Nỗi kinh hoàng mang tên "hợp đồng nô lệ" chi phối sự nghiệp giới nghệ sĩ

Mi Vân

(Dân trí) - Những bản "hợp đồng nô lệ" ràng buộc giữa giới nghệ sĩ và công ty chủ quản đã và đang trở thành những công cụ để giới quản lý có thể lạm dụng và ngược đãi người nghệ sĩ.

Trái ngược với ánh hào quang lấp lánh của sự nổi tiếng hay tiền bạc mà giới giải trí mang lại cho người nghệ sĩ, nhiều ngôi sao đang phải chịu đựng sự coi thường, không có tiếng nói, thậm chí bị lạm dụng, bóc lột bởi những bản hợp đồng họ ký kết với công ty quản lý.

Những bản cam kết độc quyền dài hạn này sẽ quyết định tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa người nghệ sĩ và người quản lý. Điều này khiến người nổi tiếng phải dành cả sự nghiệp để cống hiến, trả nợ đầu tư cho công ty chủ quản.

Nỗi kinh hoàng mang tên hợp đồng nô lệ chi phối sự nghiệp giới nghệ sĩ - 1

Nhóm nhạc TVXQ của Hàn Quốc. 

"Hợp đồng nô lệ" từng là cụm từ phổ biến được giới truyền thông quốc tế đề cập tới khi nhắc tới showbiz Hàn Quốc. Theo đó, các công ty quản lý săn tìm các trai xinh, gái đẹp dưới 18 tuổi và ký hợp đồng 10 năm với họ. Trong quãng thời gian này, các công ty sẽ tiến hành đào tạo, đưa các ngôi sao trẻ ra thị trường giải trí và giúp họ trở thành ngôi sao.

Nhiều năm qua, giới giải trí Hàn Quốc từng chứng kiến sự phản ứng của giới nghệ sĩ với công ty quản lý của họ vì cho rằng bị đối xử bất công và bóc lột quá mức. Năm 2008, hai thành viên của nhóm TVXQ từng kiện tập đoàn SM Entertainment vì hợp đồng 13 năm. Với họ, điều này hoàn toàn không công bằng. Họ cũng nhấn mạnh không được trả thêm bất kỳ đồng nào từ những album bán chạy của nhóm.

Nỗi kinh hoàng mang tên hợp đồng nô lệ chi phối sự nghiệp giới nghệ sĩ - 2

Nữ diễn viên Jang Ja Yeon tự vẫn và để lại tâm thư tố cáo quản lý ép cô hầu rượu và phục vụ những nhân vật cấp cao.

Năm 2010, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc đã thiết lập quy tắc các hợp đồng nghệ sĩ chỉ được kéo dài 7 năm để bảo vệ giới nghệ sĩ. Năm 2017, giới chức Hàn Quốc tiếp tục ban hành văn bản mới để bảo vệ nghệ sĩ. Theo đó, nếu nghệ sĩ hủy ngang hợp đồng, khoản tiền phạt họ đối mặt thấp hơn trước.

Theo Variety, thu nhập của nghệ sĩ thường được chuyển về túi tiền của công ty và các công ty giải trí thường lấy cát sê biểu diễn để bù cho chi phí đào tạo và quảng bá. Nhờ các bản hợp đồng nô lệ, công ty quản lý còn có quyền chi phối nhiều khía cạnh sống của người nghệ sĩ, quyết định các mối quan hệ bạn bè, tình cảm và gia đình của họ…

Các thực tập sinh, người sống trong ký túc xá của các công ty giải trí Hàn Quốc thường phải tuân thủ các nguyên tắc của công ty. Họ không được khuyến khích giao tiếp thường xuyên với cha mẹ và bạn bè, không được phép yêu đương, ra ngoài gặp gỡ và dành phần lớn thời gian cho việc tập luyện.

Nỗi kinh hoàng mang tên hợp đồng nô lệ chi phối sự nghiệp giới nghệ sĩ - 3

Nữ ca sĩ Sulli và Jong Hyun của Hàn Quốc đều ra đi khi tuổi đời còn trẻ vì trầm cảm. 

Năm 2018, truyền thông Hàn Quốc rúng động trước thông tin hai ca sĩ Lee Seok Cheol và Lee Seung Hyun, cả hai đều là thành viên nhóm The East Light, phải chịu bạo hành từ thể xác đến tinh thần từ khi còn trẻ.

Theo tờ Ed Times, suốt bốn năm, Lee Seok Cheol và Lee Seung Hyun bị đánh bằng gậy bóng chày, bị quản lý tra tấn, buộc cổ bằng dây đàn guitar và nhiều hình thức khác.

Jang Suk Woo - chủ sở hữu của một công ty giải trí tại Hàn Quốc từng bị học viên tố cáo quấy rối tình dục, cưỡng hiếp 10 nữ nghệ sĩ, trong đó có cả những người ở tuổi vị thành niên. Năm 2009, nữ diễn viên Jang Ja Yeon từng gây chấn động khi tự vẫn và để lại tâm thư tố cáo quản lý ép cô hầu rượu và phục vụ tình dục cho những nhân vật cấp cao.

Năm 2019, hộp đêm Burning Sun thuộc sở hữu của Seungri - nam ca sĩ nổi tiếng nhóm Big Bang, bị điều tra buôn bán chất cấm và tổ chức bán dâm. Yang Hyun Suk - ông chủ cũ của Seungri, đồng thời là người sáng lập công ty YG, cũng bị nghi ngờ về tội danh tương tự. Ông buộc phải từ chức chủ tịch YG vì sức ép của dư luận.

Nỗi kinh hoàng mang tên hợp đồng nô lệ chi phối sự nghiệp giới nghệ sĩ - 4

Nữ ca sĩ Cheska của nhóm nhạc Fiestar vì không thể hoạt động bình thường sau khi tuyên chiến với công ty cũ. 

Năm 2020, nữ ca sĩ Cheska của nhóm nhạc Hàn Quốc - Fiestar đã hé lộ những mặt tối trong ngành giải trí xứ kim chi. Cô tiết lộ, công ty quản lý cũ từng bắt cô nói dối về nơi sinh và xuất xứ của mình để thu hút công chúng. 

 Cheska cũng bày tỏ rằng, nếu không thể rời nhóm, có lẽ cô đã tự tử vì những áp lực và những bất công phải chịu trong suốt 2 năm hoạt động. Cheska cũng phải chịu hợp đồng nô lệ suốt 7 năm nên cô không thể hoạt động bình thường sau khi rời nhóm. Cuối cùng, cô đã quyết định rút lui khỏi ngành giải trí trong sự tiếc nuối của người hâm mộ.

Việc các công ty kiểm soát cuộc sống riêng tư, bóc lột sức lao động được xem là một trong những nguyên nhân khiến các ngôi sao trẻ của Hàn Quốc dễ rơi vào trầm cảm và lựa chọn tự vẫn.

Năm 2017, người hâm mộ Hàn Quốc và thế giới đau lòng trước cái chết của nam ca sĩ Kim Jong Hyun, thành viên nhóm SHINee. Trước khi mất, anh từng nhiều lần lên tiếng bảo vệ những bệnh nhân trầm cảm và nạn nhân của chứng rối loạn tâm thần.

Nỗi kinh hoàng mang tên hợp đồng nô lệ chi phối sự nghiệp giới nghệ sĩ - 5

Năm 2019, Goo Hara tự vẫn vì áp lực công việc và trầm cảm quá lâu. 

Trong năm 2019, hai ngôi sao trẻ của Hàn Quốc - Sulli và Goo Hara đều chọn cách tự tử vì trầm cảm kéo dài và sợ hãi trước áp lực dư luận. Sau khi họ mất, công ty quản lý của họ bị dư luận lên án vì không quan tâm bảo vệ và chăm sóc tinh thần nghệ sĩ.

Tình trạng bóc lột nghệ sĩ không chỉ diễn ra trong làng giải trí Hàn Quốc mà ngày nay, những nghệ sĩ Trung Quốc cũng bị ràng buộc và kiểm soát nghẹt thở bởi những hợp đồng ký kết với công ty quản lý.

Nam thần tượng Thái Chính Kiệt - nổi tiếng nhờ chương trình Sáng tạo doanh năm 2019, đã tuyên bố rời showbiz do sự nghiệp mịt mờ. Song, anh không thể chấm dứt hợp đồng vì nợ công ty quản lý Oriental Story Culture Media số tiền 780.000 USD.

Nỗi kinh hoàng mang tên hợp đồng nô lệ chi phối sự nghiệp giới nghệ sĩ - 6

Thái Chính Kiệt tố cáo công ty quản lý bóc lột. 

Không chỉ vậy, Thái Chính Kiệt còn bị đơn vị chủ quản kiện ra tòa vì vi phạm điều khoản hợp đồng, gây tổn hại hình ảnh công ty. Hai năm qua, Thái Chính Kiệt không được công ty sắp xếp công việc thường xuyên nên không có thu nhập.

Ca sĩ trẻ Lưu Tuấn Hạo tố cáo công ty ép anh phẫu thuật thẩm mỹ dù chưa đủ tuổi thành niên. Nam nghệ sĩ sinh năm 1998 còn tố công ty bóc lột sức lao động mà không nhận được thù lao xứng đáng.

Theo anh, mỗi ngày anh phải làm việc 8 tiếng và mỗi tháng chỉ có 5 ngày nghỉ. Anh chỉ được hưởng 30% thu nhập. Dù mệt mỏi và chán nản nhưng Lưu Tuấn Hạo không thể kết thúc hợp đồng vì phải đối mặt với khoản tiền bồi thường lên tới 1,2 triệu USD.

Nỗi kinh hoàng mang tên hợp đồng nô lệ chi phối sự nghiệp giới nghệ sĩ - 7

Nữ diễn viên Giang Nhược Lâm đã tranh cãi với công ty quản lý gần 7 năm. 

Mới đây, làng giải trí Hoa ngữ dậy sóng trước vụ tranh chấp hợp đồng kéo dài 7 năm giữa nữ diễn viên kiêm ca sĩ Giang Nhược Lâm và công ty Universe Entertainment. Nữ ca sĩ cho biết cô bị đe dọa sau khi tiết lộ tiền lương và bản hợp đồng nô lệ với công ty quản lý.

Giang Nhược Lâm đã từ chối yêu cầu gia hạn hợp đồng và bị công ty quản lý khởi kiện với lý do đơn phương hủy hợp đồng. Nữ diễn viên cho rằng, cô không nhận được mức thù lao xứng đáng và sau 10 năm làm việc cho công ty, cô vẫn nợ công ty hơn 128 nghìn USD.

Theo HK01, trong những phiên điều trần, Giang Nhược Lâm nhiều lần bật khóc trước những lời tố cáo từ công ty cũ và tiết lộ từng muốn tự vẫn vì không chịu nổi áp lực.

Tháng 9 vừa rồi, Á hậu Hồng Kông - Dương Lạc Đình cũng thu hút dư luận khi tiết lộ, cô từng bị công ty quản lý cũ đóng băng sự nghiệp khi từ chối yêu cầu phẫu thuật thẩm mỹ của các quản lý cấp cao. Dương Lạc Đình thú nhận, quãng thời gian đối đầu công ty cũ, cô bị kiệt quệ về sức lực, tinh thần và tài chính.

Nỗi kinh hoàng mang tên hợp đồng nô lệ chi phối sự nghiệp giới nghệ sĩ - 8

Á hậu Hồng Kông - Dương Lạc Đình bị công ty quản lý cũ đóng băng hoạt động vì từ chối phẫu thuật thẩm mỹ. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm