NSND Hoàng Cúc kể về hành trình “chiến thắng” bệnh ung thư
(Dân trí) - Phải đối diện với căn bệnh ung thư vú khi sức cống hiến cho nghệ thuật vẫn còn, NSND Hoàng Cúc đã không bi quan mà chiến thắng bệnh tật bằng lòng lạc quan và một chế độ tập luyện đặc biệt.
NSND Hoàng Cúc từng nổi danh bởi vẻ đẹp mang hương sắc đất Tuyên Quang. Tên tuổi của bà gắn liền với những vai diễn trong các vở kịch hết sức đặc biệt của thập niên 80 - 90 như: "Người đàn bà sau tấm cửa sổ xanh", "Tôi và chúng ta", "Em đẹp dần lên trong mắt anh", "Nghĩ về mình", "Ăn mày dĩ vãng", "Thầy khóa làng tôi", "Mùa hoa sữa"…
Bà cũng từng là một gương mặt quen thuộc của bao thế hệ khán giả truyền hình qua các bộ phim: "Tướng về hưu", "Bỉ vỏ", "Sa bẫy", "Hồi chuông màu da cam", "Dòng sông khát vọng", "Kiếp phù du"...
Cách đây mấy năm NSND Hoàng Cúc mắc bệnh ung thư vú. Căn bệnh này khiến bà dần vắng bóng trên sân khấu, trên truyền hình và trong các sự kiện của giới điện ảnh. Tuy nhiên, mới đây bà đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi xuất hiện với một hình ảnh hết sức khoẻ khắn và xinh xắn. Nhan sắc của bà sau một thời gian chống chọi với bệnh tật không những không bị tàn phai mà còn đằm thắm hơn rất nhiều. Không những thế, vào ngày 14 đến 16/10 tới đây, NSND Hoàng Cúc sẽ cùng hơn 20 tên tuổi của làng điện ảnh phía Bắc làm nhân vật chính cho các buổi trình diễn áo dài trong Festival Áo dài Hà Nội 2016 tại Hoàng thành Thăng Long.
Vẫn “bung lụa” mỗi khi có thể
Được biết, cách đây khá lâu bà từng mắc bệnh ung thư. Vậy không biết đến nay sức khoẻ của bà như thế nào?
Cám ơn mọi người đã quan tâm về tình hình sức khoẻ của tôi. Nhân đây tôi cũng chia sẻ là sức khoẻ của tôi vẫn ổn vì bệnh ung thư của tôi khi phát hiện thì ở mức độ có thể kiểm soát được. Vì thế sau một quá trình điều trị tôi đã ổn định.
Hiện nay bà còn phải uống thuốc hoặc trải qua quá trình điều trị bằng Tây y hoặc Đông y?
Tôi hiện không phải uống thuốc gì nữa cả nhưng tôi uống nấm linh xanh triền miên. Ngoài ra, ăn thì gần như tôi ăn chay. Chỉ có khi đi đâu hoặc trong nhà nấu món gì mới thì “chấm đũa” một chút. Đi tiệc tùng thì có thể uống một ít rượu vang còn các thứ thức uống khác là tôi đều từ bỏ. Trước đây khi còn sức khoẻ, mỗi lần đi tiệc tùng thì tôi không từ loại đồ uống nào.
Có thể hình dung một ngày bình thường của bà bây giờ như thế nào?
Một ngày của tôi bây giờ cứ buổi sáng sẽ tập yoga cùng thầy. Chục năm nay, ngày nào mình cũng tập yoga 1 tiếng rưỡi. Sau đó, dắt mấy đứa cháu ra công viên gần nhà chơi. Trưa ăn uống nghỉ ngơi xong bao giờ mình cũng dành thời gian xem bảng tin hoặc phim ảnh hoặc viết lách. Đây là thói quen bao nhiêu năm chưa bao giờ thay đổi. Đến chiều tối con cháu về thì tràn ngập một sự phá phách của lũ trẻ. Chính sự phá phách này cuốn hút mình vào trong thế giới của chúng, miên man từ ngày này qua ngày khác. Thực sự là không có thời gian để nghĩ ngợi điều gì nữa. Cuối tuần tôi thường đi đâu đó để nghỉ ngơi cùng gia đình.
Tất nhiên, nói thế không có nghĩa là mình không tự tạo cho mình một khoảng không gian riêng để “bung lụa”. Thỉnh thoảng tôi cùng bạn bè lại đi chơi ở các tỉnh vùng xa, đi ngắm cảnh, thưởng ngoạn các đặc sản và chụp ảnh. Chụp ảnh về lại đưa lên Facebook để khoe với các bạn bè rằng “tôi vẫn tồn tại bằng chính sức khoẻ của mình”… (cười).
Bà có nói là dành một khoảng thời gian để viết lách. Vậy bà có thể tiết lộ là viết gì?
Viết nhiều thứ lắm. Viết tản văn, viết thơ hoặc đời sống của các nghệ sĩ nổi tiếng. Tôi nghĩ rằng, tôi vẫn tiếp xúc được với họ thông qua những tác phẩm nghệ thuật của họ. Và tôi cho rằng, cái cầu nối đó không bị đứt.
Có lúc nhớ sân khấu đến quay quắt
Trong thời gian mắc bệnh, bà đã phải vượt qua nỗi khó khăn về tinh thần như thế nào?
Câu chuyện của tôi rất là dài, không thể ngồi một lúc mà kể hết ra được. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn nói rằng, những người không may mắc phải căn bệnh này đừng quá bi quan và thất vọng mà hãy tin tưởng vào công nghệ của y học hiện đại. Hãy cố gắng vượt qua nó bằng chính nghị lực của mình.
Là một nghệ sĩ gắn liền với sân khấu và ống kính máy quay. Vậy trong thời gian phải điều trị bệnh, không thể hoạt động nghệ thuật được, bà có cảm thấy nhớ không?
Ôi, rất rất nhớ, có lúc nhớ đến quay quắt. Gần 40 năm làm nghề, nghề diễn trên sân khấu hay trước ống kính máy quay như trở thành máu thịt của mình. Nhưng trong cuộc sống, bên cạnh đam mê nghề nghiệp thì cũng có nhiều thứ có thể “lôi kéo” được bản thân như: gia đình, con cháu, dự định bản thân… Nhiều khi tự an ủi mình rằng, cả một thời tuổi trẻ mình đã cống hiến và lao động cho nghệ thuật rồi bây giờ là thời gian dành cho bản thân và gia đình. Xem đây như là quãng nghỉ mình phải có trong cuộc đời.
Vậy mấu chốt của việc chiến thắng được bệnh tật và giữ ổn định nhan sắc dù đã ở tuổi U60 của bà là gì?
Thực ra là có thay đổi đấy, không ai có thể cưỡng được quy luật của thời gian. Đối với tôi, tôi rất vô tư trong cuộc sống. Mình lựa chọn cho mình một cách sống hơi phiêu linh một tí nghĩa là thanh thản với cuộc sống của mình. Mình cũng lựa chọn cho mình một cách sống phù hợp với sức khoẻ của mình. Chẳng hạn như ăn uống, hít thở, vui chơi, bạn bè, công việc, gia đình… tôi đều hướng tới chân thiện mỹ nhưng an toàn.
Bà có được sự lạc quan và vui vẻ như thế là vì buộc phải thế khi mình mắc bệnh hay trước nay con người bà vẫn thế?
Trước đây tôi còn lạc quan hơn thế nữa. Tức là khi có sức khoẻ, tôi đọc rất nhiều, xem rất nhiều và tôi hơi tham làm việc. Nhiều khi không bỏ sót một bài báo nào cả. Còn bây giờ, mỗi khi ngồi đọc báo là vẫn đọc rất tham nhưng vẫn phải bỏ sót. Ngày xưa, khi còn có sức khoẻ chuyện thức đến 2h sáng là bình thường, bây giờ không còn nhiều sức khoẻ thì đến 1h là đã phải dằn lòng lại để đi ngủ.
Từng mượn áo dài của diễn viên Thẩm Thuý Hằng
Lý do bà nhận lời làm nhân vật trình diễn áo dài trong Festival Áo dài Hà Nội 2016 tới đây là gì, thưa bà?
Bản thân chúng tôi là nghệ sĩ rồi mà lại được xuất hiện trong một Festival Áo dài thì quả là một điều vinh hạnh. Với tôi, người phụ nữ Việt Nam rất may mắn khi được sở hữu tà áo dài. Trên thế giới, tôi chưa thấy ở đâu lại có một loại trang phục thướt tha, dịu dàng và gợi cảm đến thế. Vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống đã làm tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam lên rất nhiều. Và càng ngày, áo dài càng đi sâu vào đời sống, đi đâu người ta cũng mặc áo dài. Nếu để ý quan sát sẽ thấy mấy năm trở lại đây, phong trào mặc áo dài rộ lên như một cơn sốt. Nhà nhà mặc áo dài. Người người mặc áo dài.
Tôi hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nên tà áo dài lại càng gắn bó với mình hơn. Trong các vở kịch, bộ phim, các kỳ liên hoan hoặc các ngày lễ Tết… tôi đều sắm cho mình những bộ áo dài. Tôi cũng thấy rằng, Festival Áo dài Hà Nội 2016 là một Festival mở rộng cho nhiều đối tượng nên tôi rất vui vẻ nhận lời.
Bà có lo lắng gì không khi xưa nay xuất hiện trước công chúng là hình ảnh của một diễn viên, một nghệ sĩ chứ không phải là một người mẫu?
Tôi không lo lắng gì cả. Thứ nhất, tôi rất tự tin về số đo của mình. Thứ hai tôi cũng rất tự tin vì nhà thiết kế Magoon đã thiết kế cho tôi một chiếc áo dài rất đẹp, vừa vặn với số đo của mình. Tôi cảm thấy rất hứng khởi, nhiều cảm xúc khi mặc bộ áo dài này lên sân khấu trong Festival Áo dài Hà Nội 2016 sắp tới.
Bà còn nhớ kỷ niệm lần đầu tiên được mặc áo dài là năm bao nhiêu tuổi, trong dịp gì không, thưa bà?
Hồi bé tôi được mẹ may cho một bộ áo dài thời xưa, mỗi lần về quê, đi ăn giỗ… bố mẹ đều cho mặc bộ áo dài này. Khi đi học ở trường Sân khấu thì tôi mặc áo dài thường xuyên hơn. Đặc biệt, khi đóng bộ phim “Hồi chuông màu da cam” thì tôi mặc rất nhiều áo dài. Lúc đó bọn mình quay phim ở Sài Gòn, ê-kíp làm phim có đến nhà cô Thẩm Thuý Hằng mượn áo dài cho tôi mặc vì nghe nói cô có rất nhiều áo dài. Có một điều rất thú vị là mượn hơn 10 bộ nhưng bộ nào của cô Thẩm Thuý Hằng tôi cũng mặc rất vừa vặn. Tôi cứ nhớ mãi kỷ niệm đẹp đó.
Vậy hiện nay bà có tất cả bao nhiêu bộ áo dài?
Có thể nói, tôi là diễn viên kịch nói nên không có nhiều áo dài. Nhưng nếu mặc áo dài trong các vai diễn thì rất nhiều. Cứ bộ áo dài nào tôi ưng là tôi may luôn chứ không mượn hay thuê. Trong tủ của tôi bây giờ cũng chỉ có trên dưới 10 bộ thôi.
Cám ơn bà đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long
Ảnh: Mạnh Thắng