Lớn lên cùng "Đàn bê của anh Hồ Giáo"

1. Tin anh Hồ Giáo qua đời (thọ 86 tuổi) lúc 15h 30 chiều qua (14/10), làm hàng triệu người bồi hồi, xúc động... Tôi tin rằng, nhiều người có thể còn chưa biết anh (chính xác phải gọi bằng ông) như một anh hùng, một chính khách (từng 2 lần được phong Anh hùng Lao động, là Đại biểu Quốc hội 3 khóa), nhưng hẳn rằng họ đều đã biết đến anh, và mãi mãi sẽ còn nhớ đến anh, trong hình tượng anh Hồ Giáo hồn hậu bên đàn bê giữa đồng cỏ Ba Vì.

Anh hùng Lao động Hồ Giáo
Anh hùng Lao động Hồ Giáo

Mỗi lần đi qua các cánh đồng cỏ nuôi bò ở Ba Vì (mà bây giờ nhà cửa đã khác lắm), hay thậm chí mỗi lần nhìn thấy cái vỏ bịch sữa tươi của một công ty cổ phần sữa quốc tế mang tên địa danh này, tôi đều có cảm xúc khác lạ. Một thời nông trường Ba Vì là biểu tượng của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội (những năm 60, nông trường Ba Vì vang danh khắp cả nước về mô hình điểm chuẩn chăn nuôi).

Biểu tượng đó chắc chắn sẽ kém phần lung linh nếu không có bài tập đọc trong sách giáo khoa lớp 2 “Đàn bê của anh Hồ Giáo”. Tác giả bài văn này, không phải ai cũng nhớ là Phượng Vũ, nhưng lời văn giản dị, và bức tranh đàn bê ấm áp, thì không thể nào quên. Xin trích lại:

“Bây giờ đã sang tháng ba. Đồng cỏ Ba Vì vẫn giữ nguyên vẻ đẹp như hồi đầu xuân. Không khí trong lành và rất ngọt ngào. Bầu trời cao vút, trập trùng những đám mây trắng… Giáo đứng trên đồng cỏ đã lâu lắm. Đàn bê ăn quanh quẩn ở bên anh...”.

Minh họa bài Đàn bê của anh Hồ Giáo trong SGK lớp 2
Minh họa bài "Đàn bê của anh Hồ Giáo" trong SGK lớp 2

Tâm hồn ngây thơ của những đứa trẻ lớp 2 đã mở rộng đón hình tượng anh Hồ Giáo vào lòng. Nhiều chi tiết có thể chúng chưa hiểu, nhưng sự hồn hậu và trong sáng của các hình ảnh trong bài văn đã thấm sâu vào tâm hồn chúng, trở thành ký ức.

Có thể hàng triệu đứa trẻ đã, đang và sẽ còn lớn lên với “Đàn bê của anh Hồ Giáo” cho dù chưa một lần được lên Ba Vì vào giai đoạn này. Tất nhiên, chứng kiến sự bùng nổ nhan nhản của các cửa hàng sữa tươi Ba Vì suốt dọc QL 32, cùng đường Xuân Mai - Hòa Lạc lên Ba Vì, chắc chúng cũng khó tưởng tượng đến không khí ngày xưa trong bài văn.

Cũng vì sự lớn lên đó mà rất nhiều học sinh, giáo viên đã “sáp nhập” hình tượng anh Hồ Giáo trong sách lớp 2 với anh Nhẫn trong “Cỏ non” (sách giáo khoa lớp 11) của nhà văn Hồ Phương. Đến nỗi, khi được Quảng Ngãi mời về dự chương trình cầu truyền hình về anh Hồ Giáo, Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương phải “lên tiếng” rằng giữa anh Nhẫn của ông với anh Hồ Giáo của Quảng Ngãi không có liên quan gì đến nhau.

Anh Nhẫn chỉ là hình tượng hư cấu về những người chăn bò đã lao động hết mình để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

2. Anh hùng Lao động Hồ Giáo đã qua đời. Sự ra đi của anh khiến chúng ta phải suy ngẫm về cuộc đời giản dị của một con người đã phấn đấu hết mình cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội từ những công việc giản dị thầm lặng.

Chúng ta không nên nghĩ rằng, nhờ có bài văn trong Sách giáo khoa lớp 2, anh mới được đi vào cõi bất tử trong lòng công chúng. Trái lại, phải hiểu rằng, tấm gương tận tụy hồn hậu của anh chính là “chất liệu” vô giá trong cuộc sống để văn học nghệ thuật phản ánh, từ đó xây dựng được các hình tượng giàu tính chân - thiện - mỹ.

Không phải ngẫu nhiên, mà anh Hồ Giáo lại đi vào ít nhất 1 bài thơ (“Gặp anh Hồ Giáo” - Tố Hữu), 1 bài hát ("Bài ca anh Hồ Giáo" - Nhật Lai) và 3 bộ phim (Năm 1988, đạo diễn Đinh Anh Dũng làm phim “Chân dung một anh hùng”. Phim thứ hai của Đài TH Quảng Ngãi sản xuất năm 2008 mang tên “Người bình thường”. Năm 2013, NSND Nguyễn Thước  thực hiện bộ phim “Cỏ xanh im lặng”). Như thế văn học nghệ thuật phải... cảm ơn “nguyên mẫu” anh Hồ Giáo.

Nói điều trên để thấy rằng, cho dù văn học nghệ thuật có phát triển đến đâu, hiện đại hóa đến mức nào thì cũng không thể tách rời hiện thực cuộc sống. Chúng ta vừa tổ chức cuộc hội thảo “Văn hóa nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”.

Tôi cho rằng câu chuyện về anh Hồ Giáo, trong hình tượng nghệ thuật, và ngoài cuộc đời, giữa tác phẩm và trong lòng công chúng... chính là một minh chứng cho sức sống lâu bền của chủ nghĩa hiện thực.

Anh Hồ Giáo từ cuộc đời, bước vào trang sách, trở thành hình tượng nghệ thuật đẹp, mãi đồng hành với các thế hệ học sinh, và hàng triệu triệu người đã lớn lên cùng với “Đàn bê của anh Hồ Giáo”.

Theo Nguyễn Phi
Thể thao & Văn hóa

Lớn lên cùng "Đàn bê của anh Hồ Giáo" - 3