NSƯT Vũ Dậu: Một ký ức, một Hà Nội
Là nghệ sĩ nổi tiếng với những bài hát cách mạng: "Cô gái mở đường", "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn", "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", "Những ánh sao đêm", "Đêm nay anh ở đâu" … Vũ Dậu được biết tới là nữ ca sĩ có nhan sắc yêu kiều lộng lẫy ở thời tuổi trẻ và là một trong những giọng ca nhạc nhẹ đầu tiên tại miền Bắc vào thập niên 1970, 1980 của thế kỷ trước.
Tôi đến nhà bà vào dịp gần Tết, những ngày mưa gió sụt sùi mà người miền Bắc lại cứ mong mỏi. Mưa xuân là báo hiệu xuân đã về. Bấm chuông, bà ra mở cửa. Tuy thời gian là kẻ thù của sắc đẹp nhưng ở bà vẫn lưu dấu thanh tao, trang nhã. Cái lịch lãm của người Hà Nội, dẫu có là thời gian cũng chẳng dễ gì phai nhạt đi được. Gia đình bà nhiều đời ở Hà Nội. Bà là con gái của gia đình tiểu thương, cha là chủ hãng buôn ngũ cốc.
Ngồi giữa ngôi nhà 5 tầng rộng rãi, bà bảo: "Nhà thì to nhưng chỉ có hai ông bà già ở thôi. Châu (Nhạc sĩ Ngọc Châu) vào Sài Gòn làm việc cho Đài truyền hình 4, 5 năm nay rồi. Khánh Linh (Ca sĩ Khánh Linh) thì ở nhà chồng bên Sài Đồng, thi thoảng mới về thăm bố mẹ".
Dừng lại một chút bà nói tiếp: "Nhà to nhưng xây được hơn 20 năm rồi nay thành nhà cũ. Bây giờ người ta thích nhà đẹp chứ không cần nhà to". Theo bà lên tầng hai nơi gian phòng khách, trước bàn trà là hai ban thờ Phật tôn nghiêm. Liếc qua tôi thấy yên vị có cả Phật Chuẩn Đề, Phật A Di Đà, Phật Quan Thế Âm Bồ Tát…
Tiếng tụng kinh từ một chiếc đài con con vẳng ra ấm cúng. Hẳn bà là một phật tử mộ đạo. Bà kể Khánh Linh đi biểu diễn nước ngoài thấy có tượng đẹp nên mua về cho mẹ. Còn bản thân bà tìm đến với đạo Phật từ rất lâu, từ những năm 1980 nhưng để trở thành một Phật tử thật sự thì cũng đã hơn chục năm nay.
Bà theo trường phái phép tu Tịnh Độ Tông. Hằng ngày bà vẫn dành thời gian để niệm danh hiệu Đức Bổn sư A Di Đà, đọc kinh nhật tụng… tìm hiểu về thế giới triết học và tâm linh. Bà là người tin vào luật nhân quả, ác giả ác báo, hành thiện tích thiện, làm ác gặp ác. Bà tin vào cứu cánh, giải thoát và giác ngộ. Bà đến với đạo Phật để làm nơi nương náu, giãi bày và tìm sự an lạc nơi tâm hồn.
Bà bảo: "Mình cố gắng tu tập để làm sao mình có một chữ "Nhẫn". Cái quý giá nhất của con người là phải vượt qua được chính mình. Làm sao phải không phẫn nộ khi người ta sỉ nhục, khi tức với ai phải biết kìm chế. Ngã rồi phải tự đứng dậy, phải dựa vào chính mình để sống". Bà có thể ngồi hàng giờ say sưa về triết lí trong đạo Phật. Ở trong bà vẫn còn nhiều niềm say mê, hứng thú, đó là những bộ phim tâm lí tình cảm sâu sắc, những câu chuyện thời sự trong nước, quốc tế; sức quyến rũ của văn chương và thi ca. Có những cuốn sách bà bảo đã đọc đi đọc lại cả chục lần không biết chán và đến nay vẫn còn đọc. Đó là tác phẩm cổ điển thế giới: "Tiếng chim hót trong bụi mận gai", "Những người khốn khổ"… Những người yêu sách thì thường luôn mơ mộng, đa cảm, hẳn là bà không ngoại lệ.
Bên ngoài khung cửa sổ, mưa bụi vẫn bay, giăng đầy trời, những câu chuyện thời thơ ấu chầm chậm quay về. NSƯT Vũ Dậu là con thứ 3 trong gia đình có 6 anh chị em. Nhà bà trước ở phố Trần Nhật Duật, gần với rạp Lạc Việt, Kim Phụng, Chuông Vàng thời xưa. Cha mẹ đều làm ngành thương nghiệp nhưng cha bà lại đặc biệt yêu văn nghệ. Ông thường dành riêng một số tiền để mua vé vào rạp cho các con xem những tích tuồng, chèo, cải lương được diễn vào ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần.
Mấy chị em có tấm vé tháng nhưng vẫn thích xem nữa nên rủ nhau buổi chiều 2 giờ bách bộ đến rạp. Bọn trẻ vét đến cạn kiệt cả tiền trong túi đủ để mua vé đứng. Những vở diễn được xem đi xem lại đến thuộc lòng, đám trẻ về nhà ríu rít diễn lại tích trò như một kiểu chơi của con trẻ. Những lúc như vậy cha mẹ bà lại lặng nhìn ngắm lũ trẻ và trong nhà tràn ngập tiếng cười.
Năm 1960, Vũ Dậu vừa tròn 15 tuổi, chuẩn bị thi lên cấp III. Một cô bé con tính khí nhút nhát nhưng do sự say mê với âm nhạc quá lớn mà lại trở nên bạo dạn vô cùng. Cô trốn bố mẹ đến thi tuyển ở Đài Phát thanh Hà Nội, Đoàn Tổng cục chính trị, Đoàn ca múa Trung ương. Và cô gái bé nhỏ đã trúng luôn cả ba nơi tuyển chọn thi hát. Nhưng đến khi xét lí lịch con nhà tư sản nên mặc dù rất tiếc vì cô bé có giọng hát hay nhưng Đài Phát thanh và Đoàn Tổng cục chính trị từ chối.
Ở Đoàn ca múa Trung ương, người ta không quá khắt khe chuyện lí lịch. Người trực tiếp tuyển cô lúc đó là nhạc sĩ Chu Minh và NSND Trần Hiếu. Cô bé vừa vui sướng, vừa lo sợ về thưa với cha mẹ. Cha cô là một người tin vào số phận, ông có một lòng tin tuyệt đối vào môn khoa học tử vi, nên cả 6 người con của ông sau một thời gian cất tiếng khóc chào đời, ông đều lấy lá số tử vi cho mỗi người. Riêng cô con gái Vũ Dậu đã được dự báo, sau này nổi tiếng bằng nghề ca hát. Đến khi cô con gái cưng thẽ thọt tâm sự cùng với bố, thì bố cô ngay lập tức chấp nhận.
NSƯT Vũ Dậu và ca sĩ Khánh Linh trình diễn ca khúc “Những ánh sao đêm”.
Bà vẫn nhớ như in thuở ngày xưa ấy, hai cha con đi bộ từ nhà đến khu tàu điện Bờ Hồ để đến Cầu Giấy là sân ga cuối cùng. Tàu điện đỗ lại, hai cha con đi bộ từ Cầu Giấy vào khu văn công làm thủ tục nhập học. Đến nơi, con thì bỡ ngỡ, còn cha thì hồi hộp cứ như thể không phải con gái mà là chính mình lên nhập học.
Sau phút trấn an, cha cô đưa cô lên gặp ông Bí thư chi bộ của Đoàn, tại đây cô được đọc một loạt nội quy. Nội quy được viết dài, với một cô bé con thì nó ngồ ngộ, trong đó có đoạn trong thời gian học thì cấm không được yêu. Sau khi nghe ông Bí thư chi bộ Đoàn nói về điều luật, cha cô lại đưa con gái làm thủ tục nhận phòng, nhận giường. Xong xuôi đâu đấy ông đưa cho con gái 5 đồng bạc để ăn quà sáng rồi căn dặn: "Con ở đây với các anh các chị cố gắng học hành cho tốt, cuối tuần con về nhà với bố mẹ và anh chị em…". Cô bé tiễn cha ra về, nhìn khi bóng của ông mờ dần rồi khuất hẳn.
Đó là lần đầu tiên cô xa nhà. Ở tập thể, cuộc sống sinh hoạt ở đoàn ca múa TW cứ như một trại lính, tiếng kẻng đi ăn cơm, kẻng sáng dậy luyện tập… Năm 1965, Mỹ đánh phá miền Bắc, cô bé ngày nào giờ đã là thiếu nữ, hai mươi tuổi được Đoàn Ca múa nhạc Trung Ương phân công đi hát vào chiến trường Quảng Bình, Vĩnh Linh cùng các đồng nghiệp khác. Hai mươi người ngồi trên một chiếc xe thùng, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc làm trưởng đoàn. Trên chuyến xe đầu tiên ấy còn có nghệ sĩ múa, NSND Chu Thúy Quỳnh.
NSƯT Vũ Dậu và chồng - Nghệ sĩ đàn bầu Phạm Ngọc Hướng.
Mọi người hay hát những bài hát của nhạc sĩ Xuân Giao, nhạc sĩ Đức Minh… Bà nhớ lại lần đầu tiên một cô tiểu thư Hà Nội đến vùng chiến tuyến ác liệt, rừng Cù Bạc, Vĩnh Linh, nơi ấy có đồng bào thiểu số Vân Kiều sinh sống. Cứ tờ mờ sáng, cả đoàn đã hành quân trong rừng, mưa ướt nhớp nháp, đường rừng trơn trượt, đến tối biểu diễn ngay trong rừng. Máy bay phản lực chốc chốc lại bay ù ù trên đầu. Mỗi lần nghe tiếng máy bay, mọi người mau chóng tắt cây đèn măng xông. Những nghệ sĩ biểu diễn trên một sân khấu là một ụ đất bằng, các chiến sĩ bộ đội ngồi xung quanh sân khấu, hoặc nếu không đủ chỗ thì các anh trèo cả lên cây để xem và nghe hát.
Nghệ sĩ biểu diễn hát vo, hoàn toàn không có micro và nhạc đệm, chỉ một cây đàn Acordion. Lúc đơn ca, khi song ca, hoặc tốp ca. Lắm khi hành quân tới 1 giờ đêm mới bắt đầu biểu diễn. Bà nhớ lại: "Chiến tranh thì không biết thế nào, cuộc sống mong manh nay sống mai chết mà chẳng ai sợ cả. Mọi người rất hồn nhiên, trong trẻo. Tiếng hát khi ấy được cất lên trong sự tươi trẻ của cả một lớp người và cả một dân tộc. Chính trong nguy nan thì tình yêu đất nước và lòng tự hào về dân tộc càng được nhân lên. Mọi người hát trong tiếng cười và lắm khi là cả những giọt nước mắt…" Đó là chuyến đi xa đầu đời và cũng là duy nhất vào miền Trung trong những năm tháng chiến tranh của NSƯT Vũ Dậu.
Mỹ đánh phá miền Bắc, Đoàn Ca múa nhạc Trung ương cử một đoàn ca nhạc riêng để chi viện cho chiến trường miền Nam, còn nhiều đoàn tỏa đi miền Bắc. Trong chiến tranh ác liệt, Đoàn ca múa cũng đã có những nghệ sĩ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Những tiếng hát mãi mãi gửi lại nơi cánh rừng Trường Sơn năm ấy. Nghệ sĩ Phương Thảo hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Mỗi lần nghe có nghệ sĩ trong Đoàn hy sinh là mọi người cảm thấy như thắt lại một tình yêu, tình thân với đồng chí, đồng đội. Chẳng ai bảo ai nhưng họ thấy cần phải sống trách nhiệm hơn, cống hiến hơn, say mê hơn.
Ngoài số nghệ sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam, đoàn chia ra nhiều nhóm để biểu diễn ở khu vực miền Bắc. Vũ Dậu trong số các nghệ sĩ trong Đoàn đi lên các tỉnh phía Bắc. Những bước chân của người lính nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng lại lên đường mang tiếng hát để tiếp thêm nguồn sức mạnh, là một động lực tinh thần vô giá đối chọi với chiến sự ác liệt đang diễn ra. Năm 1973, Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở miền Bắc, Vũ Dậu được đoàn cử đi Paris phục vụ Hội nghị. Đoàn không chỉ biểu diễn ở thành phố hoa lệ, nơi kinh đô của thế giới mà còn đi lưu diễn 6 tháng liền ở Algeria, Mông Cổ, Liên Xô, Trung Quốc…
Nữ nghệ sĩ nhớ lại, khi các nghệ sĩ đặt chân đến Ý, biểu diễn ở Nhà hát Opera to hơn cả Nhà hát Lớn Hà Nội, họ mặc trang phục truyền thống áo dài dân tộc, hay khăn rằn áo bà ba, biểu diễn giới thiệu về đất nước Việt Nam, để bạn bè năm châu hiểu ở đó không chỉ có chiến tranh mà còn có nền văn hóa lâu đời, đậm đà lắm. Nhà hát Opera ở Ý 5 tầng, khán giả đến xem đoàn Việt Nam biểu diễn tự động quyên tiền để gửi tặng đất nước còn đang khó khăn… Những người Đảng cộng sản Ý yêu đất nước và con người Việt Nam, và họ biết đất nước này và những con người nơi hình chữ S đã rất anh dũng trong chiến đấu…
Giờ thì đã qua 40 năm thống nhất đất nước, thời gian thấm thoát dần trôi và những kỷ niệm nay đã thành quá khứ. Kí ức khi xưa cứ ùa đến, len lỏi mãi không thôi, mà kì lạ thay lại thường hay nhớ quay quắt vào những ngày giáp Tết như hôm nay. Đó là một tuổi thơ đầy mơ mộng của một tiểu thư Hà Nội. Những ngày tháng thơ bé nơi phố cổ ngọt ngào hương hoa sữa, hay những đêm hè ríu rít râm ran mấy đứa trẻ cùng nhau diễn lại những tích trò. Những đêm đông lạnh, ông bố sau khi cho bọn trẻ đi xem ở rạp Chuông Vàng, Lạc Việt, Kim Phụng lại dẫn đi ăn phở. Những con phố ở Hà Nội khi đó yên tĩnh, lắng đọng. Hà Nội trầm mặc, hấp dẫn bởi tiếng rao lảnh lót của những người bán hàng trong đêm.
Nghệ sĩ Vũ Dậu đến bên bàn lấy quyển sổ dở trang nhật kí, đọc cho tôi nghe bài thơ bà viết: "Phố cổ tôi về phố cổ ơi/ Nơi tôi đã sống thủa thiếu thời/ Tôi về nhớ lại ngày xưa ấy/ Còn lại được gì phố cổ ơi/ Phố cổ ngày xưa tôi đã sống/ Bên mẹ cha cùng chị em mình/ Ngày nào xem hát đêm đông lạnh/ Những ngày xuân đến pháo râm ran/ Xúng xính áo hoa giầy dép mới/ Ríu rít theo cha mẹ lên chùa…".
Kí ức xưa cũ ùa về. Những mảnh đọng của thời gian, ngoài trời mưa bụi lất phất bay, ngọt ngào như lời thì thầm của mùa xuân đang vẫy gọi.
Theo Trần Mỹ Hiền
Công An Nhân Dân