NTK Minh Hạnh tiết lộ chất liệu Việt quý hiếm cho thời trang cao cấp

(Dân trí) - “Zèng là một chất liệu quý hiếm cho thời trang cao cấp. Zèng đã xuất ngoại nhiều lần và Zèng sẽ tiếp tục đến với nước Nga vào tháng 6, vào Nhật tháng 9 và tháng 10, Zèng sẽ xuất hiện tại WIPO, Đại hội đồng sở hữu trí tuệ thế giới tại Genève, Thuỵ Sỹ”, NTK tiết lộ.

Những ngày này tại A Lưới - một huyện nằm sâu trong rừng núi biên giới Việt Lào bỗng nhiên rộn rã tưng bừng. Đó chính là không khí của cuộc giao lưu văn hoá 6 tỉnh biên giới Việt - Lào. Đến đây mới cảm nhận được tình hữu nghị sâu sắc của những người Việt và Lào sống tại vùng đồi núi phía Tây của Thừa Thiên - Huế.

Trong cuộc giao lưu văn hoá này một trong những hoạt động chính là thổ cẩm Zèng đã tạo ra được sự thu hút, quan tâm của bạn bè quốc tế. NTK Minh Hạnh đã có những chia sẻ về sự kiện này.

NTK Minh Hạnh tiết lộ chất liệu Việt quý hiếm cho thời trang cao cấp - 1

NTK Minh Hạnh đang trao đổi với các thợ dệt Zèng.
 

Tại sao NTK lại chọn Zèng là cảm hứng chính cho sự kiện?

Nếu đã chọn thổ cẩm làm chất liệu chính cho phong cách thì Zèng là một dấu cộng. Với những điều độc đáo, sẽ là một thiệt thòi lớn khi bỏ sót Zèng trong những bộ sưu tập thời trang cao cấp.

Vậy sự độc đáo của Zèng nằm ở đâu?

Zèng là một chất liệu quý hiếm và mặc định cho thời trang cao cấp. Sự độc đáo nằm trong kỹ thuật dệt cườm và tâm trạng của người dân tộc Tà Ôi. Có một sức sống mãnh liệt trong màu sắc hoa văn mang tính thời đại. Sự mạnh mẽ của những con người sống và chiến đấu với thiên tai và sự khắc nghiệt của khí hậu vùng cao biên giới Việt Lào.

Sự mềm mại của những tâm hồn hiền hậu. Sự tự trọng của lòng tự hào dân tộc thể hiện sâu sắc trong Zèng. Vậy khi đưa Zèng vào các bộ sưu tập, nhà thiết kế đã có trọn vẹn tinh thần của một dân tộc.

NTK Minh Hạnh tiết lộ chất liệu Việt quý hiếm cho thời trang cao cấp - 2

Chị Hồ Thị Hợp - nghệ nhân ưu tú cùng các thợ dệt Zèng A Lưới.

Chị đã bao nhiêu lần đưa Zèng vào các BST thời trang?

Không chỉ một mình tôi mà rất nhiều nhà thiết kế đã xem Zèng như một dấu ấn trong BST của mình. Đáng nói là các NTK của Huế đã xem Zèng như một cách gửi gắm tình yêu quê hương của mình vào BST. Zèng là một biểu trưng riêng biệt của A Lưới và của Huế.

Vậy trong tương lai chị và các NTK có kế hoạch nào cho Zèng?

Câu chuyện của chúng tôi - các NTK - là không ngừng sáng tạo trên chất liệu Zèng, đưa Zèng trở thành một sản phẩm thời trang tiêu dùng phổ biến nhiều hơn nữa trong đời sống. Zèng đã xuất ngoại nhiều lần và Zèng sẽ tiếp tục đến với nước Nga vào tháng 6, vào Nhật tháng 9 và tháng 10, Zèng sẽ xuất hiện tại WIPO, Đại hội đồng sở hữu trí tuệ thế giới tại Genève, Thuỵ Sỹ.

NTK Minh Hạnh tiết lộ chất liệu Việt quý hiếm cho thời trang cao cấp - 3

Điều tôi muốn nói là Zèng cũng như tất cả chất liệu truyền thống dệt bằng tay của Việt Nam cần được phát triển có chiến lược. Các NTK chỉ là một phần trong mắt xích của chiến lược này.

Một chiến lược cần có đủ tấm lòng ấm áp và trái tim đủ máu để thực thi. Một trong những điều kiện để Zèng phát triển là phải xoá đi những mệnh lệnh hành chính mang tính xơ cứng mà hãy cùng với người Tà Ôi cùng sức mạnh của núi rừng để Zèng đi vào đời sống thực tế.

PV