Nỗi cô đơn của con người trong phim Lý An, Hầu Hiếu Hiền

B.Phương

(Dân trí) - Các tác phẩm điện ảnh của Lý An, Hầu Hiếu Hiền, Thái Minh Lượng... đưa ra những lát cắt về cá nhân đương đại, sự rạn nứt trong mối quan hệ gia đình, cũng như sự ảnh hưởng của bối cảnh xã hội đến con người.

Những năm gần đây, các tác phẩm điện ảnh của Đài Loan (Trung Quốc) nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn và khán giả bởi nội dung hấp dẫn, gửi gắm nhiều thông điệp nhân sinh, hiện thực sâu sắc.

Tại hội thảo "Chuyển biến của hạt nhân xã hội toàn cầu: Nghĩ về gia đình qua điện ảnh Đài Loan" diễn ra tại TPHCM, các diễn giả đã bàn luận sôi nổi về các tác phẩm điện ảnh nổi bật thời gian qua.

Sự kiện do Ban Tổ chức dự án "Gặp gỡ mùa thu" kết hợp Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội tổ chức.

Nỗi cô đơn của con người trong phim Lý An, Hầu Hiếu Hiền - 1

Đạo diễn Phan Đăng Di phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Ban Tổ chức).

Những bài tham luận trong hội thảo đề cập đến các chủ đề quen thuộc trong điện ảnh Đài Loan (Trung Quốc) như: Cá nhân đương đại, sự rạn nứt, mối quan hệ gia đình, cũng như sự ảnh hưởng của bối cảnh xã hội và văn hóa đến con người.

Chia sẻ với Dân trí, tiến sĩ Hồ Khánh Vân - Phó trưởng khoa Văn học trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM - cho biết mỗi đạo diễn sẽ có những góc nhìn khác nhau. Đó có thể là sự đơn độc, bất trắc, nỗi buồn thân phận của con người trong bối cảnh đời sống, quá trình đô thị hóa, xung đột giữa những giá trị truyền thống - hiện đại, cũng có thể là bức tranh tình yêu trong những bộ phim thanh xuân vườn trường.

Tại hội thảo, tiến sĩ Hồ Khánh Vân chỉ ra nỗi cô đơn xuyên suốt trong các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Thái Minh Lượng. Các nhân vật trong những bộ phim như "Vive L'Amour", "The river", "The hole"... đều có trạng thái trống rỗng, đơn độc, đứng bên lề của nhịp sống đô thị hiện đại. Nhà làm phim sinh năm 1957 quan niệm nỗi cô đơn là bản chất con người, khiến con người tìm được chính mình.

Thái Minh Lượng yêu thích phong cách "kịch bản phi kịch bản", phim không có tình tiết căng thẳng, không có cao trào, không phân vai nhân vật. Con người trong phim Thái Minh Lượng thường xuất hiện lặng lẽ qua những cảnh sinh hoạt đời thường.

Mối quan hệ gia đình trong phim Thái Minh Lượng cũng rời rạc, đứt gãy, thậm chí khán giả không nhận ra sự liên kết huyết thống giữa các nhân vật đó. Trong phim "The river" (1997), cha mẹ và con cái, mỗi người một thế giới, không gian riêng. Sống chung nhà nhưng các nhân vật không ăn cơm chung, không hỏi han lẫn nhau. Cậu con trai mắc căn bệnh kỳ lạ, người mẹ đưa đi chạy chữa, nhưng 2 mẹ con "càng đến gần, lại càng rời xa nhau, càng nhận ra họ không thuộc về nhau".

Nỗi cô đơn của con người trong phim Lý An, Hầu Hiếu Hiền - 2

Nhân vật chính trong phim "The river" của Thái Minh Lượng (Ảnh: MUBI).

Đề cập đến góc nhìn gia đình trên phim, thạc sĩ Hoàng Dạ Vũ (giảng viên Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) bàn về sự rạn nứt mô hình gia đình truyền thống xã hội châu Á thông qua phân tích phim "Ẩm thực nam nữ" của đạo diễn Lý An.

Sự rạn nứt thể hiện qua mối quan hệ cha mẹ - con cái thay đổi, cha mẹ không toàn quyền quyết định tương lai, số phận con cái, bậc phụ huynh và những đứa con tìm kiếm những khuôn mẫu hạnh phúc riêng. Tuy nhiên, phim vẫn mang lại thông điệp hòa giải: Truyền thống và hiện đại có thể tồn tại dung hòa với nhau, không triệt tiêu, chối bỏ lẫn nhau. 

Nỗi cô đơn của con người trong phim Lý An, Hầu Hiếu Hiền - 3

Cảnh phim "Ẩm thực nam nữ" của đạo diễn Lý An (Ảnh: IMDB).

Nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi (Thạc sĩ Đại học Phúc Đán - Trung Quốc) cũng bàn luận về nỗi cô đơn của con người, sự hoang tàn về không gian, thời gian trong thế giới hiện đại qua tác phẩm "A time to live, a time to die" (Đồng niên vãng sự) của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền. Nhà văn cho biết, điểm đặc trưng của phong cách Hầu Hiếu Hiền chính là nhận định thân phận con người trong bối cảnh sử thi.

"Các đề tài của Hầu Hiếu Hiền vượt lên trên một câu chuyện cụ thể. Đạo diễn lý giải con người bằng góc nhìn của người thấu hiểu, yêu thương con người, nhưng cũng hiểu về quy luật cuộc sống, nhân sinh" - nhà văn Ngân Vi chia sẻ thêm với PV Dân trí.

Cùng khắc họa bức tranh thân phận con người, nỗi buồn đô thị, nhưng mỗi đạo diễn có những cách làm phim khác nhau. Ví dụ, trong "A time to live, a time to die", Hầu Hiếu Hiền sử dụng phương pháp cắt cảnh theo ánh nhìn. Còn trong "Brighter summer day" (Một ngày hè tươi sáng hơn) của Dương Đức Xương và "A sun" (Dương quang phổ chiếu) của Chung Mạnh Hoành, các đạo diễn sử dụng sự tương phản hiệu ứng ánh sáng - bóng tối để miêu tả thân phận con người, gia đình, xã hội. 

Nỗi cô đơn của con người trong phim Lý An, Hầu Hiếu Hiền - 4

Phim "A sun" của đạo diễn Chung Mạnh Hoành (Ảnh: Variety).

Tại hội thảo, tiến sĩ Hoàng Cẩm Giang (Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho biết thêm, 2 tác phẩm "Brighter summer day" và "A sun" đi theo mô típ nam chính là người hoàn hảo, toát lên ánh hào quang rực rỡ, là niềm hy vọng của cả gia đình. Tuy nhiên, trái ngược với ánh hào quang này là mảng tối về số phận đau thương của nhân vật, về cuộc sống đương đại nhiều bất trắc.

Kết thúc chương trình, khán giả dành nhiều tràng vỗ tay cho các diễn giả. Thông qua những bài tham luận công phu, nghiên cứu kỹ lưỡng, người nghe hiểu thêm về những câu chuyện gia đình, con người được phản ánh trong phim. Những câu chuyện đó một mặt khắc họa hình ảnh đa diện của xã hội, mặt khác thể hiện những vấn đề mang tính nhân văn, toàn cầu.