NXB Hội Nhà văn hết lùm xùm vì có giám đốc mới?
(Dân trí) - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vừa được bổ nhiệm là giám đốc mới của NXB Hội Nhà Văn.
Giám đốc cũ - nhà văn Trung Trung Đỉnh (tên thật là ông Phạm Trung Đỉnh) đã về hưu gần một năm nhưng vẫn chưa có giám đốc mới thay thế, thời gian qua, NXB Hội Nhà văn thời gian qua có nguy cơ dừng hoạt động vì những “lùm xùm” và thiếu nhân sự chủ chốt, không tìm được người thích hợp cho vị trí giám đốc.
Chuyện chỉ có ở… Hội Nhà văn
Thực hư quanh câu chuyện phải dừng hoạt động vì thiếu giám đốc của NXB Hội Nhà văn đã khiến người trong và ngoài giới xôn xao. Khác hẳn với hầu như tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức khác, chuyện chỉ có thể xảy ra ở … NXB Hội Nhà Văn bởi giám đốc cũ đã chính thức rời khỏi NXB từ ngày 1-10-2016. Nhà văn Trung Trung Đỉnh trước đó từng nhiều lần than thở vì mãi không được về hưu.
Thực ra, trong giai đoạn chuyển tiếp, ông Phạm Quang Đỉnh và ban lãnh đạo NXB Hội Nhà văn cũng có uỷ quyền cho ông Trần Quang Quý - Phó Giám đốc NXB Hội Nhà Văn tạm thời chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của NXB nhưng theo ông Chu Văn Hoà - Cục trưởng Cục Xuất Bản, in và phát hành thì: “Cục đồng ý để ông Trần Quang Quý đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc phụ trách NXB Hội nhà văn là để Hội nhà văn có thời gian hoàn thiện nhân sự chứ thực ra ông Quý đã hết tuổi để bổ nhiệm. Ông Quý không đủ điều kiện để bổ nhiệm giám đốc, theo luật là thế. Bây giờ, nếu chúng tôi đồng ý với đề xuất của Hội nhà văn gia hạn cho ông Quý 3 tháng tiếp theo, chúng tôi sẽ vi phạm luật”.
Theo ông Chu Văn Hoà, việc kéo dài thời gian không chỉ một năm mà còn cả thời gian chuẩn bị trước đó nhưng vẫn chưa kiện toàn được bộ máy lãnh đạo của NXB Hội Nhà Văn chính là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh trầm kha của NXB này khiến cơ quan quản lý cực kỳ đau đầu. “Tính trong khoảng thời gian 3 năm trở lại đây, NXB Hội Nhà Văn có số lần mắc sai phạm nhiều nhất trong tất cả các NXB trong cả nước” - Ông Chu Văn Hoà cho biết.
“Không có người đứng đầu chịu trách nhiệm một cách thực sự thì việc dẫn đến sai phạm là chuyện đương nhiên. Đến giai đoạn này, chữ ký của ông Trần Quang Quý hết hiệu lực thì NXB Hội Nhà Văn tạm thời chưa thể hoạt động đúng chức năng xuất bản của mình" - ông Chu Văn Hoà khẳng định. Và đó chính là nguy cơ phải dừng hoạt động một nhà xuất bản vốn được anh em trong nghề viết gửi gắm nhiều kỳ vọng.
Đã có giám đốc mới
Mới đây, đã chính thức có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Thiều là giám đốc mới của NXB Hội Nhà Văn. Ông Chu Hòa dẫn luật xuất bản: “Về nguyên tắc, Cục không có quyền, chỉ có cơ quan chủ quản mới có quyền đề bạt giám đốc. Nhưng cơ quan chủ quản đề bạt giám đốc phải có sự thỏa thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông và sự thỏa thuận của Ban Tuyên giáo Trung ương. Cho đến ngày hôm nay, các thoả thuận đều đã đạt được và cơ quan chủ quản đã chính thức có văn bản bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Thiều là giám đốc NXB Hội Nhà Văn”.
Trước thông tin về quyết định bổ nhiệm giám đốc mới, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và Phát hành - ông Chu Văn Hoà nhận định: “Là người phụ trách theo dõi ngành, tôi rất vui và tin tưởng vì NXB Hội Nhà Văn đã tìm được một giám đốc có kinh nghiệm, có uy tín. Ông Nguyễn Quang Thiều là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và đã có nhiều năm hoạt động mạnh mẽ trong cả hai lĩnh vực văn chương và báo chí. Ông Thiều cũng là tác giả của nhiều đầu sách hay, được bạn đọc đón nhận. Tôi rất hy vọng sự tiếp quản và lãnh đạo của ông Nguyễn Quang Thiều sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới của cho NXB Hội Nhà văn”.
“Có ý kiến cho rằng không cần thiết giám đốc NXB Hội Nhà văn phải là nhà văn. Tôi nghĩ điều này cũng hợp lý. Nhưng Hội Nhà văn có hơn 1000 hội viên thì việc chọn lựa một nhà văn làm giám đốc lại vô cùng hợp lý và không phải điều khó khăn. Nhưng thực tế có những nhà văn được Ban chấp hành lựa chọn lại không muốn về vì họ đang làm việc ở một nơi có điều kiện tốt hơn NXB Hội Nhà văn nhiều lần. Khi nhận sự phân công của Ban chấp hành là tôi hiểu mình phải đương đầu với nhiều khó khăn và thách thức. Đồng thời công việc kiêm nhiệm mới sẽ “cướp” đi không ít thời gian sáng tác của tôi” - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Đương đầu với khó khăn
Tình hình xuất bản mỗi ngày một khó, NXB Hội Nhà văn lại khó hơn các nhà xuất bản khác bởi chỉ xuất bản sách văn học khi người đọc mua sách văn học ít nhất trong tất cả các loại sách, mà NXB Hội Nhà văn hoạt động theo cơ chế tự thu chi.
Ngành xuất bản Việt Nam vốn dĩ rất khó chữa căn bệnh trầm kha: dối trá về số lượng ấn bản, khai ít hơn số in thật để trốn thuế, bớt xén tiền bản quyền, hoặc ngược lại khai nhiều hơn số in thật để “đánh bóng”, làm sang? Thậm chí in hết năm này qua năm khác nhưng cứ “vô tư” tận dụng tờ giấy phép được cấp một lần cho tất cả những lần sau.
“Lỗi này thuộc về các NXB, các công ty sách và các cá nhân. Tình trạng này chỉ được cải thiện khi chúng ta có một hệ thống giám sát tốt và có một chế tài đủ "quyền lực". Để phát hiện ra những vi phạm xuất bản trên không phải là hoàn hoàn khó. Và khi phát hiện ra những vi phạm đó chúng ta phải "dám" xử lý một cách nghiêm khắc nhất thì tình trạng đó sẽ thay đổi” - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định.
Ông Thiều nói thêm: “Tôi cũng như Ban giám đốc mới và các biên tập viên và các cán bộ của NXB Hội Nhà văn đang nghĩ tới việc chủ động tìm kiếm bản thảo và phục hồi lại việc phát hành những cuốn sách có chất lượng mà lâu nay việc này không được thực hiện. Nhưng đây quả là một việc vô cùng khó trong khi các nhà xuất bản khác đã làm rất tốt và có thương hiệu. Dù vậy, chúng tôi sẽ quyết tâm làm để nếu không làm được thì cũng biết rằng mình có ý thức về điều đó nhưng vì mình bất tài nên không làm được. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tìm cách tuyên truyền những cuốn sách hay của NXB cấp phép hoặc xuất bản tới bạn đọc và đồng nghiệp”.
Có người nói cho dù tài đến đâu cũng khó có thể thay đổi được tình hình yếu kém của NXB Hội Nhà Văn, nhưng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Tôi nghĩ mọi hoàn cảnh đều có một "lối thoát". Chỉ có điều chúng tôi có tìm được "lối thoát" nào không mà thôi”.
Hoà Bình