Nỗ lực chấm dứt lễ hội mang tính bạo lực, phản cảm trong năm 2016
(Dân trí) - Chiều ngày 30/12/2015, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội dân gian năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM.
Nhiều hạn chế làm giảm giá trị lễ hội
Theo báo cáo tại buổi “Tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2015” thì trong năm 2015, công tác quản lý, tổ chức lễ hội được tăng cường, nhiều lễ hội có sự chuyển biến rõ nét. Ngay từ đầu năm, Bộ VH,TT&DL đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đặc biệt, đối với những hạn chế ở một số hoạt động của lễ hội như: đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ, tiền giọt giầu, tình trạng ùn tắc, chen lấn xô đẩy, cờ bạc, bói toán, mê tin dị đoan, ăn mày, các hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội… đã được chấn chỉnh kịp thời tại nhiều di tích, lễ hội.
Ban quản lý một số di tích, lễ hội như: di tích dang thắng Yên Tử, đền Cửa Ông (Quảng Ninh), đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), đền Trần (Nam Định), đền Kiếp Bạc (Hải Dương), chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương), chùa Keo (Thái Bình), miếu Bà Chúa Sứ (Núi Sam - An Giang), đền Mẫu Thượng (Lào Cai), đền Hồng Sơn, đền Cờn (Nghệ An)… đã bố trí, sắp xếp hệ thống hòm công đức, tiền đèn nhang trong di tích đúng quy định. Nhiều nơi thậm chí còn lắp đặt camera để theo dõi du khách trong khu vực nội tự nhằm đảm bảo tối đa công tác an ninh trật tự.
Ngoài ra, trong năm 2015, nhiều Sở VH,TT&DL đã thành lập nhiều đoàn thanh kiểm tra phát hiện và xử lý đưa 6 đôi sư tử đá “ngoại lai” ra khỏi 3 di tích đền Ghềnh (Văn Lâm), chùa Quốc (TP. Hưng Yên); thu giữ 15 ấn phẩm văn hoá ngoài luồng; tịch thu 3156 tờ rơi có chứa nội dung mê tín dị đoan (Bình Dương), 10 quyển sách có nội dung bói toán và 37 đĩa CD/DVD không tem nhãn.
Tuy vậy, tình trạng thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi, bán vé vào lễ hội, vi phạm quy chế tổ chức làm giảm giá trị của lễ hội vẫn còn. Nhiều lễ hội vẫn còn duy trì tập tục chứa đựng những yếu tố mang tính phản cảm, gây bức xúc dư luận. Hiện tượng đốt nhiều vàng mã và đốt không đúng nơi quy định gây lãng phí, tốn kém, gây nguy cơ cháy nổ vẫn tồn tại khá nhiều di tích.
Một số lễ hội có biểu hiện bạo lực, tranh cướp, chen lấn, tranh giành khách làm mất an ninh, trật tự vẫn chưa được khắc phục triệt để. Nhiều di tích lễ hội vẫn ngang nhiên tồn tại hiện tượng đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch giá, vi phạm quy định về lĩnh vực tiền tệ. Nhiều nơi, vấn đề vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo, tình trạng vứt xả rác bừa bãi vẫn diễn ra khá phổ biến trong nhiều lễ hội.
Nên chấm dứt những lễ hội bạo lực
Tham luận tại hội nghị, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh phát biểu, Bắc Ninh là một trong các tỉnh có nhiều lễ hội dân gian. Lễ hội Chém lợn ở Ném Thượng là một trong những lễ hội có từ lâu đời và mang ý nghĩa khao quân, bị mai một trong những năm chiến tranh mới được khôi phục lại từ năm 1999. Hơn chục năm nay lễ hội diễn ra bình thường, từ năm 2012 đến nay dư luận quan tâm đến lễ hội này, có ý kiến ủng hộ, có ý kiến không. Sở VH,TT&DL tỉnh hướng dẫn, năm 2013- 2014 không tổ chức chém lợn ở giữa sân đình nữa và đưa vào chỗ kín đáo hơn. Từ năm 2015, do nhiều ý kiến trái chiều, nhân dân tiếp tục mong muốn, thậm chí là người cao tuổi chỉ đạo con cháu tổ chức chém lợn giữa sân đình.
Nhiều ý kiến vẫn cho rằng đây vẫn là lễ hội giàu truyền thống văn hóa, cần được bảo tồn, phát huy. Lễ hội không vi phạm các quy định. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng lễ hội chém lợn không phải là giá trị bất biến, mà có thể thay đổi được, đề nghị thay đổi cách thứ tổ chức cho phù hợp. Hiện nay nhân dân Bắc Ninh vẫn quyết tâm tổ chức lễ hội này, nhưng đồng ý điều chỉnh cho phù hợp, nhà nước và nhân dân cùng làm.
Đánh giá về công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong năm 2015, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL cho biết, qua công tác thanh tra, thấy nhiều Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy ra các nghị quyết chuyên đề, UBND ra các kế hoạch chỉ đạo, có thể nói đã có sự chuyển biến về nhận thức. Công tác tổ chức lễ hội chuyên nghiệp hơn, sự tham gia ngày càng đông của các doanh nghiệp vào việc quản lý di tích, danh lam thắng cảnh, làm cho văn minh lễ hội được nâng lên.
Tuy nhiên, các lễ hội mang yếu tố phản cảm vẫn còn như: lễ hội Chém lợn ở Ném Thượng, cướp lộc ở Sóc Sơn (Hà Nội), cướp phết ở Vĩnh Phúc...
Ông Vũ Xuân Thành cho biết thêm, riêng lễ hội “Chém lợn”, UNESCO chỉ thừa nhận tính riêng biệt của lễ hội nhưng không thừa nhận tính bạo lực. Không phải cái gì cũng được tổ chức này khuyến khích nên cần được xem lại lễ hội này. Ông Thành cũng đề nghị Hà Nội nên nghiên cứu lại việc cướp lộc ở Hội Gióng: “Phải làm sao vẫn đủ yếu tố truyền thống, tâm linh nhưng phải đảm bảo không bạo lực. Dĩ nhiên, để làm được điều này không chỉ riêng ngành văn hóa, mà phải nhiều ngành cùng vào cuộc. Tuy nhiên, ngành văn hóa phảm làm nòng cốt để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền, thành lập BTC có đầy đủ các thành phần. Bộ sẽ kiểm tra trước, trong và sau tết, tập trung giảm những vấn đề còn nổi cộm”.
Ngoài ra, ông Thành cũng nhấn mạnh một số mô hình quản lý di tích, lễ hội đang còn rất nhiều vướng mắc, nơi thuộc Sở VH,TT&DL quản lý, nơi giao cho các chính quyền địa phương quản lý, có nơi doanh nghiệp xã hội hóa dẫn đến tình trạng lễ hội thương mại hóa rất nặng, làm giảm đi giá trị truyền thống của lễ hội. Ví dụ, chọi trâu chỉ có ở Hải Phòng hiện đang được “nhân bản” nhiều nơi để tổ chức bán vé thu lợi. Bên cạnh đó, vấn đề thu chi và quản lý tiền công đức cũng chưa minh bạch, rõ ràng... khiến nhiều người dân mất lòng tin.
Ông Vũ Xuân Thành khẳng định, hiện nay chỉ một số di tích như: đền Cửa Ông, chùa Hương Hà Tĩnh và các di tích ở Nghệ An đã có quy chế quản lý tiền công đức và làm các hòm công đức phù hợp với cảnh quan.
Phát biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng: “Nên chấm dứt những lễ hội bạo lực đi, và chúng ta hoàn toàn có thể làm được!”.
Hội nghị còn bàn đến những vấn đề nóng khác về công tác quản lý, tổ chức lễ hội như: công tác quản lý văn hóa nói chung và quản lý lễ hội nói riêng đã từng bước đi vào nền nếp nhưng cũng nảy sinh nhiều yếu tố phức tạp khi một số lễ hội dân gian được phục hồi thì lễ hội xảy ra sự xung đột dữ dội giữa văn hóa và kinh tế, có nơi coi tổ chức lễ hội là dịp làm kinh tế có tính thời vụ trong năm.
Việc quản lý lễ hội dân gian càng phức tạp hơn khi mô hình quản lý di tích của chúng ta chưa thống nhất, vai trò của chính quyền nhiều nơi khiêm tốn hơn vai trò của trụ trì và cộng đồng làng xã. Vì vậy, bên cạnh việc đề cao cấp ủy, chính quyền địa phương phải chú ý đến vai trò của người trông coi di tích. Bộ VH,TT&DL sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý lễ hội cho phù hợp.
Hà Tùng Long