“Xoá bỏ hoàn toàn nhà máy dệt Nam Định là một sai lầm rất lớn”

(Dân trí) - Việc tỉnh Nam Định chủ trương phá bỏ nhà máy dệt Nam Định để xây dựng một khu đô thị dệt may mới đang gây nên nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, nếu xoá bỏ hoàn toàn Nhà máy Dệt là một sai lầm rất lớn.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi thì tôi ủng hộ quan điểm của nhà báo Trần Đăng Tuấn trong việc nên giữ lại một phần của nhà máy dệt Nam Định bởi nó tiêu biểu cho nền công nghiệp ở miền Bắc nước ta.

Bài học của cảng Ba Son ở TP. Hồ Chí Minh chúng ta đã phải nhận thức rồi. Hiện nay tôi thấy lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng rất ủng hộ việc giữ lại cột ống khói rất đặc trưng của nhà máy Kẽm ở Quảng Yên. Nam Định từ thời xưa đã nổi danh là “thành phố dệt” rồi. Đặc biệt, đây là một trong những cái nôi quan trọng của phong trào công nhân. Tôi nghĩ rằng, lãnh đạo tỉnh nên nghĩ đến việc giữ lại một không gian nào đó để làm bảo tàng và kết hợp phát triển du lịch. Nếu xoá bỏ hoàn toàn nhà máy Dệt, tôi nghĩ đó là một sai lầm rất lớn.

“Xoá bỏ hoàn toàn nhà máy dệt Nam Định là một sai lầm rất lớn” - 1
Một góc của nhà máy Dệt - Nam Định. Ảnh: Nguyên Minh.

Việc giữ lại phần nào của nhà máy Dệt và giữ lại như thế nào là việc của các nhà chuyên môn về bảo tồn, về quy hoạch… Lựa chọn di tích nào là tiêu biểu nhất giữ lại để làm sao có thể tận dụng được những giá trị của không gian ấy cho sự phát triển của chung của tỉnh. Chúng ta phải luôn luôn đáp ứng cả hai yêu cầu, bảo tồn và phát triển. Chúng ta không nên nghiêng quá về phía nào, nhất là việc xoá bỏ toàn bộ.

Tôi biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang thúc đẩy việc xây dựng bảo tàng Giai cấp công nhân Việt Nam thì chúng ta có thể coi không gian giữ lại ở nhà máy Dệt là một chi nhánh.

Ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL: Tôi rất bức xúc xen lẫn tiếc nuối khi nghe tin có chủ trương phá bỏ hoàn toàn nhà máy Dệt - Nam Định. Chúng ta nên nhớ, nhà máy Dệt từng là biểu tượng một thời của đất Thành Nam. Việc phá đi bây giờ rất dễ, việc giữ lại và biến nó thành di sản nhiều giá trị hơn mới khó.

Tôi còn nhớ, có một lần được mời vào Cần Thơ để dự một cuộc họp về du lịch đúng vào dịp cả tỉnh đang xôn xao chuyện phá hay giữ trường PTTH Châu Văn Liêm. Tôi có nói rằng, chúng ta làm du lịch mà lại phá bỏ đi tiềm năng du lịch như thế là quá phí phạm. Ngôi trường này đã có tuổi đời hơn 100 năm tuổi, là nét kiến trúc độc đáo hiếm có của đất Ninh Kiều, Cần Thơ. Nếu phá đi sẽ không bao giờ có lại được một ngôi trường đẹp và đặc biệt như thế nữa. Và rất may là sau đó lãnh đạo tỉnh đã quyết định trùng tu để giữ lại ngôi trường này.

Việc phá bỏ nhà máy Dệt đang được tiến hành. Ảnh: TL.
Việc phá bỏ nhà máy Dệt đang được tiến hành. Ảnh: TL.

Chúng ta đã từng có một bài học rất thực tế về trường hợp của Hoả Lò (Hà Nội). Bây giờ Hoả Lò quanh năm đón không biết bao nhiêu là khách du lịch tới và thông qua đó để cho họ thấy một Việt Nam trong quá khứ.

Bây giờ lại đến lượt nhà máy Dệt - Nam Định, một nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương. Tất nhiên, chúng ta có thể không giữ lại được toàn bộ nhưng trong nhà máy có những góc không gian hết sức tiêu biểu mà việc phá bỏ đi là hoàn toàn phí phạm. Những góc không gian đó giữ lại và biến nó thành một bảo tàng tiêu biểu cho một thời kỳ lịch sử gắn liền với giai cấp công nhân để giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần cách mạng của cha ông, đồng thời cũng là địa điểm có thể khai thác về du lịch rất tốt. Tôi nghĩ, lãnh đạo tỉnh nên cân nhắc việc này thật kỹ và nghĩ nhiều hơn đến việc giữ gìn lại một cái gì đó cho đời sau.

Tất cả những gì là bất công, tàn bạo, đau thương… thậm chí mê tin dị đoan của chế độ cũ là “hoá đơn nợ” của thực tại và tương lai, GS Trần Lâm Biền nói. Ảnh: Trần Vũ Long.
"Tất cả những gì là bất công, tàn bạo, đau thương… thậm chí mê tin dị đoan của chế độ cũ là “hoá đơn nợ” của thực tại và tương lai", GS Trần Lâm Biền nói. Ảnh: Trần Vũ Long.

GS Trần Lâm Biền: Ở gốc độ nào đó cũng có thể coi nhà máy Dệt - Nam Định là một di sản văn hoá. Cho nên, trường hợp Hoả Lò xử lý như thế nào thì nhà máy Dệt nên xử lý như thế ấy. Việc giữ lại một phần nào đó của nhà máy Dệt là để lại một dấu ấn, đánh dấu một thời kỳ đất nước chúng ta bước vào công nghiệp dưới thời thuộc địa. Nơi đây đã đánh dấu biết bao nhiêu sự bất công của chế độ thực dân nửa phong kiến. Tất cả những gì là bất công, tàn bạo, đau thương… thậm chí mê tín dị đoan của chế độ cũ là “hoá đơn nợ” của thực tại và tương lai. Nếu chúng ta xoá bỏ đi tất cả là tự chúng ta xoá nợ cho các chế độ cũ, không còn có cái gì để chứng minh sự đi lên của xã hội ngày nay và mai sau. Cho nên, nhiều khi giữ lại một phần của quá khứ còn mang ý nghĩa giáo dục rất lớn.

Chẳng hạn như Hoả Lò, muốn lấy nó làm khách sạn hay làm gì đi chăng nữa thì một phận của Hoả Lò phải được giữ lại để làm chỗ trưng bày về hiện vật như một “hoá đơn nợ” của chế độ thực dân đối với chúng ta. Và giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần yêu nước.

Giữ lại một phần nhà máy Dệt - Nam Định là để chứng minh sự bóc lột của chế độ thuộc địa và khẳng định sự phát triển của thực tại, tương lai. Chúng ta nói thời đại mới phát triển hơn thì phải có cái để so sánh chứ.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm