Nước Đức tôn tạo nhiều nhà máy cũ thành các công trình văn hóa

(Dân trí) - Kiến nghị của nhà báo Trần Đăng Tuấn về việc gìn giữ một phần các xưởng máy Nhà máy Dệt Nam Định đang hút dư luận. Trong bài viết này, tác giả mong muốn đóng góp một số kinh nghiệm của nuớc Đức trong việc gìn giữ các cơ sở công nghiệp trước đây thành các công trình văn hóa.

Việc gìn giữ và tôn tạo các cơ sở công nghiệp vừa nhằm đảm báo sự đa dạng kiến trúc đô thị, vừa đảm bảo sự liên tục về lịch sử trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

***

Bảo tàng công nghiệp Chemnitz được xây dựng tại khu nhà máy của hãng Herman und Escher AG.
Bảo tàng công nghiệp Chemnitz được xây dựng tại khu nhà máy của hãng Herman und Escher AG.

Tây Âu nói chung và nước Đức nói riêng đang chuyển đổi từ một xã hội công nghiệp sang xã hội hậu công nghiệp. Bên cạnh đó, toàn cầu hóa đã bắt buộc nhiều ngành công nghiệp phá sản. Các ngành sản xuất than, thép, công nghiệp nhẹ đã không đủ sức cạnh tranh với giá cả hàng hóa sản xuất tại Đông Âu và Á châu.

Công nghiệp dệt của Đức cũng không tránh khỏi số phận đó. Hai ví dụ điển hình nhất là thành phố Chemnitz ở miền Đông và thành phố Krefeld ở vùng Ruhr, Tây Đức.

Trước khi thống nhất nuớc Đức vào cuối năm 1990 Chemnitz mang tên là Karl-Marx-Stadt (Thành phố Karl-Marx), là trung tâm công nghiệp dệt lớn nhất CHDC Đức với dân số 360.000 người. Ngành dệt ở đây đã có truyền thống từ thế kỷ 17 nhưng chỉ được công nghiêp hóa vào cuối thế kỷ 19.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, chính quyền CHDC Đức đã xây dựng công nghiệp dệt ở đây theo mô hình sản xuất lớn XHCN với những nhà máy liên hợp (Kombinat) khổng lồ, sử dụng hàng chục ngàn công nhân. Sau khi thống nhất nuớc Đức, các cỗ máy sống bằng bao cấp đã không còn chỗ đứng trong nền kinh tế thị trường. Các nhà máy dệt lớn ở đây bị xé nhỏ, đóng cửa hoặc bán rẻ cho tư nhân.

Nhưng rồi làn sóng hàng dệt giá rẻ từ đông Âu và Á châu tràn sang đã khiến tất cả những cố gắng trên đây trở thành vô nghĩa. Toàn bộ nền công nghiệp dệt ở Chemnitz buộc phải chuyển đổi cơ cấu. Đa số công nhân thất nghiệp. Những người có khả năng và quyết tâm được cử đi học các ngành nghề khác trong thời gian hưởng lương thất nghiệp (Umschulung).

Trong những năm chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ 1991 đến 2001, hơn 100 ngàn dân đã bỏ thành phố này ra đi. Chemnitz ngày nay đã trở thành một thành phố công nghiệp hiện đại, trong đó ngành dệt chỉ còn giữ lại những nhà máy chế tạo thiết bị dệt cao cấp.

Tuy nhiên những khu nhà máy dệt khi xưa không hoàn toàn bị phá bỏ. Chính quyền ở đây đã tôn tạo nhiều nhà máy cũ thành các công trình văn hóa. Các công trình này vừa giữ được cảnh quan cổ kính của đô thị, mặt khác chúng chính là cơ sở bảo tàng để các thế hệ sau biết về quá khứ của quê hương.

Hãng dệt Bernhard xây dựng từ năm 1806 nay được tôn tạo lại thành một trung tâm văn hóa.
Hãng dệt Bernhard xây dựng từ năm 1806 nay được tôn tạo lại thành một trung tâm văn hóa.

Một trung tâm công nghiệp dệt thứ hai của Đức cùng chịu số phận là thành phố Krefeld ở vùng Rhein-Ruhr, Tây Đức. Từ thế kỷ 17 Krefeld đã nổi tiếng là thành phố sản xuất lụa, len và cravat ở châu Âu.

Tuy không phải chịu sự chuyển đổi thế chế kinh tế và chính trị như Chemnitz, nhưng ngành dệt Krefeld cũng không thể sống sót nổi trước làn sóng hàng dệt giá rẻ từ phương Đông. (Xin nói thêm là hàng trăm gia đình người Việt ở Krefeld đã phải bỏ nghề trong những năm 90). Bên cạnh toàn bộ các hãng dệt may ở đây đóng cửa, chỉ có một phần mũi nhọn là các cơ sở chế tạo thiết bị máy móc dệt tiếp tục tồn tại phát triển.

Chính quyền Krefeld tất nhiên không chấp nhận để cho các dấu ấn lịch sử thành phố biến mất cùng với sự ra đi của nền công nghiệp dệt may.

Từ kinh nghiệm của hai thành phố châu Âu này, chính quyền thành phố Nam Định nên dành những không gian thích đáng từ các khu công nghiêp cũ để biến các khu này thành các di tích lịch sử và văn hóa, gợi nhớ một ngành nghề và hàng chục ngàn người đã gắn bó với nó hơn một trăm năm qua.

Hãng Jansen-Fabrik nay được cải tạo thành một nhà lưu niệm công nghiệp.
Hãng Jansen-Fabrik nay được cải tạo thành một nhà lưu niệm công nghiệp.


Nhà bảo tàng công nghiêp dệt Đức tại Krefeld (Deutsches Textilmuseum) trong khu nhà của một hãng dệt may cũ. Bảo tàng trưng bày 30.000 hiện vật và mẫu vải, lụa từ thời cổ đại đến nay.

Nhà bảo tàng công nghiêp dệt Đức tại Krefeld (Deutsches Textilmuseum) trong khu nhà của một hãng dệt may cũ. Bảo tàng trưng bày 30.000 hiện vật và mẫu vải, lụa từ thời cổ đại đến nay.

Cỗ máy dệt từ 1902 được trưng bày trong viện bảo tàng công nghiệp Chemnitz.
Cỗ máy dệt từ 1902 được trưng bày trong viện bảo tàng công nghiệp Chemnitz.

Những phố cổ của dân dệt lụa Krefeld từ thế kỷ 17-18 cũng được giữ nguyên, kể cả cột đèn đường.
Những phố cổ của dân dệt lụa Krefeld từ thế kỷ 17-18 cũng được giữ nguyên, kể cả cột đèn đường.

Nguyễn Xuân Thọ

Từ Cologne CHLB Đức