"Ông đồ" Tết thời 4.0 mang thư pháp đến gần với thế hệ trẻ

Hà Hiền

(Dân trí) - Mới 23 tuổi nhưng Đỗ Nhật Thịnh (Đà Nẵng) đã có 14 năm theo đuổi thư pháp, không chỉ biễu diễn thư pháp trên mực tàu giấy đỏ, anh còn biểu diễn trên màn hình Led, gây ấn tượng với công chúng.

Tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đỗ Nhật Thịnh, bút danh Nhật Thịnh thư pháp (Đà Nẵng) hiện là họa sĩ thiết kế, nhiếp ảnh gia. Bên cạnh đó, anh còn là một trong những gương mặt trẻ có niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật thư pháp truyền thống của dân tộc.

Bén duyên với thư pháp từ năm 6 tuổi

Nhật Thịnh bén duyên với thư pháp khi bắt đầu học lớp 1, bởi sự thích thú với những nét chữ thư pháp trên tờ lịch, những bao lì xì. Chàng thanh niên 9X tự tập những nét bút đầu tiên và theo đuổi thư pháp đến hôm nay.

Ông đồ Tết thời 4.0 mang thư pháp đến gần với thế hệ trẻ - 1
"Ông đồ" 9X Đỗ Nhật Thịnh đã có 14 năm gắn bó với thư pháp.

Lúc bấy giờ, thư pháp chưa phổ biến, thiếu thốn các dụng cụ như bút vẽ, màu mực, nhưng vì rất yêu thích loại hình nghệ thuật này, Thịnh đã tập luyện rất nghiêm túc.

Anh phải "tự chế" bút lông, mực vẽ để tập viết, Thịnh chia sẻ: "Mình đã dùng lông của một số con vật để kết lại, dùng hồ dán gắn chúng lại. Sau đó, buộc vào thanh tre để tạo thành chiếc bút. Để có mực viết, mình hái những quả mồng tơi chín có màu tím để giã ra và hòa chung với nước tạo thành mực", Thịnh nhớ lại những ngày đầu đầy khó khăn.

Quyết định theo học trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã giúp Thịnh trang bị được nền tảng vững chắc về mỹ thuật, định hình niềm đam mê mà anh đang theo đuổi. Cũng tại đây, Thịnh ấp ủ việc đưa thư pháp Việt Nam đến gần hơn với mọi người, đặc biết là thế hệ trẻ.

Ông đồ Tết thời 4.0 mang thư pháp đến gần với thế hệ trẻ - 2
Sau 22 năm tôi luyện, ông đồ trẻ đúc rút, thư pháp là một môn nghệ thuật cần thời gian dài để rèn luyện và niềm đam mê mãnh liệt, chứ không phải ngày 1, ngày 2 có thể làm được.

"Là 1 người trẻ bén duyên với thư pháp chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, điều đó không ngăn cản được niềm đam mê của mình với loại hình nghệ thuật này. Mình vẫn tìm tòi học hỏi để kết hợp thư pháp với những hình thức thể hiện đa dạng hơn", ông đồ 9X lạc quan chia sẻ.

Bên cạnh những khó khăn, người trẻ theo đuổi theo thư pháp cũng gặp nhiều thuận lợi, bởi khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt, áp dụng sự pháp triển của công nghệ để tự sáng tạo ra những sản phẩm theo "chất" riêng của mình.

Ông đồ thời đại 4.0

Những năm gần đây, phong trào viết thư pháp chữ Việt trở nên ít phổ biến hơn. Một trong những lý do là chữ viết kiểu thư pháp không còn cuốn hút vì sự quan tâm của giới trẻ hiện nay đang hướng nhiều về công nghệ. Chính điều đó đã giúp Đỗ Nhật Thịnh nhận ra rằng, phải thay đổi cách thể hiện của thư pháp gắn với sự phát triển của công nghệ, thì mới có thể thu hút người trẻ.

Mỗi dịp lễ Tết, Thịnh đều tham gia viết thư pháp chữ Việt tại những nơi dành riêng cho các ông đồ. Anh không ngừng học hỏi để mang thư pháp đến với công chúng theo những cách riêng, qua những sự kiện lễ hội lớn và chương trình cho tặng chữ.

Ông đồ Tết thời 4.0 mang thư pháp đến gần với thế hệ trẻ - 3
Đỗ Nhật Thịnh nhận ra rằng, phải thay đổi cách thể hiện của thư pháp gắn với sự phát triển của công nghệ để thu hút người trẻ.

Nhiều người đặt cho Thịnh biệt danh "Ông đồ 4.0" bởi bên cạnh việc sáng tác thư pháp trên mực tàu giấy đỏ truyền thống, anh còn viết trên những chất liệu khác: Đá, gỗ, kính… để tạo sự đa dạng.

Đặc biệt, Thịnh còn biểu diễn thư pháp trên màn hình Led, kết hợp với âm thanh, ánh sáng và ngôn ngữ hình thể, gây ấn tượng mạnh đối với công chúng.

Dịp Tết năm nay, Thịnh đã tham gia nhiều chương trình quảng bá thư pháp Việt Nam, có nhiều sản phẩm mới mẻ thu hút giới trẻ: Những chiếc lộc duyên, bao lì xì đỏ được vẽ tay từ nhũ vàng, những món đồ lưu niệm được vẽ thủ công trên vải lụa bồi gấm.

Đỗ Nhật Thịnh từng có cơ hội học hỏi tại các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Pháp, Australia… Một số tác phẩm nghệ thuật thư pháp của anh còn được lưu giữ tại nước bạn. Thịnh tâm sự, đây không chỉ là động lực rất lớn giúp bản thân không ngừng học hỏi mà còn là niềm tự hào.

"Những lời hay ý đẹp của thư pháp đã rèn luyện cho mình có 1 cái tâm sáng, giúp hoàn thiện bản thân và đó là lý do mình gắn bó với thư pháp cho đến bây giờ", ông đồ 9X nói.

Thịnh cũng bày tỏ mong muốn trong tương lai có thể kết hợp thư pháp với các hợp loại hình biểu diễn khác mới mẻ và đa dạng hơn, đáp ứng được thị hiếu của công chúng Việt cũng như lan tỏa thư pháp Việt Nam đi xa hơn nữa.