NSƯT Thu Hà gây xúc động với hình ảnh người mẹ Hà Nội thời chiến

(Dân trí) - Tối qua (1/10), Nhà hát Kịch Hà Nội đã công diễn vở “Ngôi nhà trong thành phố” khai mạc Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ VIII, hướng tới kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng Thủ đô.

“Ngôi nhà trong thành phố” của cố tác giả Xuân Trình, một trong số những nhà viết kịch tiêu biểu của nền Kịch nói Việt Nam hiện đại. Vở diễn lấy bối cảnh giai đoạn 1968 - 1970, khi đế quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam.

Bà giáo (NSƯT Thu Hà) tiễn Phước - con trai thứ hai lên đường nhập ngũ trong khi con trai cả chiến đấu ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) vẫn bặt vô âm tín. Để có thể được chọn vào chiến trường, Phước đã phải viết đơn xin nhập ngũ bằng máu.

Hình ảnh xúc động khi bà giáo (NSƯT Thu Hà) tiễn con trai lên đường đi huấn luyện để chuẩn bị vào chiến trường.
Hình ảnh xúc động khi bà giáo (NSƯT Thu Hà) tiễn con trai lên đường đi huấn luyện để chuẩn bị vào chiến trường.

Việc Phước vào mặt trận đã trở thành niềm tự hào của gia đình, nhà trường và khu phố nhưng lại khiến cho bạn gái là ca sĩ Thúy Hà cảm thấy lẻ loi trong thành phố và Nhâm - cô bạn thân thời thơ ấu ôm mối tình đơn phương với anh trong vô vọng.

Tác phẩm tái hiện không khí náo nức của lớp lớp thanh niên ra mặt trận qua cảnh các tân binh tập trung lên đường. Trong khi người nhà bịn rịn, xót xa, cố đạp xe vòng ra ngã tư để nhìn con lần cuối, những người ra trận thể hiện tinh thần hào hứng, lạc quan.

NSƯT Thu Hà gây xúc động với hình ảnh người mẹ Hà Nội thời chiến - 2
Phía sau tiếng cười trong bữa cơm tiễn người con trai ra chiến trường là những giây phút bịn rịn.
Phía sau tiếng cười trong bữa cơm tiễn người con trai ra chiến trường là những giây phút bịn rịn.

Vở kịch gây xúc động khi gợi nhớ những tháng ngày Hà Nội bị Mỹ ném bom phá hoại. Phân xưởng của Nhâm có nhiều công nhân thiệt mạng, các gia đình phải kéo nhau đi sơ tán. Nhiều thanh niên quyết ở lại để “sống còn” cùng thủ đô. Các hộ dân đồng loạt sơn đen ngôi nhà của họ để đánh lạc hướng không quân Mỹ, tình nguyện “chia bom” với các địa điểm trọng yếu.

“Vở diễn như một bài thơ nhẹ nhàng, lãng mạn về những con người Hà Nội trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt. Bom đạn chiến tranh có thể tàn phá nhà cửa, có thể cướp đi sinh mạng con người bất cứ lúc nào, nhưng người Hà Nội vẫn sống lạc quan, kiên cường và lịch lãm. “Hà Nội nổ súng nhưng Hà Nội vẫn nở hoa, hoa nở ngay nách hầm” (Trích tùy bút “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” - Nhà văn Nguyễn Tuân)”, NSND Trung Hiếu - GĐ Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ.

NSƯT Thu Hà gây xúc động với hình ảnh người mẹ Hà Nội thời chiến - 4
Những khoảnh khắc lãng mạn của thanh niên Hà Thành thời chiến.
Những khoảnh khắc lãng mạn của thanh niên Hà Thành thời chiến.

Vở kịch có sự tham gia của: NSƯT Thu Hà, NS Phú Thăng, NS Hoàng Sơn, Thanh Hương, Mạnh Hưng, Ngọc Quỳnh, Thúy An, Thiện Tùng, Diễm Hương, Việt Dũng, Xuân Tùng, Mạnh Cường, Xuân Hồng, Điền Viên, Tiến Mạnh, Tiến Huy…

NSƯT Thu Hà với vai bà giáo đã khắc họa thành công hình ảnh người phụ nữ Hà Nội xưa với vẻ dịu dàng, thanh lịch, nhẹ nhàng... Bà không chỉ yêu thương các con của mình mà rất quan tâm đến những người hàng xóm và bạn bè của con. Đặc biệt, vai bà giáo của NSƯT Thu Hà cũng đã góp phần tái hiện lại tinh thần sẵn sàng hy sinh mọi thứ để giữ bảo vệ bầu trời Hà Nội trước sự đánh phá tàn khốc của đế quốc Mỹ.

Mỗi nhân vật của vở kịch khắc họa trọn vẹn bức tranh Hà Nội những năm bom đạn. Đó là cô công nhân Nhâm cần cù, vừa hăng say sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thủ đô.

Ông tổ trưởng dân phố nói nhiều, tốt bụng, luôn sẵn sàng tuyên truyền đường lối, chính sách của đất nước mọi lúc, mọi nơi.

NSƯT Thu Hà gây xúc động với hình ảnh người mẹ Hà Nội thời chiến - 6
Mỗi một cảnh diễn trong vở kịch đều mang lại những cảm xúc cho người xem.
Mỗi một cảnh diễn trong vở kịch đều mang lại những cảm xúc cho người xem.

Cô ca sĩ Thúy Hà quen sống trong nhung lụa nhưng cuối cùng vẫn lên đường ra chiến trường phục vụ bộ đội. Vở kịch còn tái hiện không khí rộn ràng của thời bao cấp qua việc đặt gạch mua cơm, xếp hàng mua vé xe...

Sau vở kịch này, Liên hoan Sân khấu Thủ đô sẽ tiếp tục với hàng loạt vở diễn như: “Thế sự” (Nhà hát Kịch Việt Nam); “Tôi đẹp… Tôi có quyền” (Nhà hát Tuổi trẻ); “Mùa hoa sữa”(Nhà hát Kịch Quân đội); “Bão của hoàng hôn” (Đoàn kịch Công an Nhân dân); “Đen trắng vòng đời” (Nhà hát Cải lương Hà Nội); “Lý triều dựng nghiệp” (Nhà hát Cải Lương Việt Nam); “Cô Son” (Nhà hát Chèo Hà Nội); “Thị Hến” (Nhà hát Chèo Việt Nam) và “Không có hoa hồng” (Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu).

Hà Tùng Long