NSƯT Minh Ánh: “Tôi thấy mình quá nhỏ bé trước Trường Sa”
“Những thiếu thốn về vật chất hay cảm giác bị say sóng đúng là một thách thức với mỗi người trong chuyến đi dài trên biển, nhưng sẽ trở nên nhỏ bé vô cùng trước sự hy sinh âm thầm của các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biển đảo quê hương” - ca sĩ Minh Ánh - ứng cử viên ĐBQH khóa XIV chia sẻ với “Buffet cuối tuần” về chuyến đi Trường Sa đầy cảm xúc.
Đi Trường Sa cần cả sức khỏe và ý chí
Say sóng đã phải là thử thách lớn nhất với chị trong hành trình đi Trường Sa vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua?
- Sóng và gió là những “đặc sản” đầu tiên chúng tôi được nếm trải khi thực hiện hành trình. 4 tiếng đầu tiên, tiếng cười nói vẫn ồn ào, những đồng nghiệp và sinh viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội chúng tôi vẫn còn trêu đùa nhau hào hứng. Nhưng sau đó, mọi việc bắt đầu thay đổi khi con tàu từ sông ra biển, có nhiều người đã không chịu nổi. Rồi mùi dầu máy xộc lên mũi. Tuy nhiên chỉ sau một ngày hầu hết mọi người cũng quen dần với sóng.
Để có nửa tháng lênh đênh trên biển, không chỉ cần rèn luyện sức khỏe từ trước đó vài tháng mà còn phải chuẩn bị cả tinh thần, sẵn sàng đối đầu với những khó khăn đó, vì ngay từ đầu mọi người xác định ra Trường Sa là một vinh dự và đi để làm việc, để thực hiện nghĩa vụ của mình.
Còn cảm giác khi được đặt chân lên các đảo thì sao?
- Cuộc hành trình lần này đã cho tôi nhiều trải nghiệm và cảm xúc. Tôi đã rơi rất nhiều nước mắt. Dù bây giờ trở về đất liền rồi nhưng trong đầu tôi vẫn suy nghĩ và có nhiều điều trăn trở.
Các chiến sĩ của chúng ta ở ngoài đảo còn khó khăn lắm, thiếu nước ngọt, có những đảo còn thiếu rau xanh. Phần lớn các chiến sĩ còn rất trẻ và họ đã sẻ chia với chúng tôi rằng họ rất nhớ nhà và nhớ những người thân yêu. Nhưng họ vẫn quyết tâm gạt đi tình cảm riêng tư. Và những khó khăn mà chúng tôi đã trải qua trong suốt hành trình không thấm vào đâu so với sự hy sinh của các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biển đảo quê hương. Tôi thấy mình nhỏ bé vô cùng.
Tôi nhớ nhất cả hai lần khi tàu dừng tại hai vùng biển gần đảo Gạc Ma và nhà giàn DK1 để làm lễ tưởng niệm cho các chiến sĩ đã hy sinh. Cả đoàn chúng tôi không giấu nổi nước mắt khi được nghe Phó đô đốc Đinh Gia Thật đọc những chiến tích và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ. Buổi lễ diễn ra rất trang trọng, nhưng nặng trĩu những suy tư, cảm xúc. Cả thầy và trò chúng tôi không ai bảo ai cứ ra đến đảo là hát, là cháy hết mình giữa cái nắng rát bỏng ở đảo, những ánh mắt, nụ cười những cái ôm ấm áp của đất liền được gửi gắm trên đảo là nguồn động viên rất lớn đối với các chiến sĩ và cũng là niềm hạnh phúc của chúng tôi.
Rồi những buổi giao lưu văn nghệ quên giờ giấc, tận dụng từng giây phút được ở lại Trường Sa để biểu diễn phục vụ các chiến sĩ, thậm chí có nhiều người trong đội văn nghệ phải truyền nước vì cường độ làm việc dày đặc nhưng không một ai trong chúng tôi bỏ nhiệm vụ, vẫn tiếp tục ra đảo để hát phục vụ các chiến sĩ…
Đồng chí Phó Đô đốc Đinh Gia Thật - Chính ủy Quân chủng Hải quân – có nói: “Đoàn Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội không chỉ mang lời ca tiếng hát, mà còn mang cả tấm lòng đến với các chiến sĩ nơi đảo xa”. Trong và sau chuyến đi, tôi đã trăn trở nhiều và thấy mình cần phải có trách nhiệm. Thời gian tới tôi sẽ đặc biệt quan tâm tới vấn đề giáo dục thế hệ trẻ hiểu và có trách nhiệm hơn với biển đảo, cũng như kêu gọi các chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt trên đảo để tăng cường nước ngọt, rau xanh, chăn nuôi giúp đời sống của các chiến sĩ bớt vất vả hơn. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tôi sẽ thực hiện nếu được trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV này.
Chúng tôi đã tính trước điểm dừng của 3A
Gần 10 năm lui về hậu trường để cống hiến cho sự nghiệp trồng người, có lúc nào cựu thành viên 3A thấy tiếc nhớ ánh đèn sân khấu?
-Nhớ chứ! Nhất là những ngày đầu 3A tan rã. Nhưng từ khi tôi được bổ nhiệm làm quản lý đến nay công tác quản lý đã chiếm hết thời gian của tôi từ sáng đến tối, nên niềm đam mê ca hát được gác lại, nhường chỗ cho một niềm đam mê khác.
Quyết định giải tán 3A ngày ấy có phải vì Ngọc Anh - giọng hát “đinh” của nhóm tách ra hát solo và “hai cây” còn lại không đủ làm nên “hòn núi cao”?
- Trong 3A, tôi và Ngọc Anh là hai ca sĩ hát solo. Tôi là ca sĩ của Đoàn Ca, múa, nhạc Thăng Long từ năm 1993 và từng đạt 2 huy chương vàng Hội diễn chuyên nghiệp Toàn quốc năm 1995, 1999 và giọng hát vàng Asean năm 1996, một giải ‘Người trình diễn hay nhất” Liên hoan ca khúc Châu Á tại Philippines năm 2000. Chính vì vậy, năm 2012 tôi đã vinh dự được Chủ tịch Nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú ở tuổi 37. Tôi nói điều này là để khẳng định không phải vì Ngọc Anh tách ra mà 3A tan rã. Khi 3A đang ở đỉnh cao, cả ba chúng tôi đã tính được thời điểm nào nên dừng.
Hay vì nhìn thấy trước khán giả sẽ chuyển từ “nghe” sang “nhìn” mà chị đã khôn ngoan rời showbiz trước khi bị nó làm khó?
- Nghề diễn là vậy, chúng tôi là nghệ sĩ nên rất hiểu quy luật của nghề và biết chấp nhận nó. Nghệ sĩ không dễ gì duy trì ánh hào quang của mình được mãi. Hôm nay mình là ngôi sao, nhưng ngay ngày mai sẽ có những ca sĩ trẻ mới hơn và khán giả sẽ lãng quên mình. Các cụ vẫn nói, “thầy già con hát trẻ”. Tuổi trẻ của mình rồi cũng qua đi. Lường trước được điều đó, tôi và Minh Anh quyết định lụa chọn hướng đi khác cho phù hợp với mình và nó cũng như một “ cơ duyên” đến với tôi.
Năm 1998, tôi bắt đầu tham gia công tác giảng dạy và đến năm 2003 tôi làm quản lý nên không còn nhiều thời gian đi hát nữa. Không thể tập trung hết cho một việc, tôi cảm thấy có lỗi, vì với tính cách cầu toàn của tôi là không chấp nhận sự nửa vời. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi đã quyết định dừng ca hát để tập trung cho công việc giảng dạy và quản lý, hơn nữa vào thời điểm đó tôi đã lập gia đình và phải lo cho các con. Tôi không thể nay đây, mai đó mà cần một công việc ổn định để lo cho gia đình nhỏ bé của mình.
Với sự bùng nổ của truyền hình thực tế, chị nghĩ giới trẻ hôm nay thuận lợi hay khó khăn hơn để khẳng định mình, giữa mỗi mùa game show?
- Cái mới thường thu hút sự chú ý, nhưng cũng có thể bị lãng quên rất nhanh nếu như chúng ta không biết cách chăm bẵm nó. Vì tài năng là thước đo sự thành công của một nghệ sĩ, công nghệ lăng xê chỉ giúp ta phần nào khi mới khởi nghiệp, khán giả chưa biết đến chúng ta. Nhưng khi người nghệ sĩ đó xây dựng được hình ảnh rồi thì cần phải có hướng đi đúng đắn, có tài năng, bản lĩnh mới có thể giữ vững được. Như bạn thấy đấy, có nhiều người nổi rất nhanh nhưng cũng "chìm" rất nhanh.
Điểm yếu thường thấy ở nhiều bạn trẻ bây giờ là do quá nóng vội được nổi tiếng sớm, nổi tiếng bằng mọi cách trong khi còn chưa nạp đủ cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết của một người nghệ sĩ. Trước những ánh hào quang cám dỗ, không ít bạn đã mải miết biến mình thành những cỗ máy kiếm tiền mà quên rằng tài năng nếu không rèn giũa thì rồi cũng dần thui chột. Lời khuyên cho các bạn trẻ là không gì có thể nâng đỡ bạn tốt nhất ngoài chính bạn, nếu như bạn muốn đi đường dài…
Công việc ở trường có vẻ đang lấy nhiều thời gian của chị. Ông xã và các con có bao giờ phàn nàn về điều này?
Ông xã trước đây học cùng một trường với Minh Ánh, hiện giờ đang làm ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư. Anh đã hỗ trợ khá nhiều về chuyên môn và giúp tôi chăm sóc hai con. Ngay cả việc tôi ứng cử ĐBQH cũng được sự ủng hộ rất lớn từ ông xã.
Đổi lại, tôi cũng biết đâu là giới hạn để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Công việc quản lý lấy đi của tôi nhiều thời gian nhưng một mặt, tôi vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để chu toàn việc gia đình. Nếu mỗi người biết chia sẻ cho nhau thì hạnh phúc mới bền chặt. Và khi trở về nhà, tôi sẽ là người phụ nữ của gia đình.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Theo Đặng Chung
Lao Động