NSƯT Thanh Ngoan: “Có lúc tôi như đứng giữa ngã ba đường, không biết lối nào mà đi”

(Dân trí) - “Có những lúc tôi “lên bờ xuống ruộng”. Có những lúc như đứng giữa ngã ba đường, không biết lối nào mà đi. Vinh quang cũng nhiều mà cay đắng cũng lắm”, NSƯT Thanh Ngoan chia sẻ.

Người ta gọi chị là Ngoan “chèo” vì chị quá yêu, quá hiểu và sống chết với chèo… nhưng từ ngày lên làm quản lý chị không tham gia biểu diễn nhiều nữa. Chị có nghĩ mình đã không còn được sống đúng là mình nữa?

Tôi chưa bao giờ không sống đúng với tôi cả. Tất nhiên, giữa vai trò quản lý với vai trò làm nghệ thuật thuần túy có sự khác biệt nhưng tôi quản lý ở tầm thấp chứ chưa phải ở tầm cao nên chưa mức không còn được làm nghề.

Trước đây tôi làm nghệ sĩ biểu diễn thì sẽ có nhiều cơ hội được đứng trên sân khấu hơn hoặc được biểu diễn ở nhiều nơi hơn. Nhưng từ khi lên làm Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam tôi vẫn trực tiếp làm việc với những người làm nghệ thuật.

Nghệ sĩ Thanh Ngoan thừa nhận, dù làm quản lý nhưng chị vẫn chưa bao giờ hết thăng hoa khi bước lên sân khấu.
Nghệ sĩ Thanh Ngoan thừa nhận, dù làm quản lý nhưng chị vẫn chưa bao giờ hết thăng hoa khi bước lên sân khấu.

Nghĩa là tôi trực tiếp đạo diễn, dàn dựng, chỉ đạo nghệ thuật… và có thể gửi gắm tâm huyết của mình vào từng tác phẩm nghệ thuật do mình dàn dựng. Những người trực tiếp thể hiện tác phẩm chính là đồng nghiệp của mình và vì thế mà tôi cùng với họ sáng tạo nên tác phẩm chứ không tách rời.

Ngoài ra, tôi còn tham gia công tác giảng dạy ở trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh. Những gì các cụ truyền dạy cho tôi cộng với hơn 40 năm làm nghề tôi đều truyền dạy cho thế hệ trẻ để họ tiếp bước thế hệ chúng tôi giữ nghệ thuật chèo sống mãi.

Thỉnh thoảng tôi vẫn tham gia các buổi nói chuyện về chèo với những người yêu chèo và những người đam mê chèo. Như vậy nghĩa là tôi vẫn làm nghệ thuật chứ không phải làm quản lý là lệch ra khỏi quỹ đạo của chèo.

Chị phải “phân thân” với nhiều vai trò như thế thì thời gian đâu để dành cho mình?

Tôi vẫn thường nói, nếu mình vừa muốn làm tốt vai trò quản lý, vừa muốn làm tốt công việc chuyên môn thì phải có nhiều thời gian hơn. Trước đây, khi làm nghệ sĩ biểu diễn tôi vẫn có thời gian đi diễn, vẫn có thời gian đi dạy, thời gian gặp gỡ bạn bè, thời gian dành cho gia đình và cho bản thân. Nhưng nay, nếu muốn làm tất cả những việc đó tôi phải có kế hoạch rõ ràng và thời gian dành cho mỗi thứ cũng sẽ hẹp lại một chút.

Làm nhiều thế nhưng tôi vẫn có thể thăng hoa bình thường khi bước lên chiếu chèo hoặc lên sân khấu. Hình như lửa vẫn âm ỉ cháy trong tôi và chưa bao giờ tàn lụi. Thanh Ngoan mà mất đi cái đó thì không còn là Thanh Ngoan nữa. Mọi người quen nhìn tôi với hình ảnh người nghệ sĩ hơn là hình ảnh quản lý. Thậm chí, nhiều người biết tôi đã làm quản lý mấy năm nay nhưng vẫn dành cho tôi “đặc ân” đó là luôn xem tôi là nghệ sĩ Thanh Ngoan.

Trong con người Thanh Ngoan có hai con người là nghệ sĩ và quản lý. Khi cần con người quản lý là mọi việc đâu ra đấy, khi cần con người nghệ sĩ là vẫn không mất đi một chút thăng hoa nào. Có khi còn nhiều lửa hơn khi làm quản lý bởi tâm của mình luôn dành nhiều cho nghệ thuật.

Nhiều kh tôi đứng trên sân khấu dàn dựng tác phẩm cũng thế, nhiều người bảo: “Bà này, bà ấy say mê như điên”. Mà điên thật. Từ lúc biết đến chèo rồi bén duyên với chèo, kể cả những lúc ốm yếu nhất tôi cũng không bao giờ hời hợt và cố đưa hết cái hay cái đẹp vào từng tiết mục, từng câu hát hoặc từng tác phẩm.

Tôi lên giảng đường cũng thế, chưa bao giờ dạy học trò theo cách hời hợt cả. Nếu hôm nay mệt, cô trò làm một tiếng. Nếu quá mệt có thể gác lại buổi học rồi hôm sau học bù. Tuyệt đối không bao giờ “cố đấm ăn xôi”. Cho nên bận bịu hơn trước nhưng tôi vẫn là tôi chứ không khác đi chút nào.

Chị nghĩ sao khi người ta nói chị càng đa tài, càng thông minh, càng sắc sảo lại càng đa đoan?

Đa đoan hay chứ sao. Có khi đa đoan mới hiểu nhiều chiều cuộc sống. Và khi mình hiểu được nhiều chiều cuộc sống thì mình lại dễ để chia sẻ hơn với mọi người và dễ dàng hòa nhập trong mọi hoàn cảnh. Khó cũng hòa nhập được, khổ cũng hòa nhập được, vinh quang cũng hòa nhập được mà đắng cay cũng hòa nhập được.

Ở cái tuổi của tôi, mọi thứ đã an nhiên hơn rất nhiều. Tất nhiên, để có được sự an nhiên đó tôi cũng đã phải trải qua rất nhiều những gập ghềnh, trúc trắc, khúc khuỷu… Có những lúc tôi “lên bờ xuống ruộng”. Có những lúc như đứng giữa ngã ba đường, không biết lối nào mà đi.

Vinh quang cũng nhiều mà cay đắng cũng lắm. Kể cả về cuộc đời, kể cả về nghề nghiệp, kể cả con đường mình muốn được cống hiến. Nói chung là chuyện đời và chuyện nghề của tôi không hề trải thảm như mọi người nghĩ đâu.

Tôi đã từng trả lời phỏng vấn rằng, từ trước đến nay, chưa có cái gì khiến tôi cảm thấy vui như điên dại và cũng chưa có cái gì ngáng chân được tôi để rơi xuống vực thẳm. Có những thứ trong cuộc đời, tôi không bao giờ nghĩ sẽ mất thì lại mất nhưng đã chịu đựng được và vượt qua được.

Có những thứ nghĩ mình không bao giờ được thì lại được. Có nghĩa là tôi luôn bằng lòng với cái sự được và cái sự mất trong cuộc đời của mình. Tôi luôn cảm ơn cuộc đời vì đã cho tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc đó. Và giờ, khi đã trải qua những điều đó rồi, mình sẵn sàng đối diện với cái tốt nhất và cả cái xấu nhất.

Nói chung là chuyện đời và chuyện nghề của tôi không hề trải thảm như mọi người nghĩ đâu, Thanh Ngoan nói.
"Nói chung là chuyện đời và chuyện nghề của tôi không hề trải thảm như mọi người nghĩ đâu", Thanh Ngoan nói.

Cái mất mà chị nói đến phải chăng là sự cay đắng nhất trong cuộc đời mình?

Tôi chưa bao giờ so sánh sự cay đắng nào ghê gớm hơn sự cay đắng nào. Bởi đã gọi là sự cay đắng thì dù ở thời trẻ hay thời già cũng đều là sự cay đắng. Chẳng qua mình đã trải qua rồi thì sẽ ngày càng vững vàng hơn thôi.

Thời bé, mỗi khi đi học trên con đường làng, tôi luôn thấy con đường đó dài rộng lắm, đi mãi mà không bao giờ hết được con đường ấy. Nhưng sau khi trưởng thành, đi qua nhiều con đường dài rộng khác, mỗi một kỳ cuộc đi về, tôi lại thấy con đường ấy ngày càng nhỏ lại. Tức là ngày ấy, nỗi đau nào với mình cũng ghê gớm nhưng sau này mình lại cảm thấy có những nỗi đau gớm ghê hơn.

Vì thế, tôi chưa bao giờ so nỗi đau và nỗi buồn thời trẻ với nỗi đau của ngày hôm nay mà chỉ luôn nghĩ “Thời trẻ có những nỗi đau mình còn vượt qua được thì sao bây giờ đã trải qua mọi thứ rồi lại không thể bước qua”. Nếu cứ đón nhận mọi thứ và xem nhẹ nó đi thì cuộc đời sẽ thanh thản hơn rất nhiều. Một khi đã giữ được tâm bình an thì sẽ làm được nhiều việc tốt hơn.

Tôi áp dụng điều đó trong cuộc sống và cả trong cách làm việc. Chưa bao giờ tôi làm việc với anh em mà nghe người ta nói một vài câu đã chụp mũ người ta ngay. Một sự việc hoặc một hiện tượng nào đó xảy ra dứt khoát phải có nguyên nhân. Mình phải đặt mình vào hoàn cảnh của người ta để tìm hiểu nguyên nhân và từ đó mà đưa ra được cách giải quyết hợp lý nhất.

Nhiều người bảo, bước vào cuộc hôn nhân thứ hai, chị sống nhẹ nhàng và nhìn mọi thứ độ lượng hơn?

Tôi không muốn nói nhiều đến chuyện riêng bởi với tôi không có gì riêng cả. Cuộc hôn nhân nào cũng có những cái tuyệt vời của nó. Người trước hay người sau, người nào cũng đẹp cả. Mỗi người đều mang đến cho tôi những cảm xúc khác nhau.

Còn tôi đã sống an nhiên, nhẹ nhàng… như thế từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới thế. Cứ mang được niềm vui đến với mọi người là tôi luôn cố gắng.

Nhưng một điều mà ai cũng thấy rõ đó là chị với chồng luôn đồng hành cùng nhau trong mọi việc riêng chung. Phải chăng vì quỹ thời gian dành cho nhau quá eo hẹp nên anh chị luôn tận dụng mọi thời gian có thể để ở bên nhau?

Chúng tôi cũng không quá bận tới mức phải tận dụng thời gian để ở bên nhau và không phải lúc nào anh ấy cũng có thể đi cùng tôi. Chỉ có một điều là anh ấy luôn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc khi hai vợ chồng đi cùng nhau. Còn anh ấy cũng có công việc riêng của anh ấy. Kể cả đi cùng thì anh ấy cũng giải quyết việc của mình, tôi giải quyết công việc của tôi.

Thanh Ngoan đang có cuộc sống hạnh phúc bên người chồng thứ hai.
Thanh Ngoan đang có cuộc sống hạnh phúc bên người chồng thứ hai.

Tôi không bao giờ có ý nghĩ chiếm hữu những “vật ngoài thân” và cũng khuyên mọi người nên sống như thế. Ngay cả con cái mình cũng thế thôi, mặc dù mình sinh nó ra nhưng khi bé nó còn gắn bó, đến khi trưởng thành không thể lúc nào nó cũng ở bên cạnh mình được. Con còn thế huống chi là chồng. Cái gì đã thuộc về mình thì mình không tìm kiếm nó cũng sẽ tự đến.

Gia đình tôi luôn trân trọng từng phút giây sống bên nhau và cố gắng biến phút giây ấy trở nên ý nghĩa nhất. Còn chồng, con… không phải bao giờ cũng làm mọi thứ vừa lòng mình được và bản thân mình cũng không bao giờ vừa lòng chồng con mình được.

Tất nhiên, sự không vừa lòng đó ở nhau trong giới hạn có thể chấp nhận được chứ không chấp nhận được chắc tan lâu rồi. Cho nên mọi thứ đều cần sự chia sẻ, đồng cảm và thậm chí là chiều ý nhau.

Chị quan niệm chồng con là “vật ngoài thân”. Vậy làm thế nào để hai “vật ngoài thân” ấy sống cùng mình trong một mái nhà mà luôn hòa hợp?

Nếu gia đình tôi mà luôn đặt nặng chuyện con anh con tôi thì đã tan từ lâu rồi. Chồng tôi hợp với con tôi còn hơn cả tôi. Vì đàn ông với nhau họ dễ chia sẻ. Con tôi giờ cũng đã trưởng thành rồi và sống trong một mái nhà lúc nào cũng vui vẻ. Điều quan trọng là tôn trọng lẫn nhau trong mọi việc. Anh ấy cùng tôi định hướng cho con và nghĩ những điều tốt nhất cho con. Nếu không có những cái đó thì không thể ở được với nhau tới 20 năm qua.

Cảm ơn chị đã tham gia trò chuyện.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm