NSND Trà Giang: Mối tình đầu tiên và mối tình cuối cùng
"Chị Tư Hậu" hồi tưởng lại những mối tình đã trải qua trong đời nghệ sỹ...
Tôi đã lên kế hoạch phỏng vấn NSND Trà Giang từ hơn một năm trước, song vì nhiều lý do những cuộc hẹn không thành. Những món quà Hà Nội tới lớp học vẽ của bà, đó là lạc rang húng lìu bà Vân ở 76 Bà Triệu, trà Thái Nguyên của cụ bà trên đường Trần Nhân Tông và ômai quất hồng bì Vạn Lợi. Đó là ba đặc sản Hà thành khiến Trà Giang thích thú nhất.
Trở lại Sài Gòn dịp này, chúng tôi gặp nhau trong nước mắt khi cha của bà qua đời. NSND Trà Giang là con gái của NSƯT Nguyễn Văn Khánh. Theo cha ra Bắc tập kết, Trà Giang đã từng lên sân khấu biểu diễn. Bà đã có ý định thi tuyển diễn viên múa và cải lương. Nhưng sau này, Điện ảnh đã chọn Trà Giang và cho bà nhiều vai diễn để đời. Tôi gom nhặt những câu chuyện để tặng bạn đọc bài viết này, cũng là cách tri ân với người phụ nữ mà tôi rất kính trọng trong đời làm báo của mình.
Cái tên Trà Giang đã có từ khi nào, thưa bà?
Cái tên này đã có từ lúc tôi sinh ra vào năm 1942. Quê ba tôi ở Quảng Ngãi có con sông Trà Khúc. Ba lấy mẹ là người Phan Thiết. Tôi sinh ra ở Phan Thiết và cả 6 anh chị em tôi đều được ba mẹ đặt tên về quê hương Quảng Ngãi. Anh lớn là Ấn Sơn (núi Thiên Ấn), rồi đến Trà Giang, Bút Sơn, Thạch Bích… Tình yêu quê hương của ba đã truyền lửa cho chúng tôi luôn hướng về quê hương mình.
Xem lại phim “Chị Tư Hậu”, có cảm giác tuổi 20 của thế hệ hôm nay không chững chạc như thế hệ của bà?
Không biết có phải tôi già trước tuổi không, nhưng xem lại phim ấy cũng thấy mình già dặn quá. Tôi nhận vai Tư Hậu lúc 20 tuổi. Hồi nhỏ, tôi đã từng theo ba mẹ lên vùng kháng chiến, rất gian khổ, nhìn những trận Tây đưa quân đi càn, bắn giết nhân dân.
Cảnh ba tôi đi hoạt động, má tôi bị bắt. Tôi cảm nhận được những điều có trong kịch bản và sống thật với tình cảm nhân vật. Tự tổng kết cuộc đời diễn viên của mình, trong các nhân vật mình đóng, từ vai Kiên trong phim Một ngày đầu thu, vai người phụ nữ công giáo không tiến bộ, rất an phận, ghen khi chồng đi hoạt động Cách mạng, đến vai Tư Hậu, nhân vật của tôi đã tiến lên một bước nữa, tầm nhân vật đã phát triển.
Giờ đây khi được xem lại phim Chị Tư Hậu, tôi vẫn rất xúc động vì đạo diễn Phạm Kỳ Nam và anh Khánh Dư đã mất rồi. Bác Ba Du và nhiều người trong phim không còn nữa. Trở về kỷ niệm một thời trẻ của chúng tôi, thấy tự hào và nhớ mãi…
Là người phụ nữ có đôi mắt to, đen sâu thẳm, diễn bằng nội tâm, trong các phim Ngày lễ thánh, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, khán giả luôn nhìn thấy trong đôi mắt ấy nỗi đau thương và lòng uất hận, chan chứa cả những khát khao hạnh phúc. Bà có nghĩ rằng, đôi mắt là một lợi thế đặc biệt giúp bà thể hiện thành công các vai diễn của mình?
Tôi không nghĩ mình có đôi mắt đẹp. Tôi chỉ nghĩ là, trong nghề diễn viên điện ảnh, đôi mắt là quan trọng nhất, thể hiện được tình cảm của nhân vật. Không hiểu sao đôi mắt của tôi nói được những điều khán giả cảm nhận. Tôi luôn trân quí tình cảm nơi người hâm mộ dành cho mình suốt những năm tháng qua.
Bà là người hạnh phúc và may mắn khi được sống cùng thời với nhân vật. Hãy kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện làm phim đáng nhớ?
Trong thời kỳ làm phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, chúng tôi đóng phim ở vùng Vĩnh Linh, gặp một đoàn du kích ban ngày ra nghỉ ngơi tập luyện, ban đêm vượt sông tuyến vào Nam chiến đấu. Trong những người tôi gặp để ghi chép cho nhân vật của mình, đó là o Thảo. Cuộc gặp gỡ ghi mãi dấu ấn trong tim tôi để tạo nên thành công cho vai Dịu.
Sau này, vào năm 1999, đi Liên hoan Phim ở Huế, tôi và đạo diễn Hải Ninh trở về Gio Linh, Gio Thủy tay cầm ảnh o Thảo trên tay, mong gặp lại bà. Đến trước cơ quan Huyện ủy Gio Linh, mọi người ồ lên khi nhận ra người trong ảnh. Chúng tôi mừng lắm, và theo một đồng chí Huyện ủy lên xe về gia đình và biết được o Thảo đã hy sinh năm 1972.
Cuộc gặp gỡ rất cảm động. Tôi và người chị dâu, em trai của o Thảo ôm nhau khóc. Chính tôi cũng không ngờ, khi bộ phim hoàn thành thì o Thảo đã hy sinh ở chiến trường Miền Nam. Những cuộc gặp gỡ như thế cứ làm cho ký ức trào về, hiển hiện những khuôn mặt người rám nắng, hanh hao và phảng phất nỗi buồn chiến tranh hằn lên trên nếp nhăn của họ.
Chúng tôi lấy việc đi thực tế là một hạnh phúc rất lớn. Trước tôi có chị Mai Châu, chị Đức Hoàn đều lên sống với người dân tộc Mèo, và sau đó khi ra trường, chúng tôi nối tiếp các chị. Phim nào chúng tôi cũng đều đi thực tế cả. Phim Lửa rừng lên vùng Ken Đu, vùng giáp ranh với Lào, không có đường ô tô, leo núi và lội suối 3 ngày đi bộ, đến ở với đồng bào, xem phong tục tập quán của đồng bào. Cứ có điều kiện là chúng tôi đi thực tế. Hồi ấy chúng tôi luôn có thái độ làm việc nghiêm túc.
Liên hoan Phim Mátxcơva năm 1973, có một nhà báo Mỹ đến gặp tôi. Tôi rất ngại, ngại họ có thiện chí hay không? Nhà báo nói thấy xấu hổ khi người Mỹ gây đau thương cho dân tộc Việt Nam. Nhà báo hỏi: Trong phim thì như vậy, liệu ngoài đời có như thế không? Tôi trả lời, ở nước tôi, giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh. Chị Út Tịch còn nói đánh giặc đến khi còn cái lai quần cũng đánh! Tôi mặc bộ áo dài dân tộc. Người phiên dịch không hiểu lai quần là gì. Tôi chỉ gấu quần phía dưới, nữ nhà báo Mỹ cười…
Suy nghĩ của bà về nền điện ảnh Việt Nam hôm nay?
Thế hệ diễn viên của tôi gặt hái được một số thành công, cố gắng hết sức của mình để diễn đạt cuộc sống của nhân dân trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Điện ảnh hôm nay, một người, một số người tâm huyết thôi chưa đủ. Hồi đó là cả một tập thể lớn luôn vì một nền điện ảnh dân tộc, vì nhau, trân trọng nhau và luôn quên mình.
Chúng tôi mừng và kỳ vọng nhiều vào các bạn nghệ sĩ trẻ hôm nay, họ sẽ thay thế xứng đáng lớp đàn anh.
Từ năm 1990, bà không đóng phim nữa và đã từng đứng trên bục giảng. Nhưng chưa được bao lâu, bà nghỉ dạy và chuyển công tác về Viện Tư liệu phim. Vì sao bà không theo nghiệp giảng dạy như ba mình?
Đó là bi kịch của tôi. Khi về Trường Điện ảnh, máu làm phim còn đeo đẳng. Tôi muốn được đi nhiều hơn và giao du với bạn bè. Tôi không kiên trì trong việc dạy dỗ vì khả năng sư phạm không có, và tôi thấy các em thích đi làm phim hơn và thích trở thành người nổi tiếng hơn là đến lớp trả bài cho thầy và xây dựng các tiểu phẩm. Tự tôi chán mình và bỏ cuộc. Đó là nhược điểm lớn nhất trong đời nghệ sĩ của tôi.
Những kỷ niệm nào là dấu ấn nhất của bà với ba mình?
Hồi tập kết ra Bắc cùng gia đình, chính ba tôi đã báo rằng sắp có một đoàn chuyên gia Liên Xô tuyển diễn viên điện ảnh. Tôi nghe lời ông đi thi và cũng rất tự tin khi đóng tiểu phẩm. Thực ra trước đó, mỗi lần ông dàn dựng vở diễn Epghênhi Ônêgin, tôi đã học được rất nhiều từ đọc thơ, diễn kịch và hát. Tiểu phẩm hôm thi tuyển diễn viên của tôi còn nhớ mãi là lấy bàn tay làm gương trang điểm.
Ảnh tôi mang đi thi do chính tay ba chụp hình con gái. Ông mong cho tôi theo nghiệp nghệ thuật của cha và mong muốn “con hơn cha là nhà có phúc”. Sau này, khi sinh Bích Trà được 3 tháng, chính ông là người động viên tôi đi Liên hoan phim Quốc tế Matxcơva.
Sau Hiệp định Paris được ký kết, cha tôi đã lấy những sợi dây điện Mac Namara nhiều màu tết thành giỏ xách tặng con gái để gửi tặng bạn bè. Lần sang Liên Xô dự Liên hoan phim, tôi đã tặng món quà ấy của ba cho một nhà báo Mỹ.
Đó là món quà có ý nghĩa nhất dành tặng cho khán giả của Liên hoan phim và người bên kia chiến tuyến. Tôi hài lòng khi chọn nghề diễn viên không phải mang lại cho mình sự nổi tiếng, mà nghề này đã đưa tôi đến nhiều cuộc đời. Hàng ngày chăm sóc ông mà tôi vẫn ứa nước mắt vì quá thương yêu ba, vì sự nghiệp điện ảnh 40 năm qua của tôi luôn có ông ở đằng sau.
Gia đình tôi có Trà Giang, Bích Trà và cháu gái Hồng Anh là nối nghiệp nghệ thuật của ba. Có một lần ông gọi riêng tôi vào phòng và đưa tiền nói mua một sợi dây chuyền thật đẹp để tặng cháu ngoại Bích Trà. Ông yêu nó và mong sự nghiệp của con gái tôi vẫn sẽ tiếp tục tốt đẹp hơn. Bích Trà đã luôn làm ông ngoại hài lòng trong những lần trở về lưu diễn tại Việt Nam.
Có một điều này mà ít ai hiểu được là tôi ở cùng ba mẹ ruột và chăm ông bà đến khi các cụ lần lượt qua đời, mẹ tôi mất lúc 92 tuổi, 2 năm sau bố cũng theo mẹ về với tổ tiên. Bích Trà mỗi năm cũng thu xếp lịch về Việt Nam biểu diễn và ở nhà với tôi khoảng 2 tuần. Có lẽ là hơn 10 năm qua, ít khi tôi hỏi chuyện riêng của con, mặc dù trong lòng vẫn mong tin và lo lắng cho nó.
Tôi sinh được duy nhất một người con gái là Bích Trà, ghép tên đệm của mẹ và cha. Người ta nói sinh con một khó ngoan vì nó được nuông chiều.
Tôi nuôi con như bao bà mẹ khác, dạy dỗ con sống khỏe mạnh và thương yêu mọi người, hướng cho con học hành chăm ngoan. May là Bích Trà rất thương yêu bố mẹ và ông bà.
14 tuổi Bích Trà sang Nga học tập, Trà đã viết thư về nhà cảm ơn ba mẹ đã dạy con nhân cách sống. 14 tuổi cháu đã biết nghĩ như thế. Liên Xô tan rã, sinh viên Việt Nam gặp khó khăn nhưng các giáo sư vẫn dạy dỗ tận tình và hướng cho con học tiếp ở Học viện Hoàng gia London. Những lần trở về nhà của Trà thật ngắn ngủi.
Ban ngày con tranh thủ tập đàn, mẹ sang phòng vẽ. Ngày cuối tuần, cả nhà cùng đi viếng mộ. Khi anh Bích Ngọc còn sống, có lần con gái yêu tựa vào bờ vai tôi hỏi nhỏ: “Mẹ có thích con lấy chồng không?”. Tôi chỉ cười: “Chịu khó học đã, chuyện đó tính sau”.
Sau này, những lần về nước bị hỏi hoài chuyện lấy chồng, Bích Trà cười tươi như hoa nói với mẹ: “Mẹ à, sao mỗi lần gặp con, mọi người đều cùng chung một câu hỏi: Trà, bao giờ cho bác ăn kẹo? Mẹ mua kẹo sẵn để trong nhà mời các bác nhé!”. Tôi biết con luôn muốn làm mẹ vui, kể cả trong câu chuyện kể về nó.
Tôi không giục giã chuyện này, vì chính mình đã luôn khuyên nó học, mà hình như nó đang muốn học suốt đời… Học, như thể thấy luôn bị thiếu các tri thức âm nhạc hàn lâm trên thế giới. Tôi luôn tôn trọng con gái mà không bao giờ thấy có sự hy sinh ở đây.
Anh Bích Ngọc đã đi xa 13 năm rồi và Bích Trà đã theo nghiệp đàn của bố. Thời bao cấp, nhà nghèo nhưng chúng tôi cũng dành dụm tiền mua đàn piano cho con, nhắc nhở con học hành đến nơi đến chốn và không được lùi bước. Chỉ tiếc là anh Bích Ngọc đã không được chứng kiến thành quả của Bích Trà sau 26 năm xa Tổ quốc và lập nghiệp nơi đất khách, không tận hưởng được hạnh phúc mà anh ấy luôn mơ về con gái mình…
Khán giả yêu điện ảnh luôn gặp lại bà trên màn ảnh, trong các kỳ họp Quốc hội hoặc trên hàng ghế giám khảo các kỳ thi hoa hậu. Bà thấy những công việc này có phù hợp với mình không?
Đấy là sự tín nhiệm của Chính phủ và của Ban tổ chức các cuộc thi sắc đẹp. Tôi thấy những việc này mình đã tham gia vì sự tín nhiệm ấy và tròn vai.
Đã rất lâu rồi bà không đóng phim?
Tôi chủ động không tham gia phim ảnh nữa do không theo kịp điện ảnh thời đổi mới. Đó là quyết định đúng đắn. Tôi biết tự cân bằng cuộc sống cho mình và đến với hội họa. Tôi tìm về màu sắc trong những bức vẽ hoa để làm vui cho mình. Lớp học vẽ của những người bạn lớn tuổi đã xích chúng tôi lại gần nhau hơn, thấy yêu cuộc đời hơn và muốn sống vì nhau. Năm 1999 là một năm bi kịch của đời tôi khi anh Bích Ngọc ra đi đột ngột.
Tôi cũng tránh tham gia các sự kiện, phim ảnh và vùi mình bên giá vẽ. Tôi vẽ liên tục và cũng tham gia triển lãm tranh cùng bạn bè, với nhóm “Hương cỏ”. Có nhiều bức vẽ đẹp đã được người thân đặt mua với giá “tình thân” như tiếp thêm sức mạnh cho tôi đến với niềm đam mê mới.
Dừng cuộc chơi điện ảnh, tôi vẫn chưa thanh thản vì không nghĩ mình đã dừng lại. Tôi rất nhớ nghề, 20 năm không được diễn là nỗi đau rất lớn trong cuộc đời tôi.
Thế hệ nghệ sĩ điện ảnh của bà và kể cả Khóa 2 sau này như Phương Thanh, Minh Châu, Thanh Quí… ít có tai tiếng dính líu đến xìcăngđan. Khán giả yêu điện ảnh ngưỡng mộ cái tên Trà Giang như một viên ngọc sáng của một thời gắn liền với điện ảnh Cách mạng, nhưng vẫn muốn có một chút tò mò về chuyện riêng của bà, chuyện mối tình đầu, chuyện với Giáo sư Bích Ngọc? Nếu được cho phép bà có điều gì muốn tâm sự không?
Trong chuyện tình cảm của tôi thời con gái, ba cũng mong muốn tôi lấy người Miền Nam để trở lại Sài Gòn. Những anh chàng người Nam lăm le đến nhà, bao giờ ông cũng khoái hơn và vui ra mặt.
Chuyện của tôi với anh Bích Ngọc như thế này, anh của anh ấy là nhà văn Nguyễn Thành Long có quen biết gia đình tôi và chúng tôi tìm hiểu nhau.
Hồi ấy, tôi 25 tuổi, anh Ngọc 27 tuổi. Sau này, tôi đã cảm nhận một cách sâu sắc rằng, tôi đã gặp may khi lấy được anh ấy. Khi chồng tôi còn sống, tôi đã nói lên điều này với anh bởi tấm lòng, sự hiểu biết và sự hy sinh mà anh ấy dành cho mình.
Yêu và lấy nghệ sĩ, anh ấy phải đối diện với nhiều điều ra tiếng vào, kể cả những đồn đại trong giới nghệ sĩ.
Nhiều người hỏi anh, có ghen không? Ai mà không ghen, nhưng đã xác định vợ là nghệ sĩ rồi mà. Tôi đã được gặp một người chồng bao dung, đức độ và thương vợ hết lòng.
Giáo sư Bích Ngọc có phải là mối tình đầu của bà không?
Đó là mối tình đầu và là mối tình lớn trong cuộc đời tôi.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh Bích Ngọc là tự anh cho con gái Bích Trà bú bình trong suốt một tuần lễ khi cháu mới ba tháng tuổi để tôi đi dự LHP Điện ảnh tại Mátxcơva.
Nhưng sau này, ở những cuộc gặp mặt của anh em nghệ sĩ điện ảnh, mọi người vẫn nhắc đến một số cái tên, hình như gọi là có một chút chút tình cảm với Trà Giang. Không hiểu thực hư ra sao thưa bà, bởi vì ngày xưa, thuở đôi mươi của bà quá đẹp và nồng nàn, như những nhân vật trong phim của bà vậy?
(Cười). Tôi biết thế nào chị cũng đưa tôi vào tình thế này, vì chị cũng biết những cuộc gặp với bạn bè thân yêu của tôi ở Hà Nội. Có lẽ không thể từ chối được câu hỏi này, nhưng liệu nói thật mọi người có tin không?
Tôi đóng phim Một ngày đầu thu, Chị Tư Hậu lúc 20 tuổi. Đoàn làm phim rong ruổi nhiều tháng trời. Thời của chúng tôi trong sáng lắm, có thích nhau và mê nhau cũng chỉ là sự cảm phục và trân trọng nhau thôi, có dám thổ lộ đâu. Có phim, cùng lúc nhiều anh quan tâm đến mình, quí mình, nhưng cũng chỉ dừng lại ở ánh nhìn và sự chiều chuộng thông thường của bạn đồng nghiệp.
Thực ra, tình cảm của đạo diễn dành cho diễn viên nữ chính hơn người khác cũng là lẽ thường, đạo diễn Khánh Dư và đạo diễn Hải Ninh với Trà Giang thì như thế nào nhỉ?
Tôi chưa hiểu lắm câu hỏi này, có đúng là, hai anh ấy có yêu Trà Giang không, đúng chưa?
Sau này, khi đã là ông, là bà, mỗi lần trở ra Hà Nội, tôi tránh nhiều cơ hội để ít gặp lại các anh vì sợ bị hiểu lầm. Nói ra không ai tin là chúng tôi không có chuyện gì và tôi không thanh minh. Chỉ biết rằng, tôi quí trọng anh Khánh Dư nhất vì sống hồn nhiên, chất nghệ sĩ mạnh, niềm vui thì anh thể hiện bằng la hét, không làm được thì anh vò đầu bứt tai, khó chịu. Có một chi tiết này, khi làm phim Chị Tư Hậu, tôi bị dị ứng phải ra Đồng Hới chữa bệnh, tôi phải ngủ lại đêm với một đồng chí phụ quay. Chị tin không, vẫn rất trong sáng…
Làm phim Lửa rừng, anh Trần Phương có tán tỉnh Trà Giang và Tuệ Minh, nhưng cũng chỉ dừng lại ở sự vui đùa cho đỡ căng thẳng mà thôi.
NSND Trà Giang năm nay tròn 70 tuổi. Bà đã tin cậy và sẻ chia những chuyện buồn vui trong cuộc đời mình, như là cách tri ân cuộc đời đã cho bà đi qua nhiều cuộc đời để thấy mình vẫn hạnh phúc nhiều hơn những o Thảo và nhiều o khác của nơi Vĩ tuyến 17 ngày và đêm giao tranh ác liệt. Bà luôn biết ơn đến hai người quan trọng tạo nên thành công nghiệp diễn của mình là Giáo sư violon Bích Ngọc, chồng bà, và nghệ sĩ piano Bích Trà, cô con gái rượu duy nhất. Khi những trang báo này đến tay bạn đọc thì NSND Trà Giang đã sang nước Anh với con gái. Đây sẽ là chuyến đi dài và con gái sẽ được bà dành cho nhiều tình yêu thương hơn, vì bà đã làm tròn bổn phận đạo làm con, tận tụy hết lòng với ba mẹ những năm tháng cuối đời. Tôi luôn tin là họ sẽ rất vui và hạnh phúc! |