Ồ ạt mua kịch bản ngoại: Phim Việt "ngoại lai" nhận ý kiến trái chiều

Hương Hồ

(Dân trí) - Những bộ phim như "Về nhà đi con", "Sống chung với mẹ chồng", "Thương ngày nắng về"... luôn thu hút sự quan tâm của khán giả. Nhưng… nhiều phim trong số đó không hoàn toàn là của "Made in Việt Nam".

Nhắc đến nền điện ảnh, phim truyền hình của các nước trên thế giới, trong ấn tượng của khán giả có thể gọi ngay được Mỹ là dòng phim về hành động, khoa học viễn tưởng; Trung Quốc nổi bật với những phim cổ trang kinh điển; Hàn Quốc là những bộ phim ăn khách về đề tài tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình hay Đài Loan không thể không kể đến những phim về thần tượng, giới trẻ.

Ồ ạt mua kịch bản ngoại: Phim Việt ngoại lai nhận ý kiến trái chiều - 1

Diễn viên Minh Huyền và NSƯT Thanh Quý trong một cảnh phim "Thương ngày nắng về". Bộ phim về đề tài gia đình đang chiếu trên VTV3 thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả (Ảnh: VFC).

Vậy nhắc đến Việt Nam, đó sẽ là dòng phim gì? Có thể nói, sự xuất hiện của hàng loạt "bom tấn" màn ảnh trong những năm qua như: Về nhà đi con, Sống chung với mẹ chồng, Cả một đời ân oán, Hướng Dương ngược nắng, Hương vị tình thân hay hiện tại là Thương ngày nắng về với rating cao, là minh chứng cho sức hút không hề nhỏ của phim về đề tài gia đình đối với khán giả Việt.

Không quá và không chủ quan khi nói rằng phim về đề tài này đang lên ngôi.

Nhưng tiếc rằng, nhiều trong số phim kể trên lại được mua kịch bản của phim nước ngoài. Sống chung với mẹ chồng được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Trung Quốc, Cả một đời ân oán cũng lấy nguyên tác từ Trung Quốc, Hương vị tình thân được remake từ My Only One của Hàn Quốc, Thương ngày nắng về cũng là bộ phim được mua kịch bản chuyển thể từ bộ phim Hàn Quốc - Con gái của mẹ.

Nhiều người đã đặt câu hỏi: Điều gì làm nên sức hút của bộ phim về đề tài gia đình? Vì sao cứ phải mua kịch bản phim của nước ngoài? Phải chăng, chúng ta đang quá thiếu những kịch bản hay thuần Việt?

Kịch bản kịch tính, gần gũi và diễn viên xuất sắc làm nên sức hút

Hình ảnh gà trống nuôi con được tái hiện trong phim Về nhà đi con, những mâu thuẫn xung đột trong Cả một đời ân oán hay câu chuyện muôn thuở giữa mẹ chồng nàng dâu, chị chồng em dâu trong Sống chung với mẹ chồngThương ngày nắng về là những câu chuyện rất đời và rất giản dị mà chúng ta vẫn thường đối diện hay bắt gặp đâu đó ngoài cuộc sống.

"Để đánh giá một bộ phim hay hoặc dở cần nhìn nhận trên nhiều yếu tố về nội dung và nghệ thuật. Chưa bàn đến yếu tố hình thức nghệ thuật, phim Việt Nam nói chung và phim về đề tài gia đình nói riêng những năm gần đây thu hút đông đảo người xem nhờ nội dung gần gũi, sâu sắc mà không kém phần kịch tính. Những vấn đề tưởng chừng dung dị như hơi thở cuộc sống đã được khai thác qua các bộ phim trở nên hấp dẫn, lôi cuốn hơn bao giờ hết",  nhà văn Đào Trung Hiếu - biên kịch phim Bão ngầm chia sẻ với PV Dân trí.

Cùng quan điểm, Nhà báo Trần Mai Anh - thành viên Hội đồng chuyên môn giải thưởng Ấn tượng VTV, trong nhiều năm liền chấm giải thưởng Phim truyền hình ấn tượng, Diễn viên ấn tượng VTV đồng thời là khán giả trung thành của phim truyền hình Việt nói: "Phim truyền hình nói chung và phim về đề tài tình cảm gia đình những năm gần đây thật sự rất hấp người xem, nội dung gần gũi với diễn xuất nhập vai xuất sắc của nhiều nghệ sĩ".

Quả thật, chúng ta đang có một thế hệ diễn viên tài năng, thực lực và tâm huyết với nghề. Có một NSND Lan Hương (Hương bông) dù rất hiền ngoài đời nhưng trong phim là mẹ chồng ghê gớm, đáng sợ.

Một Hồng Đăng khán giả vốn quen với hình ảnh soái ca vạn người mê, ấy vậy mà hóa Đức "xoăn" trong Thương ngày nắng về  vừa hài vừa nhu nhược cũng làm khán giả "phát điên".

Hay như Lan Phương, NSƯT Thanh Quý diễn xuất tài tình lấy bao nước mắt người xem, khiến công chúng phải "phát cuồng". Những diễn viên trẻ khác như Bảo Thanh, Việt Anh, Mạnh Trường, Phương Oanh, Minh Huyền, Lã Thanh Huyền, Quỳnh Nga… với diễn xuất rất đời, tự nhiên cũng khiến khán giả xúc động thực sự.

Trước vấn đề phản ứng trái chiều của khán giả về phim Việt, cụ thể hiện tại là phim Thương ngày nắng về, nhà báo Trần Mai Anh nói: "Mặc dù tôi cũng có xem và đọc những bình luận khen chê của khán giả trước một số tình tiết trong phim, có những bình luận thậm chí là gay gắt nhưng với tôi đó chính là một phần nhịp đập sự sống của tác phẩm. Khi một bộ phim không để lại ấn tượng gì trong lòng công chúng, không chê mà cũng chẳng khen thì đó sẽ là một bộ phim nhạt nhòa, không mang sức sống."

Ồ ạt mua kịch bản ngoại: Phim Việt ngoại lai nhận ý kiến trái chiều - 2

Nhà văn, biên kịch phim "Bão ngầm" - Đào Trung Hiếu (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Bao giờ mới "hot" phim thuần Việt?

Không phải tới thời điểm này mới có trào lưu Việt hóa từ kịch bản nước ngoài. Trước đó, từ năm 2006 đã có những bộ phim được Việt hóa từ kịch bản nước ngoài như Mùi ngò gai, Cô gái xấu xí, Cầu vồng tình yêu, Người mẫu, Anh em nhà bác sĩ...

Sau này, danh sách dòng phim này được nối dài bằng Ngôi nhà hạnh phúc (chuyển thể từ Full House của Hàn Quốc), Váy hồng tầng 24 (Việt hóa từ Unbeatable 1 của Đài Loan), Những người độc thân vui vẻ (Việt hóa từ kịch bản gốc Trung Quốc).

Gần đây, những bộ phim như Dù gió có thổi, Gia đình là số 1, Hậu duệ mặt trời (chuyển thể từ Hậu duệ mặt trời của Hàn Quốc)... Tuy nhiên, một số bộ phim Việt hóa trước đây không tạo được cơn sốt nào đáng kể. Thậm chí, có những bộ phim đã phải dừng lại giữa chừng vì nhạt, khán giả tẩy chay vì cho rằng không phù hợp với tâm lý, đời sống người Việt.

Ngược lại, những bộ phim về đề tài gia đình được Việt hóa lại khiến khán giả đón nhận và dành không ít lời khen như: Cả một đời ân oán, Sống chung với mẹ chồng, Hương vị tình thân, Thương ngày nắng về… Từ cốt truyện chính, các nhà biên kịch lồng vào đó những câu chuyện của người Việt, suy nghĩ, tính cách của người Việt mới thu hút được khán giả.

Việc Việt hóa phim thực sự là một trào lưu và lựa chọn kịch bản nào để Việt hóa là một việc làm mạo hiểm vì không phải kịch bản nào cũng thành công như mong đợi.

Năm 2019, bộ phim Về nhà đi con lên sóng đã lập tức gây bão và trở thành bộ phim quốc dân về đề tài gia đình. Về nhà đi con được lấy cảm hứng từ Khi người đàn ông góa vợ bật khóc - bộ phim truyền hình do chính VFC sản xuất.

Sự thành công của Về nhà đi conHướng dương ngược nắng có thể thấy với chủ đề quen thuộc như tình cảm gia đình nhưng được kể một cách gần gũi, chân thật sẽ chạm đến trái tim của khán giả mà không cần Việt hóa từ kịch bản phim nước ngoài.

Không thể phủ nhận, việc làm phim remake đã thổi "luồng gió mát" vào thị trường giải trí, mở ra những hướng đi mới cho phim ảnh nước nhà trong lúc "đói" kịch bản nội chất lượng. Thế nhưng, đây không phải hướng đi lâu dài, như lời chia sẻ của nhà văn Đào Trung Hiếu:

"Việc Việt hóa những bộ phim của nước ngoài là cơ hội để chúng ta tiệm cận với những kịch bản hay của nước ngoài, từ đó sáng tạo biến cái của họ thành cái của mình. Đó là sự hợp tác, giao lưu trong một ngành công nghiệp phim ảnh tiên tiến. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức đòi hỏi mỗi người làm phim từ biên kịch đến đạo diễn phải không ngừng nỗ lực cho ra những bộ phim của riêng mình mà vẫn hấp dẫn người xem. Vì dù gì, việc Việt hóa có tài và sáng tạo để phù hợp với văn hóa, tâm lý của người Việt Nam chăng nữa cũng không tránh khỏi những so sánh khập khiễng".

Ồ ạt mua kịch bản ngoại: Phim Việt ngoại lai nhận ý kiến trái chiều - 3

NSND Trung Anh và diễn viên Bảo Thanh trong phim "Về nhà đi con". Bộ phim hoàn toàn không Việt hóa phát sóng năm 2019 từng được xem là bộ phim quốc dân về đề tài gia đình (Ảnh: VFC).

Dưới góc nhìn của một khán giả, nhà báo Trần Mai Anh cũng bày tỏ: "Đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, khán giả - người thưởng thức sẽ đón nhận ở góc nhìn nghệ thuật trước tiên mà chưa quan tâm ngay tới việc tác phẩm đó là chuyển thể từ kịch bản nước ngoài hay thuần Việt.

Nếu việc chuyển thể đó quá tốt, gần gũi với đời sống, được truyền tải xuất sắc từ các diễn viên trong nước thì sự phân định nguồn gốc sẽ gần như không được đặt ra.

Nhưng nói như vậy không đồng nghĩa với việc là người Việt Nam, chúng ta không mong ước các tác phẩm của chính chúng ta lay động trái tim của các khán giả trong nước và được đón nhận, chuyển thể tại các quốc gia khác".

Trong tương lai không xa chúng ta hoàn toàn có thể chờ đón những bộ phim "hot" thuần Việt.

"Cuộc sống là một dòng chảy luôn luôn tiếp nối, nhất là dòng chảy đó lại đang mạnh mẽ trong một thế giới toàn cầu với nhiều biên giới, quốc tịch, văn hóa… được mang lại gần với nhau hơn thì nghệ thuật cũng không nằm ngoài dòng chảy hấp dẫn đó.

Và vì vậy, là một khán giả yêu Việt Nam, tôi hiểu rằng, sẽ rất mau chóng thôi, chúng ta sẽ có thêm nhiều các tác phẩm nghệ thuật đương đại được thế giới đón nhận", nhà báo Trần Mai Anh khẳng định.