà số phận “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi.”
 
Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, để lại khối lượng tác phẩm âm nhạc đồ sộ...
Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, để lại khối lượng tác phẩm âm nhạc đồ sộ...

Nhạc sĩ Phạm Duy được xem là một trong những nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam với số lượng nhạc phẩm đồ sộ cũng như đa dạng thể loại (nhạc cách mạng, nhạc quê hương, nhạc tình đôi lứa, trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca...), theo cảm nhận của riêng anh thì các tác phẩm của ông có giá trị, ý nghĩa như thế nào?

Phạm Duy là nhạc sĩ gây ấn tượng mạnh mẽ về một nền âm nhạc Việt thuần túy sau cách mạng tháng Tám. Suốt 7 thập kỷ sáng tạo, ông đã dựng lên một tầm vóc đáng kể giữa dải Trường Sơn nhạc Việt. Với tiêu chí sáng tạo sử dụng dân ca Việt “Giai điệu thì phải nằm trong ngũ cung, tiết điệu thì phải là nhịp lúc bát biến thể”, những ca khúc Phạm Duy như những bài dân ca mới như Gánh lúa, Nương chiều … điều này rất phù hợp với Đề cương Văn hóa: “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng”.

Tác phẩm Phạm Duy chan chứa tâm hồn Việt, sống cùng dân Việt. Thật tự hào khi hát lên câu mở đầu bài Tình ca: “Tôi yêu tiếng nước tôi - từ khi mới ra đời …”. Một sự tôn vinh tuyệt vời sức bất tử của tiếng Việt.

Ảnh hưởng từ các tác phẩm âm nhạc của Phạm Duy tới thế hệ trẻ thì sao, thưa anh?

Ảnh hưởng âm nhạc Phạm Duy tới thế hệ trẻ từ thời đầu cách mạng đến nay đều rất lớn. Từ 2005 khi ông hồi hương về, âm nhạc của ông được hát nhiều trên sàn diễn trong nước, nhiều ca sĩ trẻ bắt đầu thấm chất Phạm Duy như Thanh Lam, Hồng Nhung, Tấn Minh, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Đức Tuấn, Tùng Dương, Khánh Linh …

Nhiều ca khúc từng bị cấm của nhạc sĩ Phạm Duy đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép, gần đây nhất là tám ca khúc trong chuỗi 10 bài Đạo ca gồm: “Pháp thân”, “Đại nguyện”, “Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng”, “Lời ru bú mớm nâng niu”, “Qua suối mây hồng”, “Giọt chuông cam lộ”, “Chắp tay hoa” và “Tâm xuân” của ông phổ từ thơ của Phạm Thiên Thư… cũng đã được cấp phép phổ biến rộng rãi. Vậy theo quan điểm của anh, anh còn tiếc ca khúc nào của Phạm Duy mà cho đến giờ vẫn chưa được cấp phép?

Với quan điểm mới mẻ của thời đổi mới hôm nay, việc Cục nghệ thuật Biểu diễn cấp phép ngày càng nhiều những tác phẩm Phạm Duy là một việc cập nhật đầy ghi nhận. Chắc chắn, sẽ còn nhiều tác phẩm nữa của ông sẽ được cấp phép trong tương lai. Không có gì phải tiếc mà chỉ cần chờ đợi.
 
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và nhạc sĩ Phạm Duy chụp ảnh kỷ niệm tại TP. Hồ Chí Minh năm 2010 (Ảnh St)
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và nhạc sĩ Phạm Duy chụp ảnh kỷ niệm tại TP. Hồ Chí Minh năm 2010 (Ảnh St)

Không chỉ sự nghiệp âm nhạc thăng trầm mà con người cuộc sống của vị nhạc sĩ này cũng trải qua nhiều biến cố, là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, anh có thể chia sẻ điều gì về con người, cuộc sống của Phạm Duy?

Đêm qua tôi có làm một bài thơ tưởng niệm Phạm Duy. Trong bài thơ có câu: “Thế giới một tinh cầu sao vẫn mãi chia đôi/ Lửa tắt nơi này lửa lại bùng nơi khác”.

Phạm Duy và chúng ta đang sống trong một thời đại mà thế giới quá nhiều bất ổn. Việc lựa chọn cách sống, nơi sống là việc của mỗi người. Lựa chọn ấy sẽ nhận về nó những ủng hộ, những chỉ trích đúng sai. Nhưng cuối cùng người lựa chọn phải là người chịu trách nhiệm toàn bộ những thăng trầm mà lựa chọn ấy sinh ra. Phạm Duy không ngoài điều đó.

Bởi vậy, dù đã chọn đúng con đường sáng tạo âm nhạc, nhưng Phạm Duy mới chỉ đưa vào âm nhạc của mình âm hưởng dân ca người kinh. Ông lại không có những tác phẩm mang âm hưởng dân ca dân tộc thiểu số, ví dụ như Nguyễn Văn Thương với âm hưởng người Mông qua Bài ca trên núi, Nhật lai với âm hưởng người Ba Na qua Chim Poong Kle, Doãn Nho với âm hưởng người Khơ Mú qua Chiếc khăn Piêu

Anh đã gặp gỡ nhạc sĩ Phạm Duy ngoài đời, vậy anh có kỷ niệm, ấn tượng đặc biệt nào về về ông?

Tôi thuộc ca khúc Phạm Duy từ nhỏ nhưng phải đến mùa xuân năm Canh Thìn 2000 tôi mới gặp ông lần đầu tiên khi một mình lên đón ông ở sân bay Nội Bài, dù trước đó ông đã nhiều lần viết thư cho tôi.

Hai anh em gặp nhau như đã quen thân từ lâu. Sau mùa xuân ấy, năm nào ông cũng về nước. Lần nào về nước, tôi với ông cũng cùng nhau du xuân. Khi thì lên miền quan họ. Khi thì về cửa biển Hải Phòng. Đến khi ông hồi hương, anh em gặp nhau nhiều hơn ở Hà Nội, Sài Gòn.

Ông luôn đội mũ phớt của người chăn bò Texaz và đặc biệt không uống bia rượu, không hút thuốc lá. Ngược lại với hai người bạn thân Hoàng Cầm, Văn Cao. Ông đặc biệt mê phở bò chín gầu Hà Nội. Lần về nước đầu tiên, ông đã ăn liền một lúc ăn hai bát phở Bát Đàn vì suốt nửa thế kỷ ở Sài Gòn và Mỹ, ông không hề ăn một bát phở nào.

Không ít người khi tiếp xúc với Phạm Duy đều nói, Phạm Duy có nhiều nét tính cách đặc biệt. Ví dụ, ca sĩ Tùng Dương - người thể hiện thành công một số tác phẩm của Phạm Duy có nói, Phạm Duy là một trong số ít nhạc sĩ khi được mời đến nghe một đêm nhạc thì đều chăm chú nghe hết cả chương trình chứ không chỉ nghe phần ca sĩ hát nhạc mình. Cảm nhận của anh thì sao?

Phạm Duy là một nhạc sĩ sống chết với âm nhạc. Ông rất chăm nghe âm nhạc bạn bè để bổ sung cho sáng tạo của mình. Bởi vậy, ông mới quý trọng Văn Cao tuy viết ít nhưng rất độc đáo, mới tiếc vì Đoàn Chuẩn dừng viết tình khúc mùa thu Hà Nội sớm quá. Ông nghe và phục sự ghồ ghề của âm nhạc Ngọc Đại ...
 
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và nhạc sĩ Phạm Duy chụp ảnh kỷ niệm tại TP. Hồ Chí Minh năm 2010 (Ảnh St)
Từ trái sang: Nguyễn Thụy Kha, thi sĩ Hoàng Cầm, nhạc sĩ Phạm Duy và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (Ảnh St)

Sắp tới, anh có dự định làm một chương trình hay viết ca khúc, bài thơ nào lấy từ cảm hứng về cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy?

Năm 2000, tôi có viết tặng ông bài thơ Bạch Đào. Còn đêm qua tưởng niệm ông bằng bài thơ Một ngọn khói.

Tôi cũng đã viết một kịch bản phim chân dung về ông mang tên Phạm Duy - Người phiêu lãng. Nhưng chưa biết cách nào để có thể thực hiện được điều này. Tiếc quá, ông đã mất mà tôi thì bất lực. Thôi đành để thắp hương cho ông vậy!
Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Thụy Kha!
 

Một ngọn khói

Tưởng niệm Phạm Duy

 

Hát Văn Cao rồi hát chính mình

nhạc nhạc dâng từng đợt từng đợt

chất ngất

thời gian

 

đốt trong mình hực lửa tâm can

tỏa ra đời những ngọn khói giai điệu

hát tới trời cao những áng mây huyễn diệu

tình yêu “tôi yêu tiếng nước tôi”

 

thế giới một tinh cầu sao mãi chia đôi

lửa tắt nơi này lại bùng nơi khác

dập tắt hết khói vẫn còn lang bạt

đàn bỏ quên câu hát vẫn phiêu diêu

 

những ma-xơ, những Hoàng Thị, những Kiều

đã thành khói, thành mây bồng bềnh tóc trắng

cuộc du ca cũng đến hồi xế bóng

chiều nghiêng nghiêng thăm thẳm khói ngưng

 

sẽ thấm vào đời một ngọn khói vương

một ngọn khói không gì giam hãm được

rằm chạp này thêm nén nhang nhớ tiếc

một ngọn khói bay về cõi xa xăm.

 

Nguyễn Thụy Kha

Đêm 27/1/2013

Nguyễn Hằng