NSND Quốc Hưng: "Tôi cũng có mối tình đứt gánh, dở dang"

Hương Hồ

(Dân trí) - "Nhiều lúc tôi tự trách mình, không rõ tôi đã làm gì sai trong những chuyện tình đó", NSND Quốc Hưng không giấu giếm về những chuyện tình đã qua.

Người yêu nhạc thính phòng cổ điển Việt Nam hẳn sẽ không thể quên giọng hát của NSND Quốc Hưng khi thể hiện aria Vousqui Taites L'sendo Rmie trích trong Opera Faust (Tiếng cười con quỷ) của nhà soạn nhạc lừng danh Charler Gound, Aria Figaro trích trong Opera Đám cưới Figaro của thiên tài âm nhạc Mozart... hay những ca khúc nhạc đỏ mang âm hưởng hùng tráng như Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (Chu Minh), Tổ quốc gọi tên mình (Đinh Trung Cẩn - Nguyễn Phan Quế Mai)...

Chính vì vậy, khi anh chuyển hướng hát nhạc tình và phát hành bộ sản phẩm CD, video album Gửi dĩ vàng, nhiều người quan tâm. Chia sẻ với PV Dân trí, anh bày tỏ nhiều nỗi trăn trở với âm nhạc, và niềm tự hào về một người hát "có hồn" thay vì dựa vào kỹ thuật đơn thuần.

NSND Quốc Hưng: Tôi cũng có mối tình đứt gánh, dở dang - 1

NSND Quốc Hưng (Ảnh: Hòa Nguyễn).

Nếu không yêu, khó theo được opera

Theo anh, việc chuyển hướng hát nhạc tình có phải xu hướng của những người theo Opera?

- Thú thực, điều này xuất phát từ thực tế cuộc sống thôi. Trước đây, tôi chỉ hát opera, đời sống kinh tế hay sự nổi tiếng rất hạn chế. Tập một vở opera rất vất vả, có khi mất vài tháng mới xong, nhưng thù lao chỉ từ 5 - 10 triệu. Tôi thường nói vui, phải yêu lắm mới theo được bộ môn này.

Khi lập gia đình, tôi vẫn tha thiết yêu opera, nhưng cần lựa chọn con đường thực tế hơn. Sống đời nghệ sĩ, nếu thể hiện những tác phẩm theo thị hiếu, dễ được đón nhận thì kinh tế hay sự nổi tiếng cũng tăng lên. Tôi chuyển hướng hát nhạc Việt và may mắn được công chúng yêu mến. Giờ đi hát 2 bài thôi, thù lao cũng kha khá rồi.

Khán giả vẫn biết đến anh với những ca khúc gắn liền với âm hưởng thính phòng, giờ chuyển hướng hát nhạc tình, anh có thấy mình mạo hiểm?

- Thật ra tôi chỉ thay đổi thể loại thôi chứ không có gì mạo hiểm. Hát nhạc tình hay nhạc thính phòng thì người nghệ sĩ đều cần cân bằng giữa học thuật và cảm xúc. Nhiều ca khúc nhạc tình rất giàu nhạc tính và chất liệu nghệ thuật ẩn chứa trong đó rất cao nên thể hiện ra chất những tác phẩm này không hề đơn giản, đòi hỏi người hát phải có cảm xúc âm nhạc tràn đầy, phải có tâm hồn lãng mạn, phải biết biến âm nhạc thành một cuộc rong chơi do chính mình chủ động.

Thậm chí, không ít ca khúc giống như khuôn khổ một romance của âm nhạc phương Tây, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có kỹ thuật thanh nhạc mới chinh phục được. Chẳng hạn như trong album Gửi dĩ vãng có bài Nửa hồn thương đau. Nên thể hiện những tác phẩm trữ tình thuộc dòng nhạc tình lãng mạn cũng góp phần bồi đắp thêm cho tâm hồn người nghệ sĩ những cảm xúc mới.

NSND Quốc Hưng: Tôi cũng có mối tình đứt gánh, dở dang - 2

NSND Quốc Hưng cho rằng, bên cạnh kỹ thuật, người nghệ sĩ cần thể hiện cảm xúc trong mỗi tác phẩm (Ảnh: Hòa Nguyễn).

Nói vậy, tức là anh không gặp nhiều khó khăn khi thể hiện một thể loại âm nhạc mới?

- Thật ra không phải đến bây giờ tôi mới hát nhạc trữ tình. Thể loại này, tôi đã hát từ thời học sinh, tại các phòng trà trên Hà Nội. Tôi cũng rất thành công, kiếm đủ tiền trang trải học phí cho bản thân. Tuy nhiên, khi lên tới đại học, tôi tập trung vào nhạc thính phòng hơn, vì tôi xác định, đam mê của mình là opera và nhạc thính phòng cổ điển.

Nói vậy để thấy tôi từng có kinh nghiệm đi hát nhạc trữ tình, nên giờ trở lại với dòng nhạc này, tôi không gặp nhiều khó khăn. Tôi hát với một trái tim thổn thức. Không phải sáo rỗng đâu! Thật sự với bất cứ thể loại nào, người nghệ sĩ cần song hành giữa cả kỹ thuật và tình cảm. Họ phải hiểu được lời bài hát, ý tứ của nhạc sĩ để khi thể hiện, mỗi lời ca đều chạm đến tâm can của khán giả. Đó mới là quan trọng.

Khi thực hiện album, tôi rất chi tiết. Chỉ cần hát 1 câu chệch khỏi mạch cảm xúc của toàn bài, tôi thu lại ngay lập tức. Nên khi thưởng thức album này, khán giả sẽ thấy tình cảm dạt dào từ đầu đến cuối, không có ca khúc nào bị nhàm hay trôi đi. Bài hát nào cũng sẽ để lại những dư vị đầy lắng đọng.

Anh nói nhiều về cảm xúc, nhưng thực tế, khi nhắc về anh, mọi người thường ngưỡng mộ kỹ thuật thanh nhạc nhiều hơn. Có khi nào, anh phải chậm lại để sự khô khan trong lý thuyết giao hòa với tình cảm anh muốn gửi trao?

- Cũng có lúc như vậy. Trước khi thu thanh, tôi thường uống vài ly rượu để hồi tưởng lại những ký ức xưa, một thời thanh xuân với những mối tình lãng mạn. Tôi tìm chất lãng mạn ở trong những câu chuyện xung quanh, và cả những chuyện tình của bản thân mình.

Không áp lực vì giọng bass hiếm

Điểm lại tên bài hát trong album của anh, có thể thấy đa phần là sự buồn thương. Ví dụ như "Anh còn nợ em", "Mắt lệ cho người", "Nửa hồn thương đau". Có phải những chuyện tình của anh trong quá khứ cũng không mấy êm đềm?

- Thực ra tôi cũng không giấu gì về dĩ vãng của mình. Thời trẻ, có những lúc tôi tương tư nhưng không được đáp lại. Hoặc có những mối tình đứt gánh, dở dang. Nhiều lúc tôi tự trách mình, không rõ tôi đã làm gì sai trong những chuyện tình đó. Nhưng có lẽ, phải đủ trải nghiệm thì mới hình thành nên độ chín muồi trong cảm xúc của tôi ngày hôm nay, để những bản tình ca thể hiện được trọn vẹn hơn.

NSND Quốc Hưng: Tôi cũng có mối tình đứt gánh, dở dang - 3

NSND Quốc Hưng và ca sĩ Anh Thơ trong buổi họp báo ra mắt CD, album "Gửi dĩ vãng" (Ảnh: Hòa Nguyễn).

Nhân nói về độ chín muồi, anh có thể chia sẻ về chất giọng bass rất hiếm của mình?

- Thật ra đó là tố chất trong giọng hát, nên thật khó để tôi có thể nói điều gì về chất giọng của mình. Tôi có lợi thế khi làm giảng viên. Bởi ngày nào mình cũng dạy học trò, nên mỗi ngày mình đều đặn luyện thanh. Giọng hát vì thế mà duy trì được phong độ. Trong trường tôi, có những người 70 tuổi vẫn giữ được chất giọng rất tốt nhờ luyện tập khi đi dạy. Tôi nghĩ đó cũng có thể được coi là bí quyết chăng?

Khi được khán giả ưu ái với danh xưng "nghệ sĩ có giọng bass hiếm nhất Việt Nam", anh có từng áp lực?

-  Tôi không áp lực vì đó là chất giọng vốn có của mình. Không chỉ tại khu vực Đông Nam Á, mà xét ở toàn châu Á, giọng bass luôn hiếm. Chính vì vậy, tôi nhận rất nhiều lời mời từ Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM và các đoàn nghệ thuật trong Sài Gòn. Mình giúp với tinh thần tương trợ, tất cả vì mục đích phát triển nền nghệ thuật ở cả 2 miền Bắc - Nam. Tôi không vì chất giọng hiếm mà đòi hỏi bất cứ điều gì nên mọi người rất quý.

Có những khi tôi bận, không tham gia, họ mời người nước ngoài về thay thế, nhưng kết quả đôi lúc không được như kỳ vọng. Ở châu Âu, họ hơn mình ở các độ xuống tone, rất đầy và dầy. Nhưng tại việt Nam, chưa có nhiều người luyện thành thạo các quãng nhạc này, do kết cấu vòm họng đặc trưng. Chính vì vậy, bất cứ khi nào có dịp hỗ trợ mọi người, tôi đều cố gắng hết sức.

Gửi dĩ vãng là album nhạc tình đầu tiên của NSND Quốc Hưng tập hợp 10 tuyệt phẩm về tình yêu đã quen thuộc với công chúng yêu nhạc nhiều năm qua.

Trong đó, NSND Quốc Hưng chọn thể hiện 3 tác phẩm của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên là Bài tình ca cho em, Tình khúc buồn (Thơ: Phạm Quang Duy), Áo lụa Hà Đông (Thơ: Nguyên Sa); 3 bài của nhạc sĩ Vũ Thành An gồm Bài không tên số 4, Bài không tên cuối cùng, Một lần nào cho tôi gặp lại em. Ngoài ra, album còn có những tuyệt phẩm Anh còn nợ em (nhạc Anh Bằng, thơ Phạm Thành Tài), Mắt lệ cho người (Từ Công Phụng), Nửa hồn thương đau (nhạc Phạm Đình Chương, thơ Thanh Tâm Tuyền).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm