NSƯT Hán Văn Tình gian nan đến với nghệ thuật Tuồng
(Dân trí) - NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ rằng, để có thể trở thành một nghệ sĩ sân khấu tuồng, NSƯT Hán Văn Tình đã từng vật lộn với rất nhiều khó khăn vì ông bị chậm phát triển về thể chất.
Lúc sinh thời, khi chia sẻ về cơ duyên đẩy đưa mình đến với nghệ thuật sân khấu tuồng, NSƯT Hán Văn Tình cho biết, khi còn sống ở quê anh thường hay nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong số các chương phát thanh trên đài, anh cảm thấy hứng thú và yêu thích nghệ thuật tuồng. Thế rồi vào những năm 1970 - 1971, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc thì đoàn Tuồng Bắc (tiền thân của Nhà hát Tuồng Trung ương) buộc phải sơ tán lên khu vực Tam Nông - Phú Thọ quê anh. Do yêu thích tuồng nên khi đoàn Tuồng Bắc tổ chức tuyển sinh anh cũng đứng ứng tuyển và may mắn được nhận vào học.
NSND Lê Tiến Thọ nhận định, trường hợp của NSƯT Hán Văn Tình là một trường hợp rất đặc biệt của nghệ thuật sân khấu truyền thống. Ông đã phải vật lộn với rất nhiều khó khăn mới đến được nghệ thuật tuồng nhưng cuối đời, khi rẽ sang đóng phim truyền hình và phim hài Tết thì ông mới nổi tiếng.
NSND Lê Tiến Thọ kể: “Thời kỳ 1970 - 1971, khi đoàn Tuồng Bắc sơ tán lên Tam Nông - Phú Thọ để tránh máy bay Mỹ thì có tổ chức tuyển sinh. Thời điểm đó, có rất nhiều bạn trẻ đến dự tuyển nên cỡ như ông Hán Văn Tình vào rất khó để trúng tuyển vì hình thức của ông Tình không đẹp. Nói thật là hồi đó ông Hán Văn Tình là một cậu bé trông buồn cười lắm.
Thời đó, ông Tình nhỏ con, tóc lưa tha lưa thưa, mặt không ấn tượng gì hết… Nhưng được cái ông ấy rất nhiệt tình và có một sự hài hước khá duyên dáng. Chính sự nhiệt tình ấy mà ban tuyển sinh đã ưu ái cho ông ấy.
Tôi còn nhớ, lúc đó, khi nhìn thấy Hán Văn Tình tôi mới bảo: “Nhìn ông này sao có thể đi vào văn công được”. Nhưng các thầy của tôi quý ông Tình nên bảo: “Thôi cứ để cho anh ấy vào trường học rồi sẽ đến lúc anh ấy lớn” (vì ông Tình phát triển chậm).
Sau đó, khi được chọn vào trường Sân khấu ở Hà Nội học thì ông Tình cũng bị anh em trong lớp trêu chọc nhiều lắm. Bị bạn trêu chọc nhiều quá nên ông Tình đã từng tâm sự bằng nhiều câu thơ: “Các bạn nhìn em các bạn cười/ Em nhìn các bạn lệ tuôn rơi... lâu lắm rồi tôi nhớ đầy đủ nữa nhưng đại khái là ông tâm sự ông ấy không thể theo nghề này được.
Không chỉ bạn bè, Ban giám hiệu trường cũng đã mấy lần xem xét để định trả ông ấy về địa phương vì thấy ông ấy không phát triển. Rất may là cuối cùng Hán Văn Tình cũng đã kiên trì học tập và vượt qua khó khăn. Việc ông Tình trở thành nghệ sĩ tuồng là nhờ ý chí, sự nhiệt tình và tài năng bẩm sinh của ông ấy”.
Theo NSND Tiến Thọ thì khi NSƯT Hán Văn Tình được phân về đoàn Tuồng Bắc sau này là Nhà hát Tuồng Trung ương ông đang đảm nhận vai trò Trưởng đoàn, sau lên Phó Giám đốc và Giám đốc. Thời điểm đầu, khi tham gia biểu diễn trên sân khấu tuồng, NSƯT Hán Văn Tình không vào những vai hài mà chủ yếu vào những vai phản diện. Nam nghệ sĩ đã cố gắng tạo ra những tính cách phản diện rất đặc trưng của nghệ thuật sân khấu tuồng. Dù giọng hát không hay nhưng nam nghệ sĩ lại rất đạt trong múa và diễn.
Bên cạnh đó, NSƯT Hán Văn Tình Tình cũng là một trong những người rất có chuyên môn nên lãnh đạo đoàn giao công việc gì ông đều hoàn thành tốt.
“Tôi với ông Tình xem nhau như là anh em trong nhà dù ông ấy là lớp sau của tôi. Thời tôi còn ở nhà hát, ông Tình với ông Khoản là hai người nhiệt tình trong công việc. Từ tổ chức biểu diễn hay đi lo công việc này công việc kia, giao công việc ấy cho ông Tình bao giờ cũng yên tâm nhất vì ông ấy cũng nhiệt tình, có trách nhiệm, anh em quý nhau là như vậy. Một nhà hát truyền thống mà có được một người như ông Hán Văn Tình là rất may mắn. Ông ấy ra đi thời điểm này cũng rất là tiếc.
Ông ấy sống với anh em, bạn bè cũng rất tốt. Là một Trưởng đoàn, nghệ thuật sân khấu truyền thống thì vất vả lắm, đi đêm về hôm, nắng nôi mưa gió, Tết nhất cũng phải đi diễn, rồi còn lo về doanh thu, số buổi… nhưng ông Tình đều làm rất tốt. Vì thế nên ông Tình được nhiều người quý mến.
Ông Tình cũng có cái may mắn là khi các đạo diễn ở ngoài mong muốn có một người nghệ sĩ có một cá tính có thể đáp ứng được những vai diễn của truyền hình và hài tết thì lại gặp được đúng ông Tình. Ông Tình có sự khác biệt so với mọi người là đầu của ông ấy không có tóc nên ông ấy dựa được vào lợi thế ngoại hình để vào những vai diễn trên truyền hình. Đó là một sự chuyển hoá của một người chuyên đóng những vai phản diện trên sân khấu truyền thống sang những vai hài trên truyền hình”, NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ thêm.
Nhìn nhận về bà Lan - vợ của NSƯT Hán Văn Tình, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, bà Lan là người chịu thương, chịu khó, chịu đựng. Hai vợ chồng nghệ sĩ Hán Văn Tình sống không có chất nghệ sĩ nên đời sống rất giản dị.
“Lan là cô hộ tá ở bệnh viện nên tính chịu đựng của Lan khá là cao. Ngược lại, Tình đôi khi hơi thẳng tính và gia trưởng nhưng lại rất thương vợ, thương con. Ông ấy chưa bao giờ làm gì ảnh hưởng đến gia đình. Nói chung là ông ấy tên Tình nên vừa nhiệt tình lại vừa sống có tình”, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận xét.
NSND Lê Tiến Thọ đã rơm rớm nước mắt khi chia sẻ về cảm giác chứng kiến người em của mình trút hơi thở cuối cùng. Ông nói rằng, những lần trước, khi gặp nhau lần nào ông cũng cười nhưng lần này ông phải khóc. Khóc vì giữa ông và nam nghệ sĩ quá cố có với nhau rất nhiều kỷ niệm. Anh em cũng xem nhau như “chân” với “tay”.
“Tình ra đi như vậy, với sân khấu truyền thống quả là một mất mát lớn vì cậu ấy yêu nghề và sống có trách nhiệm với lớp đàn em”, NSND Lê Tiến Thọ ngậm ngùi.
Hà Tùng Long