NSND Nguyễn Thước: “Làm phim về anh hùng Hồ Giáo là một thách thức lớn”

(Dân trí) - “Khi tôi nghe tin Hồ Giáo nghỉ hưu lần 2 vào năm 2010, tôi rất muốn làm phim gì đó về người rất đặc biệt như ông, cả đời chỉ có nuôi trâu, nuôi bò, trồng cỏ mà được phong danh hiệu anh hùng đến 2 lần. Tôi muốn tìm ý nghĩa cuộc đời của ông Hồ Giáo là gì”. Đạo diễn - NSND Nguyễn Thước chia sẻ động lực và mong muốn khi thực hiện phim tài liệu về cụ Hồ Giáo.

Trong số 27 phim tài liệu video tham gia tranh giải trong Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 19, NSND Nguyễn Thước trong vai trò đạo diễn có đến 2 phim lọt vào vòng tranh giải là “Cỏ xanh im lặng” và “Những chặng đường điện ảnh Cách mạng Việt Nam”.

Ông đã có một cuộc trò chuyện thú vị cùng Dân Trí về bộ phim tài liệu “Cỏ xanh im lặng” đang tranh giải trong LHP năm nay.

Ông có thể chia sẻ vì sao ông chọn nhân vật Hồ Giáo để thực hiện bộ phim “Cỏ xanh im lặng”?

Làm phim về anh hùng Hồ Giáo là một “thách thức” rất lớn vì đã có quá nhiều phim làm về ông. Khi tôi nghe tin ông Hồ Giáo nghỉ hưu lần 2 vào năm 2010, tôi rất muốn làm phim gì đó về người rất đặc biệt như ông. Cả đời chỉ có nuôi trâu, nuôi bò, trồng cỏ mà được phong danh hiệu anh hùng đến 2 lần. Tôi cứ nuôi dần trong lòng làm một phim về nhân vật này. Rõ ràng, cuộc đời một người như thế sẽ để lại cho cuộc đời điều đáng phải nghĩ. Tôi muốn tìm ý nghĩa cuộc đời của ông Hồ Giáo là gì.

Bước đầu tiên đã là một khó khăn, một thách thức rất khó. Khi tôi nhờ chị biên kịch trong đài viết, nhưng 2 lần đều không được thông qua. Cũng vì nhiều người làm về ông rồi nên tìm được một thông điệp mới là cả một vấn đề.

Trong lúc tôi đang rất chán nản thì vô tình tôi nói chuyện với một học trò của tôi là Diệu Đoan - đang làm đạo diễn ở đài phát thanh và truyền hình Hải Phòng, đã từng cộng tác với tôi vài phim. Khi tôi kể, có lẽ cảm xúc của tôi đã làm cho chị rất hào hứng, chị đề nghị tôi chuyển cho chị toàn bộ tài liệu tôi có. Cũng thật bất ngờ khi kịch bản chị viết xong thì được thông qua tất cả các cấp. Và thế là hai thầy trò đi làm, chị là tác giả kịch bản, cũng là đồng đạo diễn với tôi.

Nhân vật Hồ Giáo trong phim tài liệu Cỏ xanh im lặng
Nhân vật Hồ Giáo trong phim tài liệu "Cỏ xanh im lặng"

Đó là khởi đầu, còn khi quay phim “Cỏ xanh im lặng” ông có gặp khó khăn gì không?

Khi tôi vào quay năm 2013 rất khó khăn, khi đó ông 83 tuổi. Trước đó 1 năm, ông đã trải qua chuyện không vui, hợp tác xã đã giải tỏa đàn trâu đã gắn bó với ông cả đời. Có lẽ đấy là sự suy sụp kinh khủng của ông chứ khi ông nghĩ hưu lần 2 ông còn rất khỏe. Đến tuổi đó người ta không được phép sử dụng lao động, lại là lao động cực nhọc, có lẽ chính sự giải tán đàn trâu làm ông buồn. Khi tôi vào ông rất yếu, nên tôi phải chọn ngày ông khỏe để đưa ông lên lại trang trại cũ.

Khi đó trí nhớ của ông không tốt, không còn ký ức rõ ràng, đó là một thách thức vô cùng khó khăn với tôi. Có thể nói khi thực hiện phim này, hình ảnh tôi quay được ông rất ít trong tổng thể phim, nhưng rất may tôi đã tìm lại được tư liệu về phim một người bạn đồng nghiệp của tôi là đạo diễn Đinh Anh Dũng đã làm về ông cách đó đúng 20 năm. Đó là hình ảnh tư liệu vô cùng quý báu cho phim của tôi.

Thứ 2 là bản thân hãng phim tư liệu Trung ương cũng có rất nhiều về ông khi ông còn ở trại bò ngoài Ba Vì. Cách đó 5 năm các bạn đài truyền hình Quãng Ngãi đã làm phim về ông, tôi đã xin phép và tôi được phép sử dụng tư liệu đó. Có lẽ đó là điều may mắn mà tôi có thể xâu chuỗi lại tất cả những hình ảnh đó với cảm xúc của tôi trong hình ảnh tôi đã quay được và tôi truyền được điều tôi muốn nói đến với người xem.

Ông có hài lòng về bộ phim này sau khi thực hiện?

Tôi nghĩ là chúng tôi đã có một sản phẩm khá hào hứng và tôi hài lòng. Có lẽ phim đã để lại một thông điệp ý nghĩa trong cuộc đời này.

Còn về bộ phim thứ 2 thì sao? Ông có thể chia sẻ thêm?

Phim thứ 2 tôi làm nhân kỷ niệm 60 năm thành lập ngành điện ảnh Việt Nam. Tôi cũng hơi bất ngờ khi duyệt tại bảng quốc gia thì họ đánh giá rất cao. Đó là yếu tố để hãng gửi đi thi, vì phim cũng hay và xúc động, đây là điều bất ngờ với tôi. Có lẽ chỉ là kỷ niệm 60 năm nhưng với người làm nghề điện ảnh tôi đã truyền được cảm xúc của tôi thay cho họ.

Ngoài những bộ phim đã được vinh danh, có phim nào chưa từng đoạt giải nhưng ông lại rất thích?

Chuyện giải thưởng còn là cái duyên, nếu có duyên thì mình sẽ có giải. Nhưng gần như phim nào tôi làm tôi cũng được giải, từ khi tôi làm đạo diễn từ năm 2000 đến nay. Thậm chí có nhiều phim được 3 giải khác nhau, như giải “Cánh Diều Vàng”, giải “Bông Sen Vàng” và giải “Báo chí quốc gia”.

Bên cạnh đó cũng có những phim không được giải, nhưng có một phim mà tôi rất thích. Cho đến bây giờ vẫn để lại trong tôi nhiều cảm xúc trong tôi mỗi khi xem lại. Đấy là phim “Ngày cuối cùng của chiến tranh” khi tôi làm nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam - năm 2005. Tôi gặp lại rất nhiều người đã có mặt tại Sài Gòn vào ngày 29, 30/4 năm đó. Với tất cả những cảm xúc và ký ức của họ trong những ngày cuối cùng tôi đã xâu chuỗi tất cả cảm xúc đó và tôi chuyển cảm xúc đó đến với người xem.

Tôi thường đi dạy nhiều nơi, tôi dạy trường Sân khấu điện ảnh, dạy cho đài truyền hình các tỉnh, bao giờ tôi cũng mang phim đi để chiếu cho học sinh tôi xem.

NSND Nguyễn Thước từng có mặt trong LHP từ mùa thứ 11 cho đến nay
NSND Nguyễn Thước từng có mặt trong LHP từ mùa thứ 11 cho đến nay

Ông có kỳ vọng gì trong giải thưởng lần này?

Ai cũng vậy, làm phim xong thì rất hy vọng, tôi cũng đang rất hy vọng. Nhưng mọi thứ thì cứ đợi vào đêm trao giải tối ngày mai.

Ông có thể chia sẻ sự khác biệt khi đến với liên hoan phim lần này so với các liên hoan phim trước?

Tôi nghĩ càng ngày thì làm càng tốt và chuyên nghiệp hơn, có lẽ là năm tháng sẽ giúp chúng ta lớn lên.

Ông đã có mặt tại các LHP bao nhiêu mùa?

Tôi bắt đầu dự LHP từ năm thứ 11 đến giờ. Lần thứ LHP thứ 10 tôi được giải quay phim xuất sắc nhất, nhưng lần đó số người đi rất ít. Tôi không được đi, tôi nghe tin tôi được giải qua báo ngày hôm sau. Tôi có lẽ là người có duyên với giải, 3 liên hoan liền 10, 11, 12 tôi đều giành giải quay phim xuất sắc nhất, có lẽ chưa có phim nào mà liên tục giành giải nhiều như thế.

Nhiều năm có mặt trong các LHP thì ông chia sẻ cảm xúc của mình lúc này?

Không khí LHP còn phụ thuộc vào nơi làm. Nếu làm ở thành phố vừa phải thì không khí người xem rất tốt, tác động đến những người làm phim chúng tôi. Nhưng làm phim ở thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM thì quá lớn và có quá nhiều sự kiện văn hóa nên mọi thứ “lọt thỏm” đi. Dường như không khí chỉ còn lại trong anh em làm nghề mà thôi. Không khí dân chúng không thấy, trong khi tôi đi làm ở các thành phố khác như Đà Nẵng, Nam Định, Phú Yên... không khí dân chúng hồ hởi đón LHP rất vui.

Xin cảm ơn và chúc ông thành công trong LHP Việt Nam lần này.

Băng Châu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm