NSND Trung Hiếu trăn trở chuyện khan hiếm kịch bản sân khấu Việt

Phương Nhung

(Dân trí) - NSND Trung Hiếu chia sẻ: "Hàng năm, Nhà hát Kịch Hà Nội nhận được không ít kịch bản của các nhà viết kịch, nhà văn... Nhưng để lựa chọn được một kịch bản phù hợp đưa vào dàn dựng là vô cùng khó khăn".

Tại hội thảo sân khấu với chủ đề "Sân khấu với đề tài hiện đại" do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức ngày 16/8, NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội đã có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện lựa chọn kịch bản hiện nay.

NSND Trung Hiếu cho biết: "Hàng năm, Nhà hát Kịch Hà Nội nhận được không ít kịch bản của các nhà viết kịch, nhà văn… gửi đến đơn vị. Thế nhưng để lựa chọn được một kịch bản phù hợp đưa vào dàn dựng là một điều vô cùng khó khăn".

Một số lý do chính dẫn đến hiện trạng thiếu kịch bản là do, chất lượng kịch bản còn hạn chế hoặc kịch bản tốt nhưng chưa phù hợp với định hướng nghệ thuật của đơn vị, đề tài về Hà Nội, về văn học, lịch sử còn hạn chế...

NSND Trung Hiếu trăn trở chuyện khan hiếm kịch bản sân khấu Việt - 1

NSND Trung Hiếu (Ảnh: Nghệ sĩ Trung Hiếu).

Những thế hệ nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của nước ta rất nhiều người đã cao tuổi hoặc không còn trên văn đàn, người còn người mất.

"Những tên tuổi gắn liền với kịch Hà Nội như nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, cố nhà văn Xuân Trình, Anh Biên, Xuân Đức, Triệu Huấn… đều đã rời xa cõi tạm.

Họ ra đi và để lại một khoảng trống khó có thể lấp đầy không chỉ riêng với Nhà hát Kịch Hà Nội mà với tất cả giới nghệ thuật sân khấu. Trong khi đó, văn đàn thiếu vắng thế hệ kế cận xuất sắc và nổi bật", NSND Trung Hiếu bày tỏ.

NSND Trung Hiếu trăn trở chuyện khan hiếm kịch bản sân khấu Việt - 2

Poster một vở diễn của Nhà hát Kịch Hà Nội (Ảnh: Nhà hát Kịch Hà Nội).

Theo NSND Trung Hiếu, việc lựa chọn kịch bản chất lượng không thôi chưa đủ, các đơn vị cần phải xác định phong cách và định hướng nghệ thuật rõ ràng, đồng thời kiên định đi đúng định hướng ấy.

NSND Trung Hiếu dẫn chứng những tác phẩm gắn với sự phát triển của Nhà hát Kịch Hà Nội, được khán giả biết đến như: "Tôi và chúng ta", "Cát bụi", "Hà My của tôi", "Ăn mày dĩ vãng", "Mùa hoa sữa", "Tình sử ngàn năm", "Những mặt người thấp thoáng", "Bỉ Vỏ", "Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường", "Làng song sinh"… 

Thời gian qua, Nhà hát Kịch Hà Nội có cách tiếp cận mới, sân khấu hóa các tác phẩm văn học và chương trình học lịch sử các cấp. Đề án "Sân khấu kịch học đường" của Nhà hát đưa nghệ thuật biểu diễn - văn học - lịch sử đến gần hơn với thế hệ học sinh các cấp.

NSND Trung Hiếu cho rằng, để có được những tinh hoa dưới ngòi bút là cả một sự lắng đọng của chiều sâu, bề rộng của tri thức và nhận thức xã hội.

Muốn làm được điều đó, cần có sự định hướng và nâng cao văn hóa đọc của thế hệ người Việt trẻ; tạo điều kiện cho những cây bút trẻ phát huy sáng tạo bởi chính họ sẽ là nhân tố chủ lực viết nên những kịch bản phản ánh đời sống hiện thực của xã hội Việt Nam đương đại.

Những kịch bản có đề tài hiện đại thường phản ánh chân thực cuộc sống và  vấn đề còn nhức nhối, nóng hổi trong xã hội.

Khi tiếp cận, dàn dựng, ban lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cần có một cái nhìn rộng và bao quát về cuộc sống hiện đại, mạnh dạn sử dụng, xử lý một cách tinh tế, linh hoạt trên sân khấu biểu diễn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm