Những tư liệu quý về nhạc sỹ Trần Hoàn

(Dân trí)- Là người mê bài hát “Thiên Thai” của nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Tăng Hích lấy hai từ “Trần Hoàn” trong câu hát “Đào Nguyên trước, Lưu Nguyễn quên trần hoàn” làm bút danh của mình…

Nhạc sĩ Trần Hoàn, tên khai sinh là Nguyễn Tăng Hích sinh ngày 27/12/1928 tại xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, mất ngày 23/11/2003 tại Hà Nội.

Năm 1941, Nguyễn Tăng Hích vào học trường Lycée Khải Định (Quốc học Huế). Tháng 10 năm 2003, Trần Hoàn viết bài “Nhớ Trương Xuân Thâm” nhắc đến những người bạn thân cùng ở một ký túc xá: Trần Nhơn, Trương Xuân Thâm.

“Cùng ở một phòng ngủ chung (dortoir), chúng tôi có điều kiện tâm sự, và cùng nhau thi đua học. Vì người nào cũng nghèo nên phải cố gắng học để được xếp vào hạng nhất, nhì lớp mới mong có được học bổng toàn phần năm tới, nếu không, khó có thể tiếp tục học. Trong đám có lẽ Thâm là người nghèo nhất. Phải chăng vì vậy mà Thâm thường lo lắng, đăm chiêu, và tuy không cởi mở nhưng luôn giấu trong lòng những tâm trạng, những suy tư thầm kín”.

Năm 1968, các nhà báo Trương Xuân Thâm, Lê Khánh Căn, Bùi Á, Tô Chức, Hoàng Tá, Thái Cương vào chiến trường cùng làm việc mấy tháng ở Ban tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế với anh Trần Hoàn và tôi. Với bút anh Hồ Thuận An, lúc này anh Trần Hoàn là Phó Trưởng ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên và từ năm 1969 là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Trị Thiên Huế.

Là một người hiếu động, ham vui chơi thể thao, văn nghệ, lúc nào Nguyễn Tăng Hích cũng sôi nổi với mọi người.

Theo nhạc sĩ Minh Tâm “khi Hích 11 tuổi, là lúc phong trào “âm nhạc cải cách” ở Huế cũng như các thành phố lớn, đang được các thanh niên học sinh hưởng ứng sôi nổi. Với chiếc đàn măng –đô- lin của người chị mua về để hát những bài hát mới, Hích đã mò mẫm tập bấm, tập gẩy theo tiếng hát của chị và rất mau chóng đàn theo được người hát và chơi được một số bài khá chính xác.

Năng khiếu âm nhạc của Hích chớm nở từ đó, nhưng cho đến khi anh vào trường Khải Định, mỗi tuần được học một giờ nhạc, do giáo sư Viđan (Vidal) người Pháp dạy, thì giọng hát bẩm sinh của anh mới được nâng dần lên, rồi sau đó anh mới học đến ghi ta ha-oai-iên và ghi ta Tây Ban Nha để cùng hòa đàn với các bạn yêu nhạc bấy giờ như Phạm Khuê, Phạm Tuyên, Võ Sum….” (Trần Hoàn – Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Hội Nhà Văn Việt Nam, Liên hiệp văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội, 2004 – trang 321-322).

Jules Eugène Vidal sinh năm 1914 đã dạy sinh vật và âm nhạc ở trường Quốc học. Giáo sư có tên trong Từ điển Bách khoa Việt Nam. Tháng 4 năm 1994, ông đã được người học trò cũ là Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Trương, Viện trưởng Viện Sinh thái mời sang thăm lại Việt Nam. Ông đã được thầy trò cũ trường Quốc học Huế đón tiếp nồng nhiệt ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt và TP.Hồ Chí Minh. Hiện thầy Vidal đã 99 tuổi.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp sau cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tăng Hích hăng hái tham gia các hoạt động xã hội.

Ông Phan Hoàng Mạnh (Phan Giếp) cho biết: Trong Ban chấp hành Hội học sinh trường Khải Đinh có các anh Hoàng Triều, Nguyễn Tăng Hích, Nguyễn Duy Tùng, Lê Khánh Căn, Nguyễn Văn Xanh, Nguyễn Hữu Chỉnh.

Hội đã vận động thanh niên học sinh tổ chức quyên góp tiền và gạo gửi ra Bắc cứu trợ nạn đói khủng khiếp năm 1945 và tham gia vận động bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên.

Trong hai cuộc thi sáng tác bài hát do Đoàn học sinh cứu quốc tổ chức năm 1945 và 1946, Nguyễn Tăng Hích tham dự với hai bài hát Học sinh vui tươi và Hồn nước dưới bút danh Trần Hoàn, đều được trúng giải.

Là người mê bài hát “Thiên Thai” của nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Tăng Hích lấy hai từ “Trần Hoàn” trong câu hát “Đào Nguyên trước, Lưu Nguyễn quên trần hoàn” làm bút danh của mình.

Trần Hoàn say sưa sáng tác âm nhạc, ca kịch, trở thành một nhân vật nổi tiếng của Đoàn học sinh cứu quốc thành phố Huế.

Từ đó, gần 60 năm, qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, luôn gắn bó với nhân dân, nhạc sĩ Trần Hoàn có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, để lại nhiều tác phẩm âm nhạc được nhiều thế hệ yêu thích.

Mặc dù phải đảm đương những nhiệm vụ nặng nề trong vùng địch hậu, trong bom đạn ác liệt và sau này là Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin, Phó Trưởng ban tư tưởng văn hóa, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, người nhạc sĩ tài hoa ấy luôn sống chân thành, sôi nổi, dễ gần….

Năm 1976 nhạc sĩ Trần Hoàn đã đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm trường Quốc học Huế. Năm 1983, nhạc sĩ Trần Hoàn được bầu làm Trưởng ban Ban liên lạc cựu học sinh Quốc học Huế nhưng ngay sau đó, anh được điều động ra Hà Nội. Anh lại tham gia Ban liên lạc cựu học sinh Quốc học Huế tại Hà Nội rồi làm Phó ban liên lạc toàn quốc Cựu học sinh Quốc học Huế mà nhà thơ Huy Cận là Trưởng ban.
 
Những tư liệu quý về nhạc sỹ Trần Hoàn
Họp mặt thầy trò Quốc học Huế tại Hà Nội, từ trái sang: Đỗ Ngại, Trần Văn Quý, Trần Hoàn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thúc Hào, Phạm Khắc Hòe, Hà Phú Hương
 
Năm 1996, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trưởng Quốc học Huế, nhà thơ Huy Cận bàn giao công việc này cho nhạc sĩ Trần Hoàn. Trần Hoàn năng nổ lo cho thầy trò cũ. Anh là sợi giây bền chặt liên kết mối quan hệ quý báu ấy.
 
Những tư liệu quý về nhạc sỹ Trần Hoàn
Từ trái qua phải: Nhà giáo ưu tú Đặng Xuân Trừng - Hiệu trưởng trường Quốc học Huế, Nhạc sĩ Trần Hoàn – Trưởng ban liên lạc Cựu học sinh Quốc học Huế, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân, Giáo sư Trần Hồng Quân – Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong ngày hội 100 năm trường Quốc học Huế.
 
Những tư liệu quý về nhạc sỹ Trần Hoàn
Nhạc sĩ Trần Hoàn tặng hoa cho Giáo sư Vĩnh Sính, cựu học sinh Quốc học Huế từ Canada về dự cuộc họp mặt của Cựu học sinh Quốc học Huế tại Hà Nội (1997)
 
Năm 1998, anh là một trong những người rất tích cực chăm lo đón thầy Nguyễn Vỹ, lúc thầy đã 98 tuổi từ Nha Trang ra Hà Nội để gặp lại người những bạn cũ như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lân và những học trò cũ. Chính phủ đã tưởng nhớ công lao của một người thầy đã từng dạy ở trường Quốc học Huế, nguyên là Giám đốc Sở Giáo dục Liên khu 5 và Hiệu trưởng trường Trung học kháng chiến Lê Khiết, đã trao tặng thầy Nguyễn Vỹ Huân chương Kháng chiến.
 
Những tư liệu quý về nhạc sỹ Trần Hoàn
Từ phải qua trái: Trần Hoàn, các Giáo sư Nguyễn Vỹ, Nguyễn Lân, anh Võ Khắc Vui trong ngày đón tiếp thầy Nguyễn Vỹ từ Nha Trang ra
 
Nhạc sĩ Trần Hoàn còn giành phần lớn tiền các giải thưởng của mình để tặng trường Quốc học Huế làm phần thưởng cho học sinh suất sắc nhất.
 
Những tư liệu quý về nhạc sỹ Trần Hoàn
Tại Đại hội VI Hội Nhà văn Việt Nam từ trái sang Trần Hữu Lục, Hà Khánh Linh, Trần Hoàn, Tố Hữu, Nguyễn Cửu Thọ, Trần Phương Trà, Trần Công Tấn, hàng sau: Phạm Quang Trung, Võ Thị Xuân Hà, Võ Quê, Hồng Nhu, Tô Nhuận Vỹ trong đó có nhiều cựu học sinh Quốc học Huế
 
Năm 2001, kỷ niệm 105 năm thành lập trường Quốc học Huế, nhà thơ Huy Cận, nhạc sĩ Trần Hoàn và tôi từ Hà Nội đi ô tô về Huế dự lễ. Dừng nghỉ đêm ở Đồng Hới, anh tranh thủ làm việc với Hội Văn nghệ Quảng Bình. Hòa vào không khí sôi nổi của trường,nhạc sĩ Trần Hoàn cầm đàn guitare hát và giao lưu cùng thầy trò Quốc học.
 
Ban liên lạc cựu học sinh Quốc học Huế làm việc với Ban giám hiệu nhà trường.
Ban liên lạc cựu học sinh Quốc học Huế làm việc với Ban giám hiệu nhà trường. Từ trái sang phải: Nhà thơ Huy Cận, nhạc sĩ Trần Hoàn, Phó hiệu trưởng Mai Trọng Ý, nhà thơ Trần Phương Trà, Hiệu trưởng Nguyễn Chơn Đức, Phó hiệu trưởng Trần Văn Du (2001)
 
Nhạc sĩ Trần Hoàn với học sinh Quốc học Huế (2001)
Nhạc sĩ Trần Hoàn với học sinh Quốc học Huế (2001)

Những cuộc họp mặt hàng năm của thầy trò cũ trường Quốc học ở Hà Nội, nhạc sĩ Trần Hoàn luôn lo chu đáo.

Trong buổi biểu diễn văn nghệ của 7 trường ở Hà Nội và Huế: Trường Đỗ Hữu Vị, trường nữ Đồng Khánh Hà Nội, trường nữ Đồng Khánh Huế, trường Quốc học Huế… năm 2003, Trần Hoàn hát bài “Mùa hoa sữa” vừa mới viết xong.
 
Trần Hoàn và Trần Phương Trà trong buổi giao lưu văn nghệ 7 trường ở Hà Nội
Trần Hoàn và Trần Phương Trà trong buổi giao lưu văn nghệ 7 trường ở Hà Nội
 
Tháng 9 năm 2003, Trần Hoàn tham dự buổi họp của Câu lạc bộ Văn hóa Huế tại Hà Nội cùng Giáo sư Nhạc sĩ Trần Văn Khê và nữ sĩ Tôn nữ Hỷ Khương.
 
Trần Hoàn và Trần Phương Trà trong buổi giao lưu văn nghệ 7 trường ở Hà Nội
Trưởng ban Liên lạc Cựu học sinh Quốc học Huế Trần Hoàn tặng tranh sơn mài mừng thọ cựu học sinh tròn tuổi 80. Từ trái sang: Hồ Nhật Lương, Nguyễn Thị Tùng, Nguyễn Minh Vân (Nguyễn Đình Quảng), Đỗ Ngại, Phan Viên, Nguyễn Mừng, Trần Hoàn (3/2003)
 
Trần Hoàn và Trần Phương Trà trong buổi giao lưu văn nghệ 7 trường ở Hà Nội
Một trong những bức ảnh cuối cùng của nhạc sĩ Trần Hoàn chụp tháng 10/2003 với tác giả bài viết. Ảnh Trần Ngọc Trác
 
 
Những ca khúc nổi tiếng Sơn nữ ca, Lời người ra đi, Lời ru trên nương (thơ Nguyễn Khoa Điềm), Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm (thơ Đỗ Quý Doãn, Một mùa xuân (thơ Thanh Hải), Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Thăm bến Nhà Rồng… đã làm nên một Trần Hoàn với những âm hưởng dân ca miền Trung lay động lòng người…

Nhạc sĩ Trần Hoàn, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học Nghệ thuật đã từ giã cõi đời, đã ngừng im “một nốt trầm xao xuyến ta biến trong hòa ca” trọn 10 năm. Cùng với nhiều nhà cách mạng, tướng lĩnh, nhà khoa học, nhiều văn nghệ sĩ tiêu biểu là thầy trò trường cũ Quốc học Huế, Nguyễn Tăng Hích – Trần Hoàn – người học trò Quốc học Huế ấy đã mang lại niềm tự hào cho trường và hình ảnh của anh còn mãi trong lòng các thế hệ thầy trò Quốc học Huế.

Trần Phương Trà